Dịch thuật: Đa Nhĩ Cổn dời đô đến Bắc Kinh

ĐA NHĨ CỔN DỜI ĐÔ ĐẾN BẮC KINH

          Năm 1643, hoàng đế triều Thanh Hoàng Thái Cực 皇太极bệnh và qua đời, đại quyền lọt vào tay Đa Nhĩ Cổn 多尔衮.
          Đa Nhĩ Cổn là con thứ 14 của Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤. Nỗ Nhĩ Cáp Xích có tổng cộng 15 người con. Lúc lâm chung, chỉ định người mà ông yêu thương nhất là Đa Nhĩ Cổn làm người kế thừa. Lúc bấy giờ, Đa Nhĩ Cổn mới 15 tuổi, hãy còn nhỏ. Người con thứ 8 là Hoàng Thái Cực dựa vào thực lực lớn mạnh của mình, đoạt lấy quyền kế thừa.
          Sau khi Hoàng Thái Cực qua đời, Đa Nhĩ Cổn đương lúc trưởng thành, dưới tay lại nắm 2 bộ lạc tinh nhuệ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Chính bạch kì 正白旗và Tương bạch kì 镶白旗. Ông muốn theo di ngôn của Nỗ Nhĩ Cáp Xích năm nào, lên làm hoàng đế. Nhưng, văn thần võ tướng trong triều đa phần chủ trương con nối nghiệp cha, ủng hộ lập con của Hoàng Thái Cực làm hoàng đế. Để tránh nội bộ phát sinh xung đột, Đa Nhĩ Cổn đã bỏ ý nghĩ làm hoàng đế, trong số các con của Hoàng Thái Cực chọn ra người con thứ 6 là Phúc Lâm 福临 làm hoàng đế, tự mình làm Nhiếp chính vương 摄正王. Sau khi Phúc Lâm lên ngôi, đặt niên hiệu là Thuận Trị 顺治.
          Đa Nhĩ Cổn làm Nhiếp chính vương chưa đầy hai tháng đã phát sinh sự việc Dự Thân Vương Đa Đạc 豫亲王多铎 âm mưu đoạt thê tử của Đại học sĩ Hán tộc là Phạm Văn Trình 范文程. Đa Đạc là người em cùng mẹ với Đa Nhĩ Cổn, thấy thê tử của Phạm Văn Trình vô cùng xinh đẹp liền muốn đoạt lấy, thường sai người đến nhà Phạm Văn Trình quan sát động tĩnh, khiến nhà họ Phạm lo sợ bất an. Đa Nhĩ Cổn nghe được, lập tức sai người gọi Đa Đạc tới, trước mặt vương công quý tộc và văn thần võ tướng trong triều nghiêm khắc trách mắng Đa Đạc, lệnh phải giao ra 2000 lượng bạc trắng và binh lực của 15 ngưu lục 牛录 (1 ngưu lục là 300 người) (1) để trừng phạt. Bình thường đại thần Hán tộc bị kẻ quyền quý Mãn tộc khinh khi, thấy Đa Nhĩ Cổn không né tránh thân quý, nghiêm khắc xử phạt Đa Đạc, đã dẹp bỏ nghi kị và oán hận trong lòng, từ đó càng ra sức mưu định kế sách cho triều Thanh. Phạm Văn Trình dâng thư lên triều đình, phân tích hình thế quan nội, thỉnh cầu tiến binh trung nguyên, cùng quân nông dân tranh đoạt thiên hạ. Lúc bấy giờ, lãnh tụ quân khởi nghĩa nông dân cuối đời Minh là Lí Tự Thành 李自成 dùng sức mạnh chiếm đoạt thê tử của Đại tướng Ngô Tam Quế 吴三桂 đang trấn thủ Sơn Hải Quan 山海关 là Trần Viên Viên 陈圆圆, để báo thù riêng, Ngô Tam Quế phái người đi gặp Đa Nhĩ Cổn, thỉnh cầu hợp binh cùng đánh quân nông dân.
          Đa Nhĩ Cổn cho rằng đó là thời cơ rất tốt cho việc vào làm chủ trung nguyên, liền lập tức viết thư cho Ngô Tam Quế, đáp ứng xuất binh, đồng thời báo cho biết nếu Ngô Tam Quế đầu hàng triều Thanh sẽ được phong vương. Thế là Ngô Tam Quế đầu hàng triều Thanh.
