Dịch thuật: Triều Thố (Tể tướng Trung Quốc)

 TRIỀU THỐ

          Triều Thố 晁错(năm 200 – năm 154 trước công nguyên), Phó Tể tướng thời Cảnh Đế 景帝, chính  trị gia nổi tiếng thời Tây Hán, từng biên soạn 31 thiên văn truyền đời, có “Luận quý túc sớ” 论贵粟疏, “Thủ biên khuyến nông sớ” 守边劝农疏, “Ngôn binh sự sớ” 言兵事疏. Nhân vị sự biến 7 nước mà bị vu sát, hưởng niên 47 tuổi.

          Triều Thố 晁错 người Dĩnh Xuyên 颖川 (nay là huyện Vũ tỉnh Hà Nam 河南), lúc trẻ theo Trương Khôi 张恢người huyện Chỉ , học tập học thuyết của Thân Bất Hại 申不害, Thương Ưởng 商鞅. Sau nhân vì thông hiểu điển cố văn hiến được triệu làm Thái thường chưởng cổ 太常掌故.
          Thời Văn Đế 文帝, Nho học đã thành tư tưởng chính thống, nhưng do bởi sự kiện “phần thư khanh nho” 焚书坑儒 (đốt sách chôn nho) của Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇, thiên hạ đương thời không có người nghiên cứu “Thượng thư” 尚书 – kinh điển của Nho gia. Triều đình nghe nói tại đất Tề có Bác sĩ của triều Tần là Phục Sinh 伏生 đã 90 tuổi có bộ “Thượng thư”, liền phái Triều Thố đi tiếp nhận sách đó. Sau khi về lại triều, ông được thăng làm Thái tử xá nhân 太子舍人, Thiên môn đại phu 迁门大夫, Bác sĩ 博士. Ông lại dâng thư kiến nghị Văn Đế phái người truyền thụ “thánh nhân chi thuật” 圣人之术 cho thái tử, Văn Đế bèn bái ông làm Thái tử gia lệnh 太子家令, rất được thái tử sủng tín, hiệu xưng là “trí nang” 智囊. Từ đó về sau, ông lại nhiều lần dâng phương sách trị quốc, giữ biên cương. Kiến nghị đã tước bỏ thực lực ngày càng lớn mạnh của các chư hầu và sửa đổi pháp lệnh có liên quan. Tuy Văn Đế chưa thu nạp toàn bộ, nhưng vô cùng thưởng thức tài năng của ông. Đối với chủ trương của ông, thái tử cũng rất tán đồng, còn nhóm của đại thần Viên Áng 袁盎 lại biểu thị phản đối. Lúc Văn Đế về già, Triều Thố được thăng làm Trung đại phu 中大夫
          Sau khi thái tử tức vị là Cảnh Đế 景帝, nhậm mệnh Triều Thố làm Nội sử 内史, đồng thời xem là thân tín, nghe theo lời nghe theo kế. Chẳng bao lâu, sau khi Thừa tướng Thân Đồ Gia 申屠嘉 phản đối chính kiến của Triều Thố vì giận đã thổ huyết qua đời, quyền thế của Triều Thố càng lớn, chẳng mấy chốc được thăng làm Ngự sử đại phu 御史大夫, nhậm chức Phó tướng 副相.
          Lưu Bang 刘邦 khai quốc, từng phân phong không ít công thần làm chư hầu vương, sau khi những chư hầu vương đó trước sau tạo phản bị dẹp yên, Lưu Bang lại phong không ít con cháu làm vương. Những tôn thất vương này mỗi người đều có địa bàn, quân đội của riêng mình, đồng thời trưng thu thuế khoá trong khu vực mình quản lí. Thời Cảnh Đế 景帝, những tôn thất vương này giàu ngang ngửa với nước, thế lực bành trướng, coi thường chính phủ, như một tiểu vương triều cát cứ, đặc biệt thế lực mạnh nhất là Ngô Vương Lưu Tị 吴王刘濞. đang tích cực chuẩn bị tạo phản đoạt địa vị, tạo thành sự uy hiếp to lớn đối với chính phủ trung ương. Đối mặt với tình thế đó, Triều Thố một mặt thực hiện rộng rãi chính sách trọng nông ức thương, chủ trương mộ binh sung nơi quan tái biên phòng, để chống lại sự tấn công của Hung Nô; mặt khác ông đem tinh lực chủ yếu từng bước tước đoạt phong địa của chư hầu vương, để củng cố tập quyền trung ương. Ông dâng sớ kiến nghị tước phiên, cho rằng đối với chư hầu vương, tước cũng phản mà không tước cũng phản, nên trước tiên ra tay trước. Nhân đó, ông cải cách 30 chương pháp lệnh. Điều này dẫn đến thù địch và khủng hoảng cực đại của chư hầu vương, tấp nập công kích ông. Đậu Anh 窦婴 trong triều cũng phản đối Triều Thố. Phụ thân Triều Thố nghe tin, vội từ quê nhà đến kinh thành, khuyên ông rằng:
