Dịch thuật: Trừ tịch


TRỪ TỊCH

Tết truyền thống của Trung Quốc
          “Trừ tịch” 除夕 là đêm của ngày cuối cùng trong năm. Ngày cuối cùng của năm gọi là “tuế trừ” 岁除, ý nghĩa là năm cũ đến đây là “trừ” , đổi sang năm mới. “Trừ” , tức trừ bỏ; “tịch” chỉ ban đêm. “Trừ tịch” ý nghĩa là đêm “tuế trừ” 岁除, cũng gọi là “đại niên dạ” 大年夜, “trừ tịch dạ” 除夕夜, “trừ dạ” 除夜v.v... là đêm cuối cùng của năm. Trừ tịch là “trừ cựu bố tân” 除旧布新, “hợp gia đoàn viên” 阖家团圆, “tế tự tổ tiên” 祭祀祖先, ngày này cùng với Thanh minh tiết 清明节, Thất nguyệt tiết 七月节, Trùng dương tiết 重阳节 là đại tiết tế tổ truyền thống trong dân gian Trung Quốc. Trừ tịch, có ý nghĩa đặc biệt đối với người Trung Quốc, đây là ngày trọng đại nhất vào lúc cuối năm, con cái làm ăn xa phải về nhà tụ họp cùng gia đình, từ biệt năm cũ trong tiếng pháo, và đón mừng xuân mới.
          Trừ tịch cùng tân niên, cuối năm đầu năm nối liền nhau, là giao giới điểm thời gian quan trọng “trừ cựu nghinh tân”. Nhân vì trừ tịch là vào ngày 29 hoặc 30 âm lịch, cho nên gọi ngày đó là “đại niên tam thập” 大年三十. Dân gian rất coi trọng ngày tuế trừ, nhà nhà đều lo quét dọn, bỏ cái cũ bày cái mới, treo đèn kết hoa, đón tổ tiên về ăn tết, đồng thời dâng cũng “niên cao” 年糕 (bánh tổ - ND), “tam sinh” 三牲 (gồm trâu, dê, heo dùng trong tế tự - ND), “tam trà ngũ tửu” 三茶五酒 (trà 3 chung, rượu 5 chung – ND).
          Trừ tịch từ cổ đã có tập tục tế tổ, đón giao thừa, ăn cơm đoàn viên, dán giấy đỏ, treo đèn lồng v.v... lưu truyền mãi đến ngày nay.

Tập tục ngày trừ tịch
Tế tổ
          Thời cổ, lễ tục này rất thịnh. Nhân vì lễ tục các nơi khác nhau, nên hình thức tế tổ cũng có khác. Có nơi đến mộ tổ ngoài đồng tế bái, có nơi đến từ đường tế bái, nhưng đa phần tại nhà đưa bài vị tổ tiên lần lượt đặt nơi chính sảnh, bày tế phẩm, sau đó lần lượt theo thứ tự lớn nhỏ dâng hương quỳ bái. Người xưa tế tổ, đa số dâng cá, thịt, rau, đựng trong những chiếc bát có chân cao, mang ý nghĩa “chung minh đỉnh thực” 钟鸣鼎食. Người phương nam tế tổ càng long trọng, thường có 8 bát, ở giữa đặt nồi lẩu, theo linh vị mà bày chén đũa, lúc trừ tịch, nguyên đán, nguyên dạ đều mở nắp nồi, tuỳ thời mà thay đổi món ăn. Trừ tịch dạ và Nguyên đán nấu món chay, đêm Thượng nguyên dâng nguyên tiêu (một loại bánh giống bánh trôi nước – ND), hàng ngày sớm tối thắp hương khấu bái, dâng trà mới. Hình thức tế tổ tuy khác nhau, nhưng nhìn chung đêm trừ tịch treo ảnh, đêm Thượng nguyên triệt cúng, bạn bè thân hữu đến chúc tết cũng phải khấu bái tổ tiên, hết sức thành kính, nhân vì mĩ đức kính tổ tiên của mọi người mà tập tục được bảo tồn.
          Một số nơi ở Trung Quốc có tập tục trừ tịch tại phần mồ, xưng là “tống niên thực” 送年食. Thời gian ra mộ nhìn chung là lúc trưa ngày tuế trừ, mọi người làm cơm tất niên đem đến phần mộ, để thân nhân đã mất được hưởng dụng món ngon như lúc còn sống, qua đó kí thác nỗi nhớ thương của người sống đối với người đã mất.

