Dịch thuật: Cô nhi chuyển thế

 

CÔ NHI CHUYỂN THẾ

          Thời Tống, khi Bao Chửng 包拯 làm tướng, trong dân gian phát sinh một câu chuyện.
          Thôn nọ có một đứa bé 10 tuổi, cha mẹ đều qua đời, chân lại tàn tật, cuộc sống vô cùng khổ nhọc, nếu không nhờ dân trong thôn bố thí thì đã chết đói từ lâu.
          Trước thôn có một con sông, nhưng lại không có cầu, người muốn qua lại đều cởi giày lội qua, nhưng khi mưa xuống nước dâng lên thì không cách nào qua được. Dân trong thông muốn bắc một cây cầu nhưng không có tiền.
          Đứa bé mồ côi tàn tật kia ngày ngày lấy đá chất thành đống bên cầu, công việc không hề gián đoạn. Mọi người hỏi nó vì sao làm thế, đứa bé đáp rằng, muốn bắc một cây cầu đá. Mọi người cho rằng nó nói những lời khùng điên, chỉ cười rồi bỏ đi.
          Ngày qua tháng lại, năm lại đến năm, ba năm sau, đống đá đã thành ba ngọn núi nhỏ. Dân trong thôn bắt đầu nhận ra, cũng dần dần đến tham gia. Thợ đá trong thôn nghe được sự việc của đứa bé vô cùng cảm động, cũng chủ động đến giúp xây cầu, mọi người vô cùng vui mừng, đứa bé càng bận cả ngày đêm.
          Khi cầu bắc xong, đứa bé mồ côi trong một lần đục đá bị miểng văng làm hư đôi mắt. Mọi người đau buồn oán trách ông trời bất công, nói rằng đứa bé đáng thương như thế, một lòng vì mọi người mà lại bị báo ứng như thế.
          Nhờ mọi người đồng tâm hiệp lực, cuối cùng cũng xây xong. Đương lúc mọi người vui mừng hoan hô, đột nhiên một trận mưa to trút xuống, lại còn có cả sấm sét. Đứa bé đứng ở bên cầu bị sét đánh trúng, ngã lăn ra đất chết. Người trong làng kinh hãi, than khóc cho đứa bé có số khổ, trách ông trời bất công .....
          Vừa lúc ngày hôm sau Bao Chửng lúc đi thăm dân tình có ghé ngang qua, bách tính lũ lượt ngăn kiệu quan đòi công bình cho đứa bé, họ chất vấn Bao Công: Người tốt sao lại không được báo ứng tốt?  Từ nay về sau còn ai có thể làm người tốt? Bao Công bị sự việc của dân trong thôn đánh động trong lòng, liền lấy bút viết nhanh 6 chữ “Ninh hành ác, vật hành thiện” 宁行恶, 勿行善 (thà làm điều ác chớ làm điều thiện), sau đó phất tay áo ra đi.
          Về đến kinh thành, Bao Chửng đem sự việc tâu lên hoàng thượng, nhưng lại dấu việc đề mấy chữ. Không ngờ sau khi hoàng thượng thoái triều, kéo Bao Chửng đến hậu cung nói việc riêng. Hoá ra là mấy ngày trước, hoàng thượng lại có thêm long tử. Tiểu hoàng tử vô cùng đáng yêu, nhưng suốt ngày cứ khóc. Thế là hoàng thượng bảo Bao Chửng xem thử. Bao Chửng thấy đứa bé da trắng như tuyết, trên cánh tay có hàng chữ. Đến gần xem, đúng là 6 chữ do mình viết “Ninh hành ác, vật hành thiện”. Trong phút chốc mặt Bao Chửng đỏ đến cổ, vội lấy tay xoá chữ đó đi. Bao Chửng xoá không vội vã, dấu vết trên cánh tay tiểu hoàng tử phút chốc biến mất không để lại dấu vết gì.
          Nói ra cũng lạ, 6 chữ trên cánh tay tiểu hoàng tử, trong mắt Bao Chửng là chữ, nhưng trong mắt người khác chẳng qua chỉ là cái bớt. Hoàng thượng thấy cái bớt trên cánh tay tiểu hoàng tử bị Bao Chửng xoá, sợ căn phúc bị xoá liền trách Bao Chửng. Bao Chửng vội quỳ xuống, tâu rằng:
          - Tội thần đáng muôn chết.
          Sau đó Bao Chửng đem đầu đuôi sự việc việc đề chữ nói ra. Hoàng thượng cảm thấy kì lạ, mệnh cho Bao Chửng dùng gối âm dương xuống địa phủ thăm dò.
          Bao Chửng cầm gối âm dương đến địa phủ, chân tướng đã hiện rõ. Hoá ra đứa bé mồi côi đó trên đời làm nhiều điều ác, tội nghiệp quá nặng, một kiếp chưa thể trả hết mà cần phải ba kiếp mới trả xong. Nguyên là Diêm Vương sắp xếp, kiếp đầu tiên là làm một đứa bé tàn tật, lênh đênh cô khổ; kiếp thứ hai đôi mắt bị mù; kiếp thứ ba bị sét đánh chết thây phơi ngoài đồng. Đứa bé đó ở kiếp thứ nhất chuyển sinh bị tàn tật cùng khổ, nhưng đã sửa chữa những tội lỗi trước đó, chỉ muốn làm việc tốt cho mọi người. Thế là Diêm Vương cho nó trong một kiếp trả được nghiệp của hai kiếp. Nó bị mù đôi mắt, nhưng không hề oán trời oán người, chỉ âm thầm làm điều tốt cho người khác. Diêm Vương bèn đem nghiệp lực ở kiếp thứ ba cho trả luôn trong một kiếp, cho nên bị sét đánh chết. Diêm Vương  hỏi Bao Chửng, ác nghiệp của ba kiếp trả trong một kiếp, ông thấy có được không? Một kiếp trả hết nghiệp của ba kiếp, bởi nó chuyên làm việc thiện, trong lòng chỉ nghĩ đến người khác, không hề tính toán cho mình, ở một mặt nào đó đã đạt đến cảnh giới “không tu đạo mà đã ở trong đạo”, tích đức thật nhiều, cho nên sau khi chết lập tức chuyển sinh làm thái tử hiện giờ, hưởng thụ phúc phận thiên tử.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 19/4/2020

Nguồn
Previous Post Next Post