PHƯƠNG NGÔN HỌC
Nghiên
cứu phương ngôn cũng thuộc về Huấn hỗ học 训诂学.
Như Nhĩ nhã – Thích ngôn 尔雅 - 释言, chính là đem giải thích phương ngôn làm thành một bộ
phận của huấn hỗ. Đến khi Dương Hùng 扬雄 biên soạn Phương
ngôn 方言, sau đó có chuyên thư nghiên cứu phương ngôn. Sách của Dương Hùng sưu
tập phương ngôn các nơi đương thời, so sánh qua lại, quán thông qua lại, để tiện
cho việc hiểu những trứ tác và những đàm luận của người đương thời, không phải
soạn ra để đọc sách cổ. Nhưng hiện chúng ta có thể lợi dụng nó để tham khảo khi
đọc sách cổ. Đời Thanh, Hàng Thế Tuấn 杭世骏 biên soạn Tục
phương ngôn 续方言, Chương Thái Viêm 章太炎 biên soạn Tân
phương ngôn 新方言, có khác với trứ tác của Dương Hùng, đồng thời không vì mục đích để cho
người Trung Quốc hiện đại hiểu phương ngôn lẫn nhau mà sáng tác, mà là để đọc
sách cổ, những sách đó vẫn là từ trong cổ văn tự tìm nguồn gốc của tục ngữ hiện
đại, từ tục ngữ hiện đại tìm cách đọc của cổ văn tự. Cách câu thông kim cổ như
thế, một mặt khiến mọi người từ tục ngữ hiện đại mà hiểu ý nghĩa của cổ văn tự,
mặt khác khiến mọi người dùng cổ tự thích đáng để viết tục ngữ hiện nay. Riêng
Chương Thái Viêm còn đề xuất ý kiến, nói rằng, các tỉnh phương bắc trải qua loạn
Ngũ Hồ 五胡 (1) cùng người Kim 金 người Nguyên 元vào trung nguyên, ngôn ngữ chịu ảnh hưởng lớn của ngoại
tộc, thanh vận biến động càng lớn, để chấn khởi tinh thần dân tộc Đại Hán,
không “cách di ngôn nhi tùng Hạ thanh” 革夷言而从夏声 (bỏ ngôn ngữ của
các dân tộc thiểu số mà theo ngôn ngữ Hoa Hạ) thì không thể, nhân đó, phàm khẩu
ngữ hiện đại hợp với cổ văn tự mới là ngữ âm chính thống đáng để đề xướng.
Chương Thái Viêm muốn dựa vào huyễn tưởng chủ quan để cải biến cục diện đã hình
thành mấy ngàn năm, tất nhiên là kiến giải của thư sinh, nhưng nguyên tắc bảo vệ
ngữ văn dân tộc của ông rất đáng quý, nếu ứng dụng cụ thể vào việc phòng ngừa sự
xâm lược ngữ văn của người Nhật thì rất là đúng.
Chú của người
dịch
1- Loạn Ngũ Hồ:
thời Đông Tấn, nhiều liên minh bộ lạc du mục phương bắc nhân vương triều Tây Tấn
ở trung nguyên suy yếu đã đại quy mô nam hạ kiến lập nhà nước tạo thành thế đối
lập với chính quyền chính thống . Ngũ Hồ gồm liên minh bộ lạc du mục người Hồ,
có: Hung Nô 匈奴, Tiên Ti 鲜卑, Yết 羯, Khương 羌, Đê氐.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 28/4/2020
Nguyên tác
PHƯƠNG NGÔN HỌC
方言学
Trong quyển
QUỐC HỌC THƯỜNG THỨC
国学常识
Tác giả: Tào Bá Hàn 曹伯韩
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật