Dịch thuật: Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời (204) ("Truyện Kiều")


CÂU THẦN LẠI MƯỢN BÚT HOA VẼ VỜI (204)
          Bút hoa 笔花: Điển xuất từ “Nam sử - Kỉ Thiếu Du truyện” 南史 - 纪少瑜传.
          Tương truyền Kỉ Thiếu Du 纪少瑜 lúc còn trẻ, tài hoa không xuất chúng, việc anh ta chăm chỉ nỗ lực, đã khiến Văn thần 文神cảm động. Một buổi tối nọ, lúc đọc sách, anh ta bất giác ngủ thiếp đi, mộng thấy một văn nhân nổi tiếng tặng cho cây bút, đồng thời nói rằng, dùng cây bút này có thể sẽ viết ra những áng văn tuyệt diệu. Sau khi Kỉ Thiếu Du tỉnh dậy, quả nhiên phát hiện bên gối có một cây bút lông khác với bút thường. Từ đó, văn chương của Kỉ Thiếu Du có tiến bộ nhiều, cuối cùng trở thành một tác gia nổi tiếng.
          Kỉ Thiếu Du là văn sĩ nổi tiếng thời Nam triều, từ nhỏ đã chuyên về “Lục kinh” 六经, giỏi ứng đối, rất được người đương thời khâm phục. Về sau ông làm quan đến chức Đông kinh Đại học sĩ 东京大学士.
          Một truyền thuyết khác:
          Thi nhân Lí Bạch 李白thời Đường lúc trẻ từng có một giấc mộng kì lạ. Lí Bạch mộng thấy đầu bút của mình nở ra những đoá hoa tươi đẹp, từng trang giấy trắng tự động bay đến trước mặt. Lí Bạch vô cùng vui mừng, chụp lấy bút nhanh chóng viết. Trên giấy lại xuất hiện những đoá hoa tươi đẹp. Những bài thơ nổi tiếng của ông lưu truyền đến ngày nay.
          Thành ngữ “mộng bút sinh hoa” 梦笔生花dùng để ví tài năng về văn chương.

Này mười bài mới mới ra
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời
(“Truyện Kiều” 203 - 204)
Bút hoa: Chỉ cái bút viết chữ đẹp như hoa.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Đường thi: Lý Bạch thiếu thời, mộng bút sinh hoa, văn tứ đại tiến.
          唐詩: 李白少時, 夢筆生花, 文思大進
          (Thơ Đường: Ông Lý Bạch lúc còn bé mộng thấy bút nẩy hoa, sau tứ văn chương tấn lắm)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 
Xét:
          Theo ý riêng, câu 204 trong “Truyện Kiều” lấy ý từ thành ngữ “mộng bút sinh hoa”. Ý nói tài hoa văn chương của Thuý Kiều.
Khi Đạm Tiên hiện ra đưa cho Thuý Kiều xem 10 đầu đề, xin Thuý Kiều vịnh thành bài thơ, trong “Kim Vân Kiều” có đoạn:
          “Thiếp đây nào phải ai đâu? Hàn gia ở phía tây cầu, bên dòng nước chảy. Chiều nay chị đã vãng qua, sao mà chóng quên như vậy? Hôm nay thiếp ở trong hội Đoạn Trường, trước mặt Giáo chủ, thiếp có tán dương tài hoa của chị, thì thấy Giáo chủ vui mừng và cho biết rằng: Chị cũng có chân trong hội. Rồi người trao cho thiếp 10 cái đầu đề “Đoạn Trường” (Đứt ruột) bảo đem lại đây để cho chị vịnh. Mong rằng chị viết ngay cho để em đưa về xếp vào trong tập Đoạn Trường sách đó.
          Thuý Kiều rằng: Vâng, em xin lãnh ý. ...”
(Phạm Đan Quế: “Truyện Kiều đối chiếu”, trang 71, nxb Hà Nội, 1991)
          Câu 204 Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời là Đạm Tiên khen tài văn chương của Thuý Kiều, xin Thuý Kiều vịnh lại thành thơ, lúc này Thuý Kiều chưa viết.  Hai câu 205, 206 tiếp theo là:
Kiều vâng lĩnh ý đề bài
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm
Như vậy “bút hoa” dùng để ví tài hoa về văn chương.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 05/02/2020
Previous Post Next Post