Dịch thuật: Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai (708) ("Truyện Kiều")


LÀM THÂN TRÂU NGỰA ĐỀN NGHÌ TRÚC MAI  (708)
          Trúc mai: Tức “thanh mai trúc mã” 青梅竹马. Điển xuất từ bài Trường Can hành 长干行 của Lí Bạch 李白. Bài thơ miêu tả cô gái ở Trường Can 长干, 14 tuổi có chồng cùng xóm. Năm 16 tuổi, chồng đi xa, cô gái nhớ chồng, nguyện từ nơi ở là Trường Can vượt mấy trăm dặm đường xa đến Trường Phong Sa 长风沙 đón chồng. Mở đầu bài thơ là hồi ức hai người từ lúc nhỏ đã thân thiết bên nhau:
Thiếp phát sơ phú ngạch
Chiết hoa môn tiền kịch
Lang kị trúc mã lai
Nhiễu sàng lộng thanh mai
Đồng cư Trường Can lí
Lưỡng tiểu vô hiềm sai
.........................
妾发初覆额
折花门前剧
郎骑竹马来
绕床弄青梅
同居长干里
两小无嫌猜
....................
(Lúc thiếp nhỏ tóc còn để ngang trán
Thường bẻ cành hoa chơi trước cửa
Chàng lấy cành trúc làm ngựa cưỡi đến
Tay cầm quả mơ xanh chạy quanh ghế ngồi để cả hai cùng tranh lấy
Cùng ở xóm Trường Can
Cả hai hồn nhiên vô tư không hề nghi ngại)
          Thành ngữ “thanh mai trúc mã” hình dung đôi nam nữ lúc nhỏ hồn nhiên vô tư cùng chơi đùa với nhau. Hiện đa phần dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc đôi tình nhân quen biết nhau từ lúc nhỏ.
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
(“Truyện Kiều” 707 - 708)
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
(“Truyện Kiều” 745 - 746)
Một nhà sum họp trúc mai
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông
(“Truyện Kiều” 1381 - 1382)
Chắc rằng mai trúc lại vầy
Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau
(“Truyện Kiều” 1679 - 1680)
Trúc mai: Cây trúc và cây mai.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: “Trúc mai” ở các câu 708, 746, 1381, hoặc “mai trúc” ở câu 1679 chỉ tình yêu đôi lứa, duyên vợ chồng, khác với “trúc mai” ở câu 944 chỉ nam nữ hợp hoan:
Xôn xao anh yến, dập dìu trúc mai
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 708 là:
Nát thân bồ liễu CÒN nghì trúc mai
Và câu 1680
Ai hay vĩnh quyết ĐẾN ngày đưa nhau
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                           Quy Nhơn 19/5/2020
Previous Post Next Post