Dịch thuật: Ra tuồng trên Bộc trong dâu (507) ("Truyện Kiều")


RA TUỒNG TRÊN BỘC TRONG DÂU (507)
          Trên Bộc trong dâu: tức “Tang Gian Bộc thượng” tức Tang Gian trên sông Bộc, là nơi nam nữ thanh niên đương thời gặp nhau hoan lạc.
          Trong Lễ kí – Nhạc kí 禮記 - 樂記 ghi rằng:
          Trịnh Vệ chi âm, loạn thế chi âm dã, bí ư mạn hĩ. Tang Gian Bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm dã, kì chính tản, kì dân lưu, vu thượng hành tư nhi bất khả chỉ dã.
          鄭衛之音, 世之音, 比於慢矣. 桑間濮上之音, 亡國之音也, 其政散, 其民流, 誣上行私而不可止也.
          (Âm nhạc của hai nước Trịnh Vệ thời cổ, là âm nhạc đời loạn, gần với loại âm phóng túng khinh mạn. Trên sông Bộc có một nơi gọi là Tang Gian, âm nhạc nơi đó là âm nhạc lả lướt vong quốc của Ân Trụ Vương, phản ánh thời đại quốc chính rời rạc, nhân dân li tán, dối gạt cấp trên làm theo ý riêng mà không thể ngăn cấm được)
(Vương Văn Cẩm 王文錦: “Lễ kí dịch giải” 禮記譯解, quyển Hạ, Trung Hoa thư cục, 2007)
          Theo Lễ kí dịch giải, “Tang Gian” là địa danh.
          Trong Hán thư – Địa lí 汉书 - 地理志 chí có câu:
          Vệ địa hữu Tang Gian Bộc thượng chi trở, nam nữ diệc khí tụ hội, thanh sắc sinh yên.
          卫地有桑间濮上之阻, 男女亦亟聚会, 声色生焉.
          (Vùng Tang Gian trên sông Bộc ở đất Vệ được che khuất kín đáo, nam nữ thường đến tụ hội nơi đó, dâm thanh và nữ sắc cũng từ đó mà sinh ra)
            Đời sau dùng “Tang Gian Bộc thượng” để chỉ nơi phong khí dâm dật, cũng chỉ nơi nam nữ hoan lạc.
Kinh Thi, phần Vệ phong 衛風, bài Tang Trung 桑中, có câu:
Kì ngã hồ Tang Trung
期我乎桑中
(Hẹn ta đợi ở Tang Trung)
Tang Trung 桑中 tức Tang Gian 桑間, một địa danh của nước Vệ. Cũng có thuyết cho là rừng dâu.

Ra tuồng trên Bộc trong dâu
Thì con người ấy ai cầu làm chi
(“Truyện Kiều” 507 – 508)
Trên Bộc trong dâu: Do chữ Hán “Tang gian Bộc thượng”. Sách Ký: Tang gian Bộc thượng chi âm Vong quốc chi âm dã, là cái nhạc trong bãi dâu, trên bãi sông Bộc là cái âm mất nước. Kinh thi có hai bài thơ trong Vệ phong nói chuyện dâm ô trong bãi dâu, trên sông Bộc nước Vệ. Sau người ta dùng mấy chữ “Tang gian Bộc thượng” để chỉ thói dâm ô. Nguyễn Du dịch làm trên Bộc trong dâu, bốn từ ấy đã thành thành ngữ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Thi: Tang gian bộc thượng Trịnh Vệ dâm bôn chi thi.
          : 桑間濮上鄭衛淫奔之詩
          (Trong ruộng dâu, trên bãi cát là thơ dâm phong của của nước Trịnh nước Vệ; Ví chỗ ấy là chỗ trai gái dâm bôn)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 16/4/2020
Previous Post Next Post