Dịch thuật: Đại sự hai triều Hạ Thương ...(tiếp theo)

ĐẠI SỰ HAI TRIỀU HẠ THƯƠNG
CÙNG TRUYỀN THUYẾT TRƯỚC ĐÓ
(tiếp theo)

          Hải ngoại lúc bấy giờ không chừng là Liêu Đông 辽东 hoặc Triều Tiên 朝鲜. Sau khi triều Thương diệt vong, vương đệ Cơ Tử 箕子đã đào thoát đến Triều Tiên mấy đời thống hạt nơi đó, chắc hẳn là nhân vì người Thương nguyên trước đó đã có một số căn cứ nơi đó? Sau Tướng Thổ 相土  hai ba trăm năm, sự tích của người Thương không thể tra khảo, có lẽ đó là thời đại trung suy của họ (truyền thuyết cho rằng Tướng Thổ phát minh ra việc đóng ngựa vào xe, hậu duệ ông là Vương Hợi 王亥 – cũng là tiên thế của Thành Thang – phát minh ra dùng trâu đóng vào xe). Đến Thành Thang mới đưa lại người Thương vào lịch sử, ông từ Thương bắc dời đến đất Bạc , tiếp theo diệt một số lân tộc phương bắc, sau đó tấn công triều Hạ. Hạ chủ là ông Kiệt binh bại, bị đày đến Nam Sào 南巢 (nay là 5 dặm về phía đông bắc huyện Sào An Huy 安徽) rồi chết, triều Hạ đến đây cáo chung.
          Nếu chúng ta từ triều Hạ đi ngược lên nữa, sẽ thấy đầu mối lịch sử lạc trong thần thoại li kì và truyền thuyết lí tưởng hoá không thể phân tích biện giải. Phàm những thần thoại đó, trong sách này lược bỏ, nhưng trong đó có một bộ phận có quan hệ với bề ngoài của lịch sử đời sau, cần phải trình bày.
          Theo truyền thuyết, vị quân chủ mà ông Vũ kế thừa là ông Thuấn , quốc hiệu Ngu ; người mà ông Thuấn kế thừa là ông Nghiêu , quốc hiệu Đường . Thời Đường Nghiêu, “thiên hạ vi công” 天下为公, không phải tư hữu của một nhà một họ. Ông Nghiêu làm sao có được đế vị, truyền thuyết không quan tâm đến. Ông Thuấn vốn là nông phu ở Lịch Sơn 历山 (tại nay là Sơn Đông 山东), có một chuỗi câu chuyện (ở đây lược bỏ) cho thấy rõ ông là một hiếu tử lí tưởng và là một hiền huynh lí tưởng, lại có một chuỗi câu chuyện (ví dụ như tại nơi ông cày ruộng, nông dân nơi đó bèn nhường ranh giới, nơi ông đánh cá, ngư dân nơi đó nhường nhà, tại nơi ông làm đồ gốm, thợ gốm nơi đó bèn làm ra những đồ chất lượng kém) cho thấy ông là một lãnh tụ lí tưởng. Đế Nghiêu nghe ông thánh minh, bèn mời ông đến triều đình, đem hai cô con gái đồng thời gả cho ông, thử xem năng lực trị gia của ông, lại đem chức vị trọng yếu giao cho để thử xem năng lực chính trị  của ông. Quả nhiên gia đình ông hoà mục, nhậm sự cũng xứng chức. Đế Nghiêu già, cáo lui, đem đế vị nhường cho ông. Thời Đế Nghiêu có một trận đại thuỷ tai toàn “Trung Quốc”. Cha ông Vũ là ông Cổn nhân vị trị thuỷ vô công, bị xử tử hình. Ông Vũ kế thừa nhiệm vụ của cha bình định được thuỷ hoạn. Công việc trị thuỷ của ông Vũ trải qua 13 năm, trong thời gian đó, từng 3 lần đi ngang qua nhà mình nhưng đều không vào, có một lần nghe được tiếng khóc “oa oa” của đứa con mới sinh. Về sau Đế Thuấn theo lệ cũ của Đế Nghiêu, đem đế vị nhường cho ông Vũ. Ông Vũ trước khi mất, cũng theo lệ tuyển chọn ông Ích làm người kế thừa cho mình. Nhưng sau khi ông Vũ mất, bách tính không ủng hộ ông Ích, mà ủng hộ con ông Vũ là Khải , thế là ông Khải lên ngôi đế (có thuyết nói ông Ích và ông Khải tranh ngôi vị, bị ông Khải giết chết). Lệ cũ bị phá không hồi phục lại nữa. Đó chính là câu chuyện Nghiêu Thuấn “thiện nhượng” 禅让.
          Còn có một nhân vật quan trọng khác trong truyền thuyền đáng để nhắc tới, đó là Hoàng Đế 黄帝. Thời đại trong câu chuyện của Hoàng Đế tuy trước Nghiêu Thuấn, nhưng sự sáng tạo của ông lại dường như sau Nghiêu Thuấn. Theo phổ hệ trong truyền thuyết (Sử kí – Ngũ đế bản kỉ 史记 - 五帝本纪), ông là cao tổ của Đế Nghiêu, tổ đời thứ 8 của Đế Thuấn, cao tổ của ông Vũ (Đế Thuấn ngược lại thấp hơn ông Vũ 3 đời, điều này thật kì lạ), cũng là viễn tổ của vương thất hai triều Thương Chu, đồng thời sau này trở thành tổ tiên của nhiều ngoại tộc quy thuận. Hoàng Đế và những nhân vật bên cạnh ông là những người sáng tạo ra nhiều thành phần văn hoá, ví dụ như ông phát minh ra thuyền, xe, la bàn, trận pháp, thuật chiêm tinh và nhiều chế độ chính trị; bà phi của ông là Luy Tổ lúc ban đầu dạy dân nuôi tằm kéo tơ, các bề tôi của ông lần lượt phát minh văn tự, toán thuật, lịch pháp, giáp tí và các loại nhạc khí. Tóm lại, ông không chỉ là ông tổ chung của người Trung Quốc mà còn là ngọn nguồn của văn hoá Trung Quốc. Công dụng của ông là đã đem cổ đại sử Trung Quốc giản hoá lại.  (hết)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 04/6/2020

Nguyên tác
HẠ THƯƠNG ĐẠI SỰ CẬP DĨ TIỀN CHI TRUYỀN THUYẾT
夏商大事及以前之传说
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post