          - Hoàng thượng vừa mới lên ngôi, con thân là Tam công, nắm giữ triều chính, lại đi đả kích thế lực của chư hầu vương, gây ra nhiều thế lực thù địch, sao mà khổ như thế!
          Triều Thố đáp rằng:
          - Không phải như thế, thiên tử thì không có cách thống trị thiên hạ, xã tắc thì không được yên ổn.
          Phụ thân ông than rằng:
        - Như vậy, thiên hạ của Lưu gia yên ổn, nhưng cả nhà họ Triều chúng ta lại nguy hiểm rồi!
          Sau sự việc đó, phụ thân ông uống thuốc độc tự sát, nói rằng:
         -  Ta không nỡ thấy đại hoạ giáng xuống đầu.
          Năm 154 trước công nguyên, Ngô Vương liên lạc với các chư hầu Sở, Triệu, Giao Đông, Giao Tây, Tri Xuyên, Tế Nam cùng cất binh tạo phản, lên tiếng xưng là “thanh quân trắc” 清君侧 (thanh trừ gian thần, thân tín bên cạnh vị quân chủ), tru sát Triều Thố mê hoặc Cảnh Đế. Cảnh Đế hoảng kinh, vội cùng Triều Thố thương nghị đối sách. Triều Thố kiến nghị Cảnh Đế  thân chinh, còn ông thì ở lại giữ kinh sư. Ngày nọ, Triều Thố đang cùng Cảnh Đế thương nghị việc xuất binh, nguyên tướng Viên Áng mà được Ngô vương tiến cử đã vào cung. Viên Áng từng bị Triều Thố phái người cáo phát tội trạng tiếp nhận hối lộ, bị phế truất làm thứ nhân. Sau phản loạn của Ngô Vương, Triều Thố tấu thỉnh xử tử Viên Áng. Viên Áng biết tin vội trong đêm xin Đậu Anh dẫn cào gặp Cảnh Đế, đồng thời dâng lời lên Cảnh Đế:
          - Bảy nước phản loạn, chỉ là yêu cầu tru sát Triều Thố, chỉ cần giết Triều Thố, ban chiếu xá miễn tội tạo phản của họ, đồng thời trả lại phong địa cho họ thì  binh có thể không cần phải đổ máu để dẹp phản loạn.
          Cảnh Đế sợ lực lượng của bảy nước liên hiệp lại, lại nghe qua lời của Viên Áng, trong lòng có chút dao động, nhưng không nỡ giết Triều Thố, do dự hồi lâu, mới nói rằng:
          - Nếu quả là như thế, trẫm chỉ có bỏ một người mà tạ với trời đất.
          Đồng thời bái Viên Áng làm Thái thường 太常, phái ông ta bí mật đi nói rõ tình hình với Ngô Vương.
          Hơn 10 ngày sau, Thừa tướng Trang Thanh Địch 庄青翟lại bí mật tấu thỉnh giết Triều Thố để dẹp trừ cái cớ phản loạn của bảy nước. Cảnh Đế bèn  mệnh cho trung uý giả trang triệu Triều Thố vào cung nghị sự. Triều Thố không biết có trá, mặc triều phục lên xe theo trung uý ra khỏi cửa, đi đến chợ, trung uý đột nhiên bắt Triều Thố giết tại hiện trường.
          Sau khi Triều Thố bị giết, Ngô Vương vẫn không chịu buông bỏ, ngang nhiên tạo phản. Cảnh Đế lúc bấy giờ mới biết mắc mưu của Viên Áng, mệnh cho Chu Á Phu 周亚夫 đem binh dẹp phản loạn, tước đoạt phong địa vương quốc, tăng cường tập quyền trung ương.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 19/5/2020

Nguyên tác Trung văn
TRIỀU THỐ
晁错
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post