NHO LÂM Á THÁNH – MẠNH TỬ
Mạnh Tử
孟子 (năm
372 – năm 289 trước công nguyên), tên Kha 轲,
tự Tử Dư 子舆, người nước Trâu 邹 thời Chiến Quốc
(nay là thành phố Trâu Thành 邹城 tỉnh Sơn Đông 山东). Ông kế thừa đồng thời phát dương tư tưởng Khổng Tử 孔子, đề xuất học thuyết tính thiện, nhân chính, vương đạo,
được tôn xưng là “Á Thánh” 亚圣. Tư tưởng Mạnh Tử
cùng tư tưởng Khổng Tử hợp xưng là “Khổng Mạnh chi đạo” 孔孟之道, là hạt nhân văn hoá của Nho gia cùng với văn hoá
truyền thống của dân tộc Trung Hoa.
MỘT ĐỜI
PHONG TRẦN MỆT MỎI
Về thân
thế của Mạnh Tử lưu truyền lại rất ít, lưu truyền hậu thế có câu chuyện “Mạnh mẫu
tam thiên” 孟母三迁 (Mạnh
mẫu ba lần dời nhà), “đoạn cơ giáo tử” 断机教子 (chặt khung cửi để dạy con). Theo ghi chép trong Sử kí 史记, Mạnh Tử là đệ tử tái truyền của đích tôn của Khổng tử
là Tử Tư 子思.
Sau khi
Mạnh Tử học thành, bắt đầu “chu du liệt quốc”, tuyên truyền không mệt mỏi chủ
trương chính trị của mình. Những nơi Mạnh Tử đến, ông đều nhận được sự đãi ngộ
theo lễ của quốc quân các nước, về điểm này tốt hơn Khổng Tử nhiều. Nhưng cũng
giống như Khổng Tử là, học thuyết của Mạnh Tử có những chỗ lúng túng không hợp
thời. Đương thời là trung kì Chiến Quốc, các chư hầu quốc đều ra sức làm cho nước
giàu binh mạnh, họ chỉ xem những người năng công thiện phạt là hiền nhân, còn Mạnh
Tử lại xưng tụng Nghiêu Thuấn cùng đức chính của tam đại Hạ Thương Chu, đương
nhiên không được quốc quân các nước tiếp nhận.
Có một
lần, khi Mạnh Tử đến đô thành Đại Lương 大梁nước
Nguỵ 魏, Lương Huệ Vương 梁惠王đang
tại vị đã khoảng chừng 70 tuổi. Đối với việc Mạnh Tử đến, Lương Huệ Vương đã gởi
gắm rất nhiều hi vọng. Nhân đó, vừa gặp Mạnh Tử, ông liền hỏi rằng:
- Lão tiên sinh từ xa ngàn dặm tới đây, có thể
mang lợi ích gì đến cho nước chúng tôi?
Mạnh Tử
đáp rằng:
- Sao đại vương vừa mở miệng là nói đến lợi vậy?
đầu tiên phải là nói nhân nghĩa chứ!
Tiếp đó
Mạnh Tử phân tích sự nguy hại bỏ nhân nghĩa chạy theo tư lợi, đồng thời căn cứ
vào học thuyết nhân chính của mình vẽ ra một cảnh tượng “vương đạo” khiến bách
tính an cư lạc nghiệp, người già được nuôi dưỡng, trai tráng có được chỗ dùng.
Luận thuật của Mạnh Tử tuy hay, nhưng bị Lương Huệ Vương cho là “sự tình quanh
co viển vông”. Tại nước Tề, Mạnh Tử gặp phải lúng túng khó xử như thế. Ông nghiêm khắc phê bình vương
công đại thần, lại nói rằng đối với vị quốc quân vô đức có thể “dịch vị” (thay
đổi), có lúc khiến Tề Vương “ giận dữ biến sắc”, hoặc không thể đáp lại, đành
“nhìn sang phải sang trái mà nói lảng chuyện khác”. Mạnh Tử bôn ba 35 năm trước
sau thực hiện không được lí tưởng “nhân chính”.
Năm 312
trước công nguyên, Mạnh Tử quy ẩn tại nước mình, một mặt theo việc dạy học, một
mặt cùng đệ tử viết 7 thiên Mạnh Tử 孟子. Năm 289 trước
công nguyên, Mạnh Tử già yếu qua đời tại nước Trâu, hưởng niên 85 tuổi.
THUYẾT HÀNH
THIỆN
Trong
tư tưởng của Mạnh Tử, điểm đặc sắc nhất đó là “tính thiện luận” 性善论.
Mạnh Tử
có một luận địch tên Cáo Tử 告子, nói qua một câu nổi
tiếng:
Thực sắc, tính dã
食色, 性也
(Chuyện ăn uống và chuyện nam nữ là thiên tính của con
người)
Mạnh Tử
không đồng ý với cách nhìn nhận đó, ông đã phản vấn Cáo Tử, nếu “thực sắc” là
nhân tính, thế thì chó cũng có “thực sắc”, trâu cũng có “thực sắc”, lẽ nào cẩu
tính chính là ngưu tính, ngưu tính chính là nhân tính? Theo Mạnh Tử, tất cả động
vật đều có “thực sắc”, không chỉ là chỉ riêng của con người. Điều mà Mạnh Tử gọi
là nhân tính là chỉ đặc tính mà nhân loại dùng để phân biệt với cầm thú. Mạnh Tử
nêu ví dụ, có người chợt thấy một đứa bé sắp rơi xuống giếng đã nảy sinh lòng
trắc ẩn. Mà việc nảy sinh lòng trắc ẩn này, hoàn toàn không phải vì cha mẹ của
đứa bé hoặc bà con làng xóm, mà bộc lộ một cách tự nhiên cái “thiện” từ nội tâm
của con người. Mạnh Tử cho rằng, nhân tính khi trời sinh ra đã có cái nhân hướng
thiện. Nếu không có tính thiện này, con người không thành là con người, mà chẳng
khác gì loài cầm thú.