          Lí Tự Thành được tin Ngô Tam Quế không chịu quy thuận quân nông dân, bèn đích thân đem quân đến Sơn Hải Quan thảo phạt Ngô Tam Quế. Ngày 22 tháng 4 năm Thuận Trị thứ nhất (1644), quân nông dân bao vây người ngựa của Ngô Tam Quế, nhưng, đột nhiên quân Thanh mai phục từ sớm xông ra, quân nông dân không kịp đề phòng, rối loạn bại trận.
          Lí tự Thành sau khi bại trận trở về Bắc Kinh, biết rõ lực lượng địch ta bất lợi cho quân nông dân, dưới sự khuyên bảo của nhiều người, ông quyết định rời Bắc Kinh, chuẩn bị cho việc đối kháng trường kì với quân Thanh. Ngày 29 tháng 4, Lí Tự Thành tại điện Vũ Anh 武英 đăng cơ xưng đế, sáng sớm hôm sau thống lĩnh quân đội rút về Thiểm Tây 陕西. Hai ngày sau, quân Thanh đến dưới thành Bắc Kinh.
         Văn quan võ tướng của triều Minh trong thành Bắc Kinh nghe tin, vội ra khỏi thành nghinh tiếp. Đa Nhĩ Cổn lệnh cho quan viên triều Minh đi trước dẫn đường, từ Triều Dương môn 朝阳门 qua Chính Dương 正阳门 môn tiến vào hoàng cung. Sau khi vào thành, Đa Nhĩ Cổn tại điện Vũ Anh thăng toạ, nói với quan viên triều Minh rằng:
          - Quân Đại Thanh ta lần này tiến quan sát tặc, là để báo thù thay cho quân phụ các ông.
          Qua mấy ngày sau, Đa Nhĩ Cổn lại phát tang cho hoàng đế Sùng Trinh 崇祯, lấy đó để lôi kéo lòng người.
          Tin tức truyền đi, một số địa chủ và quan lại trốn ở ngoài thành tránh quân nông dân cũng vui mừng trở về nhà, theo tập quán của Mãn tộc cũng gọt tóc thắt bím, nghinh tiếp quân Thanh, Đa Nhĩ Cổn quyết định lập tức dời đô đến Bắc Kinh.
          Tháng 10 năm đó, hoàng đế Thuận Trị từ Thịnh Kinh 盛京 đến Bắc Kinh 北京, định Bắc Kinh làm thủ đô. Từ đó, triều Thanh, một triều đình nhỏ ở đông bắc trở thành đế quốc Đại Thanh thống trị toàn quốc. Sự kiện này Đa Nhĩ Cổn lập đại công, được phong làm Thúc phụ Nhiếp chính vương 叔父摄正王. Ở một số dân tộc thiểu số lúc bấy giờ, có tập tục sau khi huynh trưởng qua đời, chị dâu sẽ được gã cho em trai của chồng. Để lấy lòng Đa Nhĩ Cổn, củng cố ngôi vị của con mình, hoàng thái hậu - mẫu thân của hoàng đế Thuận Trị bèn kết hôn với Đa Nhĩ Cổn. Thế là, Đa Nhĩ Cổn lại được phong là Hoàng phụ Nhiếp chính vương 皇父摄正王.

Chú của người dịch
1- Ngưu lục牛录: Cách biên chế hộ khẩu của Mãn Châu là cứ 300 người biên chế thành 1 Ngưu lục 牛录 (Hán ngữ dịch là Tá Lãnh - 佐领), Ngưu lục là đơn vị cơ bản; 5 Ngưu lục tổ thành 1 Giáp lạt 甲喇 (Hán ngữ dịch là Tham lãnh - 参领); 5 Giáp lạt tổ thành 1 Cố sơn 固山Cố sơn là đơn vị lớn nhất trong cách biên chế hộ khẩu của Mãn Châu. Mỗi Cố sơn chuyên dùng một màu để làm màu cờ, cho nên Hán ngữ dịch Cố sơnKỳ .
          (Trịnh Thiên Đĩnh 郑天挺: “Thanh sử thám vi” 清史探微, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, 1999)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 02/5/2020

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post