Dịch thuật: Đại sự hai triều Hạ Thương ....

ĐẠI SỰ HAI TRIỀU HẠ THƯƠNG
CÙNG TRUYỀN THUYẾT TRƯỚC ĐÓ

          Triều Thương từ sau khi Thành Thang 成汤 sáng nghiệp, thời gian 600 năm, đại sự có thể khảo được, trừ 6 lần dời đô, trừ đại chiến với Quỷ Phương 鬼方, trừ sau cùng trực tiếp gián tiếp đánh nhau liên quan đến việc vong quốc ra, đều là 5 lần tuần hoàn tự thịnh đến suy. Gọi là thịnh chính là vị quân chủ anh vũ, chư hầu quy phục; gọi là suy chính là vị quân chủ hôn dung, hoặc vương thất nội loạn, còn chư hầu thì phản li. Tiền kì thịnh suy lần đầu tiên liên quan đến cháu Thành Thang là Thái Giáp 太甲 (Thương triều đệ tứ vương) có quan hệ với vị công thần khai quốc triều Thương là Y Doãn 伊尹. Có 2 thuyết:
Một thuyết là Thái Giáp vô đạo, “điên phúc Thang chi điển hình” 颠覆汤之典型 (phá hoại pháp độ của vua Thang), Y Doãn đã đưa Thái Giáp ra đất Đồng , qua 3 năm, thấy Thái Giáp tu đức sửa chữa lỗi lầm lại rước về lên ngôi lại.
          Một thuyết khác là sau khi Thương Vương Trọng Nhâm 仲壬 qua đời, Y Doãn đã đày Thái Giáp, người mà theo đúng pháp sẽ kế ngôi, ra đất Đồng, tự lên vương vị; qua 7 năm, Thái Giáp từ đất Đồng ngầm trốn về giết chết Y Doãn.
          Bàn Canh 盘庚 của hậu kì triều Thương là vị trung hưng chi chủ. Sau ông, duy chỉ người cháu là Vũ Đinh 武丁 từng một dạo trung hưng. Từ Vũ Đinh trở về sau, triều Thương luôn đi suy yếu. Các vị quân chủ kế vị đều sinh trưởng trong an dật, “bất tri giá sắc chi gian nan, duy đam lạc chi tùng” 不知稼穑之艰难, 惟耽乐之从 (không biết cấy gặt gian nan, chỉ chạy theo việc hưởng lạc) (đây là lời của Chu Công, vị khai quốc nguyên huân của triều Chu nói về nguyên nhân suy vong của mấy triều trước). Họ lấy việc vui chơi săn bắn yến tiệc hoang phí thay cho sự vất vả lao nhọc quốc chính. Những năm cuối triều Chu, sự đồi phế suy vong và phóng túng bao trùm cả xã hội người Thương, phong khí cuồng ẩm lạm tuý phổ biến đến các vị quân chủ, quý tộc cùng thứ dân. Đó là nguyên nhân chủ yếu mà họ vong quốc.
          Trước khi thuật lại quá trình diệt vong của triều Thương, chúng ta hãy nhìn lại đầu mối lịch sử mà triều Thương kế thừa.
         Triều đại mà triều Thương thay thế là triều Hạ. Về triều Hạ, những gì chúng ta biết càng mơ hồ. Ví dụ như triều Hạ đã có văn tự chưa? Đã có đồ đồng chưa? Nông nghiệp phát triển đến trình độ nào? Tổ chức chính trị giống và khác với triều Thương ở điểm nào? Những vấn đề này đều không có cách nào giải đáp. Trong những truyền thuyết và ghi chép về triều Hạ của người đời sau, chúng ta có thể rút ra những sự thực tương đối đáng tin, đại khái như sau.