“Thiện”
đương nhiên sớm đã tồn tại trong tâm, thế thì tại sao lại có người “hành ác”? Mạnh
Tử cho rằng, đó là do bởi bị cái tư dục che lấp, ông đã so sánh với Ngưu Sơn 牛山 ở
ngoại ô đô thành nước Tề, nói rằng cây cối ở Ngưu Sơn vốn rất tươi tốt, chỉ là ở
tại ngoại ô của đô thành, thường gặp phải bị mọi người đốn chặt, cho nên Ngưu
Sơn mới bị trơ trụi, đó hoàn toàn không phải là bản thân Ngưu Sơn đã trơ trụi.
Mạnh Tử chỉ ra rằng, bản tính thiện vốn có của con người cần phải tăng cường
nuôi dưỡng giữ gìn. Nếu giống như cây cối trên Ngưu Sơn gặp phải ngoại lực phá
huỷ, lương tâm bị “chìm đắm”, con người sẽ “làm điều bất thiện”. Cho nên Mạnh Tử
nhấn mạnh, bản tính của thiện chỉ có sự nuôi dưỡng và quy phạm của “nghĩa”mới
có thể là “thiện”, nếu không sẽ có khả năng biến hoại.
Thuyết
tính thiện của Mạnh Tử đối với hiện thực cuộc sống như thế nào cũng có tác dụng
quan trọng hướng dẫn nhân tính hướng thiện, được các Lí học gia từ thời Tống trở
về sau tiếp thụ phổ biến, trở thành tư tưởng nhân tính luận chính thống, có ảnh
hưởng rất sâu rộng.
DÂN BẢN NHÂN
CHÍNH
Trên cơ
sở tính thiện luận, Mạnh tử đã phát triển thuyết “nhân” của Khổng Tử, đề xuất nhân
chính nổi tiếng. Ông cho rằng, nhân tính vốn thiện, kẻ thống trị chỉ cần đem
thiện tâm của bản thân mình mở rộng ra, thực hiện một cách rộng rãi trong sự thống trị thực tế, cùng với cái lo nỗi
vui của nhân dân, làm bất cứ sự việc gì cũng đều nghĩ đến nỗi thống khổ của
nhân dân, thì có thể thực hiện được “trị thiên hạ khả vận chi chưởng thượng” 治天下可运之掌上 (cai
trị thiên hạ có thể vận dụng trên bàn tay).
Có một
lần, Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử:
Viên
lâm của ta ngang dọc mỗi chiều chỉ có 40 dặm, bách tính lại cảm thấy quá lớn;
nghe nói viên lâm của Chu Văn Vương ngang dọc mỗi chiều 70 dặm, thế mà bách
tính lại cho là quá nhỏ, tại sao như thế?
Mạnh Tử
đáp rằng:
- Viên lâm của Chu
Văn Vương có thể đến cắt cỏ đốn củi, có thể đến bắt chim bắt thỏ. Bách tính
cùng hưởng dụng viên lâm, nên bách tính cho rằng quá nhỏ, chẳng phải sao?
Mạnh Tử
lại nói rằng:
- Viên lâm của đại vương, nếu có người giết
con hươu trong đó, sẽ bị khép mức tội sát nhân để luận xử. Điều đó đồng nghĩa với
việc trong một quốc gia thiết lập cạm bẫy ngang dọc 40 dặm, nên bách tính cho
là quá lớn, cũng chẳng phải sao?
Mạnh Tử
tìm cách để các vị quốc quân biết, thi hành nhân chính kì thực rất đơn giản, đó
chính là suy ta ra người, không nên xem bách tính là đối lập, mà là cùng vui với
dân.
Khi luận
thuật về nhân chính, Mạnh Tử còn đề xuất một luận điểm nổi tiếng có màu sắc dân
bản chủ nghĩa: “Dân vi quý, quân vi khinh, xã tắc thứ chi” 民为贵, 君为轻, 社稷次之 (1). Ông còn nói rằng: Quốc quân sai lầm, thần dân có thể
khuyên gián, khuyên gián nhiều lần mà không nghe, thì có thể lật đổ vị quốc
quân đó đi.
Trong
tư tưởng nhân chính của Mạnh Tử, đời sống của bách tính trở thành chuẩn mực để
lường sự mạnh yếu của việc thống trị. Nhân dân được áo ấm cơm no, được nuôi dưỡng
lúc sống, được an táng lúc mất, chỉ có đạt đến mức đó mới có thể nói là nhân
chính. Đằng sau của tư tưởng dân bản này là sự tôn trọng mỗi cá thể sinh mạng.
Chú của người
dịch
1- Câu này ở chương Tận tâm hạ 尽心下 trong
Mạnh Tử 孟子, nguyên văn như sau:
Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi
khinh
民为贵, 社稷次之, 君为轻
(Dân là quan trọng nhất, thứ đến là xã tắc, quốc quân
thì xem nhẹ)
(“Mạnh
Tử” 孟子: Vạn Lệ Hoa 万丽华, Lam Húc 蓝旭 dịch
chú. Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục 2007 – trùng ấn)
Huỳnh Chương
Hưng
Quy Nhơn 07/02/2020
Nguyên tác Trung văn
NHO LÂM Á THÁNH – MẠNH TỬ
儒林亚圣 - 孟子
Trong quyển
NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG
TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ
(quyển 1)
一本书读懂中国传说文化
Tác giả: Thạch Khai Hàng
Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản
2019
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật