Dịch thuật: Dâng thư, đã thẹn nàng Oanh (671) ("Truyện Kiều")


DÂNG THƯ, ĐÃ THẸN NÀNG OANH (671)
          Nàng Oanh: tức Đề Oanh 缇萦, người thời Tây Hán, trú tại Sơn Đông 山东, con gái út trong số 5 người con gái của Thuần Vu Ý 淳于意. Nghị lực và sự dũng cảm của nàng không những cứu phụ thân thoát khỏi nhục hình, mà còn khiến cho Hán Văn Đế 汉文帝 cảm động, nhân đó Hán Văn Đế đã phế bỏ loại nhục hình tàn khốc.
          Theo Sử kí – Hán Văn Đế bản kỉ 史记 - 汉文帝本纪:
          Tháng 5 năm Hán Văn Đế 汉文帝thứ 13, Thái thương lệnh 太仓令 nước Tề là Thuần Vu Ý 淳于意 phạm tội phải chịu nhục hình, bị bắt đưa về Trường An 长安. Thái lệnh công chỉ không có con trai, chỉ có 5 người con gái. Trước lúc bị đưa đi, Thái lệnh công trách các con gái rằng:
          - Sinh con không có con trai, chỉ toàn con gái, khi gặp phải việc gấp, không được ích gì.
          Cô gái út là Đề Oanh thương tâm than khóc, theo cha đến Trường An. Nàng dâng thư lên, nói rằng:
          - Phụ thân của tiểu thiếp làm quan, người nước Tề đều ca tụng là công bình liêm khiết. Nay phạm tội bị nhục hình, tiểu thiếp đau buồn, nếu người mất đi thì không thể sống lại, nếu thân thể bị hình phạt thì chi thể không thể liền lại. Tuy muốn người ta sửa lỗi lầm để làm con người mới thì cũng có cách nào. Tiểu thiếp nguyện làm nô tì ở phủ quan chuộc tội cho phụ thân, để phụ thân có thể tự sửa lỗi lầm.
          Thư của Đề Oanh dâng lên hoàng đế, hoàng đế thương cảm bèn hạ chiếu nói rằng:
          Nghe nói vào thời Ngu thị, vẽ mũ áo của người bị tội, khác với người bình thường, lấy đó để tội phạm xấu hổ, khiến dân chúng không vi phạm pháp lệnh. Đó là do nguyên nhân gì? Ấy là do chính trị cực trong sáng. Hiện pháp lệnh quy định ba loại nhục hình, thế mà sự việc của gian phạm không thể cấm chỉ, cái sai là ở chỗ nào? Có phải là do bởi ta đức mỏng, việc giáo hoá không rõ ràng chăng? Ta tự mình cảm thấy hổ thẹn, cho nên dân chúng mà huấn đạo không tốt, ngu muội vô tri cứ bị rơi vào lưới pháp luật. Trong “Kinh Thi” có câu:
Bậc quân tử hoà ái gần người
Đó là cha mẹ của dân
           Hiện người có lỗi không được giáo dục mà lại bị hình phạt, muốn sửa lỗi hướng thiện, cũng chẳng có đường mà đi. Ta vô cùng thương cảm. Hình phạt nặng, đến mức chặt đứt chi thể, khắc vào da thịt, suốt đời không thể khôi phục lại được, ấy là đau khổ tột cùng lại không có đạo đức, sao phù hợp với ý của bậc làm cha mẹ của dân. Nên phế bỏ nhục hình đi.
            Sau khi các đại thần thương nghị, nhục hình được đổi sang hình thức đánh gậy. Tội vốn bị chặt chân đổi sang đánh 500 gậy; tội xẻo mũi đổi sang đánh 300 gậy. Hán Văn Đế chính thức phế bỏ nhục hình. Như vậy, Đề Oanh đã cứu được phụ thân.

Dâng thư, đã thẹn nàng Oanh
Lại thua ả Lý bán mình hay sao?
(“Truyện Kiều” 671 - 672)
Nàng Oanh: Hán thư chép cha nàng Đề Oanh phạm tội, nàng dâng thư lên vua Hán Văn Đế xin chuộc tội cho cha, vua cảm động lòng hiếu của nàng, tha tội cho cha nàng.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Hán thư: Đề Oanh thượng thư vị phụ đại tử tội, Lý Ký mại thân tô gia nạn.
          漢書: 緹縈上書為父代罪李寄賣身蘇家難
(Sách Hán: Nàng Đề Oanh dâng thư thay tội chết cho cha. Nàng Lý Ký bán mình gỡ nạn cho nhà)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 11/5/2020


Previous Post Next Post