Dịch thuật: Lí học đại sư - Chu Hi

LÍ HỌC ĐẠI SƯ –  CHU HI

          Chu Hi 朱熹 (1130 – 1200), tự Nguyên Hối 元晦, hiệu Hối Am 晦庵, Hối Ông 晦翁, Khảo Đình Tiên Sinh 考亭先生, Vân Cốc Lão Nhân 云谷老人, Thương Châu Bệnh Tẩu 沧州病叟, Nghịch Ông 逆翁, người đời gọi ông là Chu Tử 朱子, thi nhân thời Nam Tống, triết học gia, giáo dục gia, tập đại thành của Lí học đời Tống, là vị đại sư hoằng dương Nho học kiệt xuất nhất từ Khổng Tử 孔子, Mạnh Tử 孟子 trở về sau.

THỰC HÀNH RỘNG RÃI LÍ HỌC GẶP PHẢI SỰ VU HẠI
          Chu Hi thọ giáo nơi phụ thân, thông minh hơn người. Lúc 4 tuổi, phụ thân chỉ trời nói rằng: “Đó là trời”, Chu Hi liền hỏi: “Trên trời có vật gì?” Phụ thân thất kinh. Năm 1148, Chu Hi thi đỗ Tiến sĩ, ba năm sau được phái đi nhậm chức chủ bạ huyện Đồng An 同安 Tuyền Châu 泉州, từ đó bắt đầu cuộc sống sĩ đồ. Một đời sĩ đồ của Chu Hi hoàn toàn không thuận lợi thông suốt. Ông 24 tuổi bắt đầu làm quan, đến 71 tuổi qua đời, tổng cộng được trao chức quan hơn 20 lần, do bởi quyền thần ngáng đường, nhiều lần ông bị gạt bỏ, hoặc từ chức không đến, chân chính làm quan tại địa phương tổng cộng không quá 10 năm, làm quan tại triều 40 ngày. Kì dư đại bộ phận thời gian ông đọc sách, dạy học và chú thích sách vở của Nho gia, trứ tác hơn 70 bộ sách, hơn 1700 vạn chữ. Ông theo học với Lí Đồng 李侗, đệ tử tái truyền của Trình Di 程颐, trên cơ sở tư tưởng của Chu Đôn Di 周敦颐 và Nhị Trình (Trình Hạo 程颢, Trình Di程颐), kiêm thu nạp tư tưởng của Thích, Đạo, ông trở thành tập đại thành của Lí học đời Tống.
          Năm 1195, Chu Hi đề tỉnh Tống Ninh Tông 宋宁宗 phòng ngừa tả hữu  đại thần trộm quyền, nên dẫn đến sự ghen ghét của Hàn Thác Trụ 韩侂胄người mà tự tiện trong việc triều chính, vu lí học của Chu Hi là “nguỵ học”伪学. Đại thần triều đình sợ dư luận xã hội, không dám khiển trách Chu Hi quá mức. Thân tín của Hàn Thác Trụ đã bịa đặt “tội trạng” của Chu Hi – cậy quyền thế chiếm đoạt gia tài của người bạn đã mất, quyến dụ hai ni cô làm tiểu thiếp của mình, khiến thanh danh của Chu Hi sa sút. Từ đó về sau, sự công kích Chu Hi trên đàn chính tị ngày càng nhiều, thậm chí có người công nhiên dâng thư yêu cầu hoàng đế xử tử Chu Hi.
          Dưới sức ép chính trị nặng nề như thế, Chu Hi không thể không trái với lòng mình nhận tội với hoàng đế, thừa nhận càng gia tăng tội trạng. Để thể hiện sự thành khẩn của thái độ nhận tội, ông thậm chí đã nói “ thâm tỉnh tạc phi, tế tầm kim thị” 深省昨非, 细寻今是 (tỉnh ngộ triệt để cái sai của ngày hôm qua, tìm cặn kẽ cái đúng của ngày hôm nay) triệt để phủ định quá khứ của mình.
          Năm 1200, Chu Hi cô độc thê lương trên giường bệnh từ biệt thế gian. Chín năm sau, triều đình khôi phục lại danh dự cho Chu Hi, học thuyết của ông không phải là “nguỵ học” nữa, trứ tác đại biểu của ông là Tứ thư chương cú tập chú 四书章句集注 cũng được định làm quốc học. Ba triều đại Nguyên, Minh, Thanh sau đó đều lấy lí học của ông làm tư tưởng thống trị quan phương, cho đến năm 1905 trước khi phế bỏ khoa cử. Lí học của Chu Tử đã ảnh hưởng Trung Quốc gần 700 năm một cách sâu sắc.

“THIÊN LÍ” - KHÁI NIỆM HẠT NHÂN CỦA CHU HỌC
          Muốn hiểu lí học của Chu Hi thì không thể không hiểu “thiên lí” 天理, nó là khái niệm hạt nhân của tư tưởng Chu Hi.
          Chu Hi cho rằng, siêu hiện thực, siêu xã hội tồn tại một loại tiêu chuẩn, nó là tiêu chuẩn của mọi hành vi của con người, tức thiên lí. Thiên lí là vĩnh hằng bất biến, tự sinh thành, thống lĩnh vạn vật, là căn bản của vạn sự vạn vật. Trước tiên có “lí” sau đó mới có vạn sự vạn vật.
          Đồng thời cụ thể “lí” này đến các các sự vật, thì các vật đều có các “lí”. Như giới tự nhiên bốn mùa biến hoá, “cho nên là xuân hạ, cho nên là thu đông” có “lí”; ở giới động vật “loài nào thai, loài nào trứng” có “lí”; ở giới thực vật “ma, mạch, đạo, lương lúc nào trồng, lúc nào thu hoạch” có “lí”; “đất màu mỡ cằn cỗi, dày mỏng, thích hợp trồng loại nào” cũng đều có “lí”. Tuy hình thức biểu hiện của những lí này không như nhau, nhưng phía sau nó đều có một lí chung có tác dụng, tức “lí nhất phân thù” 理一分殊 (lí một mà phân thành nhiều loại). Chu Hi mượn  câu “nguyệt ấn vạn xuyên” 月印万川 trong Phật giáo để giải thích “lí nhất phân thù”: thiên lí thống nhiếp vạn vật, là bản nguyên, nó có thể quán triệt mọi lãnh vực, nhưng phân chia ra, lí của mỗi vật là sự khác nhau giữa cái này cái kia, như trăng chỉ là một, nó có thể tán ra thành vạn trăng trên giang hồ hà hải; nhưng một phương diện khác, vạn lí quy về một lí, giống như vạn trăng tán ra trên giang hồ hà hải, gốc của nó là một trăng ở trên trời.
          Điều mà “Lí nhất phân thù” cần giải quyết là mối quan hệ giữa vũ trụ với vạn vật, việc đề xuất vấn đề có ý nghĩa, nhưng khi nó lấp đầy đạo đức luân lí phong kiến, thì đã có nội dung xã hội đặc định. Theo cách nhìn của Chu Hi, “lí” không chỉ là bản nguyên của vũ trụ, mà cũng là suối nguồn của quy phạm đạo đức xã hội. Mọi nguyên tắc của đạo đức phong kiến, quy định cùng nghi tiết đều là sự triển hiện của lí tại xã hội. Ông nói rằng:
          Vị hữu quân thần, tiên hữu quân thần chi lí; vị hữu phụ tử, tiên hữu phụ tử chi lí.
          未有君臣, 先有君臣之理; 未有父子, 先有父子之理.
          (Chưa có vua tôi, trước tiên đã có lí vua tôi; chưa có cha con, trước tiên đã có lí cha con)
          Thiên phận tức thiên lí dã, phụ an kì phụ chi phận, tử an kì tử chi vị, quân an kì quân chi phận.
          天分即天理也父安其父之分子安其子之位君安其君之分
          (Phận trời tức thiên lí, cha yên với phận làm cha, con yên với địa vị làm con, vua yên với phận làm vua)
         Chỉ cần mọi người yên với vị trí của mình là đã thể hiện nguyên tắc “thiên lí” tối cao. Như vậy, lí học của Chu Hi là đem đạo đức luân lí phong kiến nâng cao đến cao độ của bản thể vũ trụ, nhân đó mà được những kẻ thống trị các đời Nguyên, Minh, Thanh tôn sùng, giúp làm nên tư tưởng quan phương, trở thành công cụ thống trị nhân dân.    (còn tiếp)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 24/5/2020

Nguyên tác Trung văn
LÍ HỌC ĐẠI SƯ – CHU HI
理学大师 - 朱熹
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019 
Previous Post Next Post