Dịch thuật: Khối tình mang xuống Tuyền đài chửa tan (710) ("Truyện Kiều")


KHỐI TÌNH MANG XUỐNG TUYỀN ĐÀI CHỬA TAN (710)
- Khối tình:
Bản“Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tích hữu nữ duyệt nhất thương giả, ký nhi bất chí, nữ uất tử, hậu gia nhân cải táng kiến tâm trung kết thành nhất khối, chàng chi bất phá, chiếu chi trung hữu thương nhân trạng, hậu thương lai cầu quan, lệ hạ thử khối tán nhi vi huyết.
          昔有女悅一商者既而不至女鬱死後家人改喪見心中結成一塊撞之不破炤之中有商人狀後商來求觀淚下此塊散而為血
          (Xưa có người con gái phải lòng người lái buôn mà chàng ta không đến, người con gái uất chết, sau người nhà cải táng thấy trong bụng kết thành một khối đập không vỡ, soi trong có hình người lái buôn, sau chàng ấy lại xem, khóc nước mắt rỏ vào khối ấy tan biến ra huyết)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống Tuyền đài chửa tan
(“Truyện Kiều” 709 – 710)
Khối tình: Cục tình, mối tình. Tình sử chép có người con gái nghe tiếng hát của một người lái thuyền chèo thuyền quan trước nhà mà phải lòng, sau ốm tương tư mà chết. Đem hoả táng, xương thịt đều cháy, chỉ có mỗi cục không sao cháy được. Người lái thuyền biết tin đến thăm khóc, nước mắt rơi xuống cục ấy, thì nó vỡ tan ra thành huyết, người ta gọi đó là khối tình.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

- Tuyền  đài:  tức “hoàng tuyền” 黄泉, cũng gọi là “suối vàng” “cửu tuyền” “chín suối”. Tục tín cho rằng, suối vàng là nơi ở của người đã mất, cũng chỉ âm tào địa phủ. Trong Tả truyện - Ẩn Công nguyên niên 左传 - 隐公元年 chép rằng:
          Xưa, Trịnh Vũ Công 郑武公 cưới thê tử ở nước Thân, tên là Vũ Khương 武姜. Vũ Khương sinh ra Trang Công 庄公và Cung Thúc Đoạn 共叔段. Do vì Trang Công sinh ngược, khiến Vũ Khương kinh sợ, vì thế mà có tên là “Ngộ Sinh” 寤生. Vũ Khương ghét Ngộ Sinh, chỉ yêu quý Cung Thúc Đoạn, muốn lập Thúc Đoạn làm thế tử, nhiều lần thỉnh cầu Trịnh Vũ Công, nhưng Vũ Công không bằng lòng. Đến khi Trang Công lên ngôi, Vũ Khương ngầm cùng Cung Thúc Đoạn xin được phân phong ở ấp Chế . Trang Công bảo rằng: “Ấp Chế là nơi hiểm yếu, trước đây Quắc Thúc 虢叔đã chết nơi đó, nếu những thành ấp khác thì có thể”. Vũ Khương bèn xin phân phong ấp Kinh . Trang Công bằng lòng, phong Cung Thúc Đoạn nơi đó, gọi ông ta là Kinh Thành Thái Thúc 京城太叔. Đại phu Sái Trọng 祭仲nói rằng: “Đô thành phân phong nếu vượt quá một phần ba quốc đô, thì đó là hoạ hại của đất nước. Chế độ của tiên vương có quy định: thành ấp lớn nhất trong nước, không được vượt quá một phần ba quốc đô, loại trung không được vượt quá một phần năm, loại nhỏ không được vượt qua một phần chín. Nay ấp Chế không hợp với quy định, đó không phải là chế độ của tiên vương, như vậy ngài sẽ không khống chế được”. Trang Công bảo rằng: “Khương thị muốn như vậy, ta làm sao tránh được hoạ này đây?” Sái Trọng đáp rằng: “Làm sao có thể thoả mãn lòng tham của Khương Thị, chi bằng sớm xử trí, đừng để rễ của cái hoạ mọc lan ra, một khi nó đã lan ra thì khó mà trừ được, huống hồ là đứa em được sủng ái của ngài”. Trang Công bảo rằng: “Làm nhiều điều bất nghĩa, tất tự mình hại mình. Khanh cứ chờ xem”.
          ...............................
          Về sau, Thái Thúc tu sửa thành quách, tụ tập bách tính, chuẩn bị vũ khí định đánh lén nước Trịnh, Vũ Khương sẽ mở cổng thành làm nội ứng. Trang Công hay tin bèn nói rằng: “Có thể xuất kích được rồi đấy”, lệnh cho Tử Phong 子封 đem 200 cỗ xe đi thảo phạt ấp Kinh. Dân ấp Kinh bội phản Cung Thúc Đoạn, Cung Thúc Đoạn chạy đến thành Yển , Trang Công đuổi theo thảo phạt. Cung Thúc Đoạn chạy đến nước Cung .
          Trang Công an trí Vũ Khương tại Thành Dĩnh 城颖, thề rằng: “Bất cập hoàng tuyền, vô tương kiến dã” 不及黄泉, 无相见也 (không xuống đến hoàng tuyền thì sẽ không gặp mặt). Qua một thời gian, Trang Công hối hận. Vị quan quản lí cương giới ở Dĩnh Cốc 颖谷 là Dĩnh Khảo Thúc 颖考叔 nghe được chuyện đó, bèn đem cống phẩm dâng lên Trang Công, Trang Công đãi tiệc, trong lúc ăn, Dĩnh Khảo Thúc cất lại một miếng thịt, Trang Công hỏi lí do, Dĩnh Khảo Thúc đáp rằng: “Tiểu nhân còn mẹ già, thường ăn thức ăn của tiểu nhân, nhưng chưa từng được ăn món canh thịt của ngài.”Trang Công nói rằng: “Khanh có mẹ già để hiếu thuận, còn ta lại không!” Dĩnh Khảo Thúc hỏi duyên cớ, Trang Công thuật lại sự việc, đồng thời tỏ ý hối hận. Dĩnh Khảo Thúc nói rằng: “Ngài chớ có lo. Chỉ cần đào một đường hầm, đào đến suối, hai người gặp nhau nơi đó, ai bảo rằng ngài làm trái lời thề?” Trang Công theo lời, lần theo địa đạo đi gặp Vũ Khương. Từ đó hai người trở lại mối quan hệ mẹ con như xưa.

Tuyền đài: tức là chỗ hoàng tuyền, suối vàng, hay cửu tuyền, chín suối. 
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Tả truyện: bất cập hoàng tuyền, vô tương kiến dã.
          左傳: 不及黃泉無相見也
          (Sách Tả truyện: chưa xuống suối vàng, không sao gặp nhau được)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 21/5/2020
Previous Post Next Post