Dịch thuật: Lí học đại sư - Chu Hi (tiếp theo)

LÍ HỌC ĐẠI SƯ –  CHU HI
(tiếp theo)

HÀM NGHĨA CHÂN CHÍNH CỦA “TỒN THIÊN LÍ, DIỆT NHÂN DỤC”
          Trên cơ sở “thiên lí” 天理, Chu Hi đề xuất quan điểm bị đời sau chỉ trích: “tồn thiên lí, diệt nhân dục” 存天理灭人欲 bị quở trách là “ách sát nhân tính” 扼杀人性 (bóp nghẹt nhân tính). Có đúng như thế không? Có người từng hỏi Chu Hi:
- Trong việc ăn uống làm sao phân biệt được thiên tính và nhân dục?
Chu Hi đáp rằng:
          - Ăn uống là nhu cầu của con người, hợp với thiên lí, nhưng nếu truy cầu mĩ vị thì đó là nhân dục.
          Có thể thấy Chu Hi không hoàn toàn phản đối dục vọng của con người, ông cho rằng việc ăn uống bình thường là thiên lí, nhưng phung phí sơn hào hải vị thì đó là nhân dục. Ông nói rằng:
          - Như ‘miệng đối với vị, mắt đối với sắc, tai đối với thanh, mũi đối với mùi, tứ chi đối với nhàn hạ’, thánh nhân và thường nhân đều như thế, là đồng hành vậy. Nhưng tình của thánh nhân không chìm đắm vào trong đó, cho nên khác với thường nhân.
          Chu Hi cho rằng, “nhân dục” hợp lí với chính thường đó là “thiên lí”, tham lam quá mức là “nhân dục” của tội ác chính là “nhân dục” cần bị “diệt”.
          Nhưng Chu Hi đem “thiên lí” đối lập với “nhân dục”, hi vọng lấy “lí” ước thúc “dục”, về điểm này bị kẻ thống trị đời sau lợi dụng. Họ phú cho “thiên lí” các loại quy định, để ước thúc “nhân dục”, yêu cầu bách tính tuân thủ lễ tiết phong kiến, trở thành gông cùm tinh thần bóp nghẹt nhân tính. Theo số liệu thống kê về trinh tiết liệt nữ cổ đại, có thể thấy tính tàn khốc của nó:
          Trong Hậu Hán thư 后汉书  ghi chép 7 người.
          Trong Tấn thư 晋书 15 người.
          Trong Nguỵ thư 魏书 Nam sử 南史 10 người.
          Trong Tuỳ thư 隋书 7 người.
          Trong Tân Cựu Đường 新旧唐书 thư 20 người.
          Đến Tống sử 宋史 ghi chép tăng đến 37 người, vẫn chưa phải là nhiều. Nhưng Nguyên sử 元史 tăng mạnh đến 174 người, Minh sử 明史 càng tăng mạnh lên đến hơn 300 người, Thanh sử cảo 清史稿 thì tăng đến hơn 500 người. Những trinh tiết liệt nữ này được tập đoàn thống trị đương thời ca ngợi, hi sinh  tuổi hoa thanh xuân của mình, giữ thân cô quả cho đến chết. Trong Minh sử 明史 có chép, Vưu thị 尤氏sau khi chồng mất, bọn thanh niên ác bá nói nàng có đôi mắt đẹp, nàng bèn dùng vôi dụi vào mắt, tự ải nhưng chưa chết lại đập đầu vào đá mà chết. Trong Thanh sử cảo 清史稿 có chép một cô gái nhân vì lúc ngủ rèm mở, nghi bị người ta nhìn trộm, thế là tự sát. Từ đó có thể thấy lễ giáo độc hại con người ghê gớm.

CÁCH VẬT TRÍ TRI
          Một ảnh hưởng lớn khác của Chu Hi đối với hậu thế chính là đề xuất nhận thức quan “cách vật trí tri” 格物致知. Cách vật trí tri là một khái niệm quan trọng trong tử tưởng Nho gia cổ đại ở Trung Quốc, bắt nguồn từ Lễ kí – Đại học 礼记 - 大学:
Dục thành kì ý giả, tiên trí kì tri; trí tri tại cách vật.
欲诚其意者, 先致其知, 致知在格物
(Muốn cho ý niệm chân thành, trước tiên phải có được tri thức, để có được tri thức thì phải nghiên cứ lí lẽ của sự vật)
Đồng thời đề xuất đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều lấy “cách vật trí tri” làm tiền đề, nhưng chưa có giải thích nào về nó, cũng chưa có sách vở thời Tiên Tần nào sử dụng qua hai từ “cách vật” và “trí tri” này để tham chiếu hàm nghĩa, khiến hàm nghĩa chân chính của “cách vật trí tri” trở thành câu đố nan giải của tư tưởng Nho học. Từ chú giải sớm nhất của Trịnh Huyền 郑玄thời Đông Hán, mãi đến các học giả Nho học hiện nay, đã tranh luận hơn ngàn năm, đến nay vẫn chưa định luận. Sự giải thích “cách vật trí tri” hiện đang lưu hành trong xã hội là đến từ quan điểm của Chu Hi.
          Chu Hi cho rằng, “cách vật trí tri” chính là nghiên cứu đến tận cùng đạo lí của sự vật, khiến sự hiểu biết thông đạt đến cùng. Chúng ta biết rằng, từ một sự vật cụ thể mà nói, có hình thể của nó, nhưng từ quy luật thông thường của sự vật mà nói thì lại không có hình thể, nhìn không thấy, sờ không được, chỉ có thể thông qua sự vận động của sự vật cụ thể có hình dạng mà thể hiện ra. Nhân đó Chu Hi cho rằng cần phải thông qua tiếp xúc sự vật cụ thể mà nhận thức được quy luật của sự vật, cũng chính là cần “trí tri”. Nhưng “cách vật” hoàn toàn không nhất định có thể nhận thức quy luật của sự vật, cũng chính là “trí tri”. Chu Hi cho rằng, muốn đạt đến cảnh giới “trí tri”, tất cần phải “chí cực” 至极, tức đem lí của sự vật đẩy lên đến cùng cực. Ông dùng việc ăn trái cây làm ví dụ, trước tiên gọt vỏ, sau đó ăn phần thịt của trái, còn cần phải cắn hạt bên trong, mới xem như là nghiên cứu đến chỗ tột cùng của trái cây. Chu Hi cho rằng, nghiên cứu kĩ sự vật không thể thoả mãn việc thu hoạch từng chút một, mà cần phải như ăn trái cây từ ngoài vào trong, thâm nhập từng bước, cuối cùng đạt đến cảnh giới  trong ngoài của sự vật không chỗ nào là không biết. Ông còn nói rằng, ngày nay cách một vật, ngày mai  cách một vật, liên hệ suy nghĩ qua lại, bất giác đạt đến cảnh giới nhất định. Nhận thức này là sâu sắc, phản ánh ông ta ở một trình độ nhất định đã nhìn thấy được mối quan hệ biện chứng giữa thông thường và cá biệt.  (hết)

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 25/5/2020

Nguyên tác Trung văn
LÍ HỌC ĐẠI SƯ – CHU HI
理学大师 - 朱熹
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019 
Previous Post Next Post