Dịch thuật: Mái tây để lạnh hương nguyền (517) ("Truyện Kiều")


MÁI TÂY ĐỂ LẠNH HƯƠNG NGUYỀN (517)
          Mái tây: Chữ Hán là “tây sương” 西廂, nhắc đến chuyện Thôi Oanh Oanh và Trương Sinh trong Oanh Oanh truyện 莺莺传 của Nguyên Chẩn 元稹thời Đường.
 Nội dung của Oanh Oanh truyện莺莺传, nói về câu chuyện tình yêu giữa Trương Sinh张生 (tên Củng tự Quân Thuỵ 君瑞) và Oanh Oanh 莺莺, nhưng về sau Trương Sinh lại bỏ Oanh Oanh.
          Khi Trương Sinh đến ở chùa Phổ Cứu 普救 tại Bồ Châu 蒲州, gặp lúc goá phụ Thôi thị 崔氏 đang về Trường An, trên đường đến đất Bồ cũng ghé đến tạm thời ở lại chùa. Goá phụ Thôi thị là con gái nhà họ Trịnh , mẹ Trương Sinh cũng họ Trịnh, là bà con xa. Lúc mọi người đang ở chùa Phổ Cứu  thì phát sinh binh loạn. Trương sinh nhờ bạn ở Bồ Châu xin quan lại bảo vệ nhà họ Thôi. Sau tướng quân Đỗ Xác 杜确 dẹp yên. Thôi thị cảm kích ơn đức của Trương Sinh nên bày tiệc khoản đãi. Trong bữa tiệc, Trương Sinh thấy cô em họ là Oanh Oanh liền si mê. Nhờ tì nữ Hồng Nương 红娘 nhiều lần đưa thư qua lại, cuối cùng hai người đến với nhau. Về sau Trương Sinh lên kinh ứng thí nhưng chưa đỗ nên lưu lại kinh sư, vẫn thư tình qua lại, còn tặng tín vật để bày tỏ tình cảm. Nhưng cuối cùng Trương Sinh đã thay lòng, cho rằng Oanh Oanh là “vưu vật” 尤物 (người tuyệt diệu) trong thiên hạ, còn đưa ra ví dụ Thương Trụ 商纣, Chu U Vương 周幽王mất nước, chứng minh bản thân mình “đức chưa đủ để thắng yêu nghiệt” nên cắt đứt tình yêu. Hơn một năm sau, Oanh Oanh lấy chồng, Trương Sinh cũng lấy vợ. Một lần nọ Trương Sinh đi ngang nhà Oanh Oanh, lấy thân phận “anh họ” xin được gặp, nhưng bị Oanh Oanh cự tuyệt.
          Đời Nguyên, Vương Thật Phủ 王实甫trên cơ sở câu chuyện của Thôi Oanh Oanh và Trương Sinh đã soạn vở tạp kịch Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt tây sương kí 崔莺莺待月西厢记, gọi tắt là Tây sương kí 西厢记, nhưng phần kết có khác, hai người đến với nhau.

Mái tây để lạnh hương nguyền
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng
(“Truyện Kiều” 517 – 518)
Mái tây: Chữ Hán là “Tây sương”. Nhắc đến chuyện Hội chân kí của Nguyên Chẩn viết kể lại việc làm của mình, nhưng đổi tên các nhân vật: Trương Quân Thuỵ và Thôi Oanh Oanh yêu nhau, nhưng vì Oanh Oanh quá chiều nên sau này Quân Thuỵ đi lấy người khác, quên mất lời thề xưa. Chuyện này sau này trở thành đầu đề của vở kịch nổi tiếng “Tây sương kí” (Chuyện Mái tây), nhưng phần kết thúc thay đổi: Quân Thuỵ lấy Oanh Oanh.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 22/4/2020     
Previous Post Next Post