Dịch thuật: Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên (962) ("Truyện Kiều")


BẤY GIỜ MỚI NỔI TAM BÀNH MỤ LÊN (962)
          Tam bành: Đạo giáo cho rằng trong thân thể con người có thượng, trung, hạ “tam thi” 三尸 (hoặc gọi là “tam trùng” 三虫, “tam bành” 三彭).
          Thượng thi tên là Bành Cứ 彭倨, ở trong đầu; trung thi tên là Bành Chất 彭质, ở trong bụng; hạ thi tên là Bành Kiểu  彭矫, ở dưới chân. Tam thi có thể khiến con người sinh bệnh, đồng thời chuyên ghi lại tội lỗi và cái ác của con người, mỗi khi đến ngày Canh Thân 更申 lúc con người ngủ say, tam thi rời khỏi thân thể, “trên bạch với Thiên tào, dưới tâu với địa phủ, báo cáo về tội trạng của con người, thuật lại cái ác của con người, thần tư mệnh căn cứ lời tấu của tam thi mà giảm tuổi thọ của họ. Nếu vào ngày đó con người không ngủ, tam thi sẽ không thể rời khỏi thân thể để đi cáo trạng. Cho nên, ngày trước mỗi khi gặp ngày Canh Thân, một số người trai giới không ngủ, khiến tam thi không thể lên trời xuống đất để báo cáo lỗi lầm của mình, đó gọi là “thủ Canh Thân” 守庚申.
Nguồn 
ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN
道教常识答问
Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰
                   Vương Chí Trung 王志忠
                   Đường Đại Triều 唐大潮
Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996

Mụ nghe nàng nói hay tình
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên
(“Truyện Kiều”:  961- 962)
Tam bành: Đạo gia cho rằng trong thân người ta có ba vị thần gọi là tam bành, tức Bành Kiểu, Bành Cứ, Bành Chất, ba vị thần ấy xui người ta làm điều ác rồi tâu lên Ngọc hoàng thượng đế. Nổi tam bành tức là nổi giận lên mà làm ác, mà hành hung.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Đạo thư: Bành Cư, Bành Kiều, Bành Chất thủ tại nhân thân trung, mỗi đáo Canh thân nhật thượng nghệ Thiên tào ngôn nhân tội quá, tỉ tốc tử miễn thủ.
          道書: 彭琚彭喬彭質守在人身中每到庚申日上詣天曹言人罪過俾速死免守
          (Sách Phật: Bành Cư, Bành Kiều, Bành Chất là ma ở trong người ta, cứ đến ngày Canh thân lên Thiên tào tâu những điều tội ác của người ta, để cho chóng chết khỏi phải giữ nữa)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 16/6/2020


Previous Post Next Post