          Triều Hạ trải qua ước khoảng 400 năm, quân vị là cha mất con kế vị, không phải là anh mất em kế vị. Việc dời quốc đô so với triều Thương càng nhiều hơn. Vị quân chủ lúc ban đầu là ông Vũ đóng đô ở Dương Thành 阳城, Tấn Dương 晋阳, An Ấp 安邑 đều không ra khỏi góc tây nam của Sơn Tây 山西 ngày nay (Dương Thành阳城 phía tây Dực Thành 翼城, Tấn Dương晋阳 phía tây Lâm Phần 临汾, An Ấp安邑 phía đông bắc Bình Lục 平陆. Con ông Vũ là ông Khải bắt đầu vượt sông tiến về phía nam, cư trú khoảng tại nay là huyện Mật , Tân Trịnh 新郑. Về sau trừ cháu ông Khải là Hậu Tương 后相 nhân vì ngoại hoạn mất nước mà phải đào vong bên ngoài ra, việc dời đô của mấy vị quân chủ triều Hạ không ra khỏi phía nam Hoàng Hà 黄河, phía bắc sông Nhữ , sông Dĩnh của Hà Nam 河南ngày nay. Khi triều Hạ bị Thành Thang 成汤diệt, đô tại Châm Tầm 斟鄩, tức phía tây nam huyện Củng ngày nay. Sự kiện lớn nhất của triều Hạ là cuộc đấu tranh với ngoại tộc Hữu Cùng Thị 有穷氏. Hữu Cùng Thị lấy vùng Sừ (nay là phía đông huyện Hoạt Nam 河南) làm căn cứ địa, thời con của ông Khải là Thái Khang 太康, họ công chiếm Hạ đô (lúc bấy giờ tại Châm Tầm), về sau thống trị vùng đất triều Hạ chí ít cũng 60 – 70 năm. Thái Khang đào thoát ra bên ngoài, Hữu Cùng Thị lấy thứ vị lập người em là Trọng Khang 仲康 cùng con của Trọng Khang là Hậu Tương 后相 làm bù nhìn. Hậu Tương bị đuổi truy sát. Sau này người con của Hậu Tương là Thiếu Khang 少康 thu tập thế lực tàn dư của triều Hạ, thừa lúc Hữu Cùng Thị suy yếu đã tiêu diệt, khôi phục cựu vật. Hữu Cùng Thị ở phía đông bắc vùng đất của triều Hạ, về sau Thành Thang diệt triều Hạ đến từ đông nam, mà tiên thế của Thành Thang cũng phát tích từ đông bắc. Ngoại hoạn của triều Hạ thường ở phía đông. 
          Mấy đời tiên thế của Thành Thang là bộ tộc trưởng. Ông tổ đời thứ 14 là Tiết đồng thời với ông Vũ , lấy vùng Phan (nay là phụ cận Bình Sơn 平山 Hà Bắc 河北) làm căn cứ địa. Con ông Tiết là Chiêu Minh 昭明 dời đến Để Thạch 砥石 (nay là lưu vực sông Để Hà Bắc 河北), kế đó dời đến đất Thương (nay là Thương Khâu 商丘 Nam 河南), “Thiên ấp Thương” 天邑商 cùng có được tên gọi triều Thương là từ đó mà ra. Con Chiêu Minh là Tướng Thổ 相土 là vị quân trưởng hùng tại đại lược, từng mở rộng cương giới, lấy vùng Tương (nay là 15 dặm phía tây An Dương 安阳) làm Đông Đô. Đáng tiếc những ghi chép về công nghiệp của ông chỉ sót lại 2 câu tụng thi của hậu duệ ông:
Tướng Thổ liệt liệt, hải ngoại hữu tiệt.
相土烈烈, 海外有截
(Tướng Thổ cực kì uy vũ, chư hầu hải ngoại đều quy phục)
                                                                          (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 03/6/2020

Nguyên tác
HẠ THƯƠNG ĐẠI SỰ CẬP DĨ TIỀN CHI TRUYỀN THUYẾT
夏商大事及以前之传说
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post