Trừ tịch thủ tuế
          Trừ tịch “thủ tuế” 守岁 (đón giao thừa) là một trong những hoạt động niên tục. Tập tục thủ tuế có từ rất lâu. Dân tục thủ tuế chủ yếu biểu hiện ở chỗ trong nhà đốt “tuế hoả” 岁火, gia đình quây quần đồng thời canh “tuế hoả” không để cho tắt, đợi thời khắc tống cựu nghinh tân, đón năm mới đến. Đêm trừ tịch đèn lửa sáng suốt đêm không tắt, gọi là “nhiên đăng chiếu tuế” 燃灯照岁 hoặc “điểm tuế hoả” 点岁火,  trong phòng thắp sáng đèn, lại còn thắp đèn đặt ở dưới giường, nhìn chung đèn đuốc thắp sáng khắp nơi, gọi là “chiếu hư hao” 照虚耗, theo truyền thuyết, sau khi thắp sáng như thế, sang năm mới trong nhà sẽ dồi dào tài phú. Thời cổ, phong tục nam bắc khác nhau, tập tục thủ tuế ở phương bắc chủ yếu là “ngao niên dạ” 熬年夜 (thức suốt đêm). Như Chu Xứ 周处triều Tấn trong Phong thổ kí 风土记 có nói: Đêm trừ tịch mọi người tặng quà lẫn nhau, gọi là “quỹ tuế” 馈岁; lớn nhỏ vui vẻ tụ họp, chúc tụng, gọi là “phân tuế” 分岁; suốt đêm không ngủ đợi sáng sớm hôm sau, gọi là “thủ tuế” 守岁. Có nơi vào đêm trừ tịch, cả nhà đoàn tụ, ăn bữa cơm đoàn viên, thắp nến hoặc đèn dầu, ngồi quanh bên bếp lò trò chuyện, suốt đêm không ngủ, tượng trưng cho việc xua đuổi ổn dịch tà ma, đón đợi một năm mới cát tường như ý.

Áp tuế tiền
          Áp tuế tiền 压岁钱 (tiền mừng tuổi) là một trong những tập tục khi tết đến. Sau bữa cơm chiều, bậc trưởng bối đem tiền mừng tuổi đã chuẩn bị sẵn tặng cho con cháu. Theo truyền thuyết, áp tuế tiền có thể trừ đuổi tà ma, con cháu có tiền sẽ được một năm mới bình an. Trong văn hoá dân tục, áp tuế tiền ngụ ý tị tà đuổi quỷ, bảo hộ bình an. Dụng ý lúc ban đầu của áp tuế tiền là trấn ác khu tà. Nhân vì mọi người cho rằng trẻ em dễ bị ma quỷ xâm hại, cho nên dùng nó để xua đuổi ma quỷ. Trong lịch sử, áp tuế tiền phân làm nhiều loại, nhìn chung lúc đếm ngược thời gian năm mới sắp đến, bậc trưởng bối tặng cho con cháu, biểu thị “áp tuý” 压祟 (đuổi quỷ), bao hàm sự quan tâm và chúc phúc của bậc trưởng bối đối với con cháu, một loại khác là con cháu tặng cho bậc trưởng bối, chữ “tuế” (tuổi) trong “áp tuế tiền” 压岁钱 mang ý nghĩa cầu mong bậc trưởng bối trường thọ. Có thể truy ngược áp tuế tiền, vào thời Hán gọi là “áp thắng tiền” 压胜钱, nó không phải là loại tiền lưu thông nơi chợ, mà là loại tiền đúc để thưởng ngoạn, có công năng tị tà.
          Ngày tết tặng áp tuế tiền, thể hiện sự quan tâm yêu mến của bậc trưởng bối đối với con cháu, và thể hiện sự tôn kính của con cháu đối với bậc trưởng bối, là một hoạt động dân tục liên quan đến luân lí gia đình.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 24/01/2020
                                                         (Ngày 30 tháng Chạp năm Kỉ Hợi)

Nguồn


Previous Post Next Post