Dịch thuật: Bây giờ trâm gãy gương tan (749) ("Truyện Kiều")


BÂY GIỜ TRÂM GÃY GƯƠNG TAN (749)
          Trâm gãy: Lấy ý từ bài tự sự thi trường thiên Tỉnh để dẫn ngân bình井底引银瓶. của Bạch Cư Dị白居易 thời Đường. Đây là một trong những bài thơ của Bạch Cư Dị được lưu truyền rộng rãi. Trong xã hội phong kiến, dâm bôn được cho là một hành động bạo gan của việc tự do luyến ái mà tập tục không dung, dư luận cũng không đồng ý. Nhà thơ không phủ định lễ giáo phong kiến, nhưng lại thể hiện sự đồng tình đối với bi kịch tình yêu của cô gái thời Đường nhân vì tự do luyến ái mà chịu sự bức hại của luân lí tông pháp phong kiến. Thi nhân sáng tác bài thơ này khuyên cô gái nên tuân thủ tập tục, tránh sự bức hại của luân lí tông pháp. Trong bài thơ có đoạn:
Tỉnh để dẫn ngân bình
Ngân bình dục thướng ti thằng tuyệt
Thạch thượng ma ngọc trâm
Ngọc trâm dục thành trung ương chiết
Bình trầm trâm chiết tri nại hà
Tự thiếp kim triêu dữ quân biệt
...........................
井底引银瓶
银瓶欲上丝绳绝
石上磨玉簪
玉簪欲成中央折
瓶沉簪折知奈何
似妾今朝与君别
......................
Từ dưới giếng kéo lên chiếc bình bạc
Bình sắp lên được thì dây bị đứt
Trên đá mài cây trâm ngọc
Trâm sắp thành thì nửa chừng bị gãy
Bình chìm trâm gãy biết làm sao đây
Giống như sáng nay thiếp cùng chàng li biệt
.........................
          Gương tan: Ví vợ chồng hoặc đôi tình nhân chia lìa li tán.
“Gương tan” xuất xứ từ thành ngữ “phá kính trùng viên” 破镜重圆 tức “gương vỡ lại lành”, vợ chồng li tán sau đó được đoàn tụ vui vầy trở lại.
          Trong Bản sự thi – Tình cảm 本事诗 - 情感 của Mạnh Khể 孟棨 đời Đường có thuật một câu chuyện:
          Triều Trần thời Nam Triều, Thái tử xá nhân Từ Đức Ngôn 徐德言 cùng vợ là Lạc Xương công chúa 乐昌公主 sợ sau khi nước mất hai người sẽ không gặp được nhau, nhân đó mới đập tấm kính đồng ra làm hai, mỗi người giữ một nửa, hẹn rằng vào rằm tháng Giêng đem nửa mảnh kính ra chợ bán, hi vọng sẽ gặp lại. Về sau nhà Trần mất, công chúa lọt vào nhà Việt Quốc Công Dương Tố 越国公杨素. Từ Đức Ngôn theo lời hẹn đến kinh thành, thấy có người bán nửa mảnh kính, bèn lấy nửa mảnh của mình ráp vào, quả nhiên tròn lại. Từ Đức Ngôn viết bài thơ lên nửa mảnh kính rằng:
Kính dữ nhân câu khứ
Kính quy nhân bất quy
Vô phục Thường Nga ảnh
Không lưu minh nguyệt huy
(Kính với người cùng đi mất
镜与人俱去
镜归人不归
无复嫦娥影
空留明月辉
Nay kính trở về mà không thấy người trở về
Không tìm thấy được hình bóng Thường Nga nữa
Trên không chỉ lưu lại vầng trăng sáng)
          Công chúa đọc được bài thơ, khóc than không ăn uống. Dương Tố biết chuyện, lập tức cho triệu Từ Đức Ngôn đến, trả công chúa lại cho Từ Đức Ngôn, cả hai cùng về Giang Nam 江南 sống bên nhau cho đến già.
          Về sau người ta dùng “phá kính trùng viên” để ví vợ chồng li tán hoặc chia tay nhau sau đó được đoàn tụ vui vầy trở lại.

Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
(“Truyện Kiều” 749 – 750)
Trâm gãy gương tan: Cái trâm bị gãy, cái gương vỡ tan, chỉ người đàn bà chết cũng như trâm gãy bình rơi.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Theo ý riêng, “trâm gãy gương tan” ở câu 749 này, ý nói sự chia lìa li tán.

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 28/5/2020
Previous Post Next Post