Dịch thuật: Táo thần (tiếp theo)


TÁO THẦN
(tiếp theo)

Tống Táo
          Nhìn chung Táo thần dùng giấy vẽ thành, gọi là “Táo mã” 灶馬. “Mã” ở đây phải đọc thành , ý nghĩa là phù hiệu của thần, các thần khác nhau có “mã” khác nhau. Hình Táo Quân dán trong khám thờ đặt trên bếp, khi tống Táo thì lấy xuống, dùng lửa hoá đi để Táo Quân nương theo khói mà lên trời. Nhưng, do bởi bách tính biết rõ mục đích Táo Quân lên trời lần này là báo cáo thị phi công tội của nhà mình, mà chủ yếu là những lỗi lầm, cho nên đối với Táo Quân, mọi người đã làm một việc giống như đùa với trẻ em. Trước khi tống Táo, phải thắp đèn trong gian nhà bếp, dùng một ít hèm rượu bôi lên bếp lò, gọi là “tuý Tư Mệnh” 醉司命, ý là để Táo Quân uống say, quên đi những lỗi lầm trong nhà mình. Đồng thời cũng dâng cúng một số cúng phẩm đặc biệt, trong đó có một loại đường dẻo dính răng không thể thiếu được. Đường dẻo này chính là đường mạch nha, ăn vào rất ngọt, dùng loại đường này cốt ở chỗ hai hàm răng dính lại với nhau, đợi khi gặp Ngọc Đế Táo Quân không thể nói ra lời, đương nhiên cũng không thể báo cáo.
          Ngoài ra, một số nơi còn lợi dụng sự hài âm với phương ngôn, sáng tạo ra một số biện pháp đặc biệt. Như vùng Giang Nam trong cúng phẩm đặt “lăng  giác” 菱角 (củ ấu), “tì cô” 茨菇 (củ từ), “vu” (khoai môn). Táo Quân trước mặt Ngọc Đế, Ngọc Đế hỏi:
Giá nhân gia thị hảo nhân ma?
這人家是好人嗎?
(Người nhà đó là người tốt phải không?)
Táo Quân vốn có chút say, muốn ăn “tì cô” (củ từ), bèn đáp rằng:
Tì cô
茨菇
 “tì cô” 茨菇  tiếng đất Ngô hài âm với “thị lạc” 是咯, có nghĩa là “ vâng / đúng vậy” (是的 = 是咯)
Ngọc Đế hỏi:
Tha tố nhân hảo bất hảo?
他做人好不好?
(Ông là có tốt không?)
Táo Quân đáp rằng:
Lăng giác
菱角
 “lăng giác” 菱角tiếng đất Ngô hài âm với “linh lạc” 靈咯, có nghĩa là “rất tốt”; “vu nãi” 芋艿 hài âm với  嗯吶 trong tiếng đất Ngô, có nghĩa là “đúng”.
          Như vậy trước mặt Ngọc Đế, Táo Quân đã để lại ấn tượng tốt, sang năm nhất định được báo phúc. Ngoài tế phẩm ra, còn phải chuẩn bị ngựa cho Táo Quân. Về điểm này thời đại và địa vực khác nhau nên cũng có sự khác nhau. Nhìn chung thời cổ dùng giấy, cỏ và nan tre làm thành xe ngựa. Quan viên thời Minh Thanh đa phần ngồi kiệu, cho nên dùng giấy làm kiệu. Thời đương đại ở phương bắc đa phần dùng cỏ bện thành ngựa nhỏ, phương nam thì quen dùng đũa làm thành kiệu khiêng, phất giấy lên. Kiệu, ngựa cũng đều được hoá cùng một lúc với “Táo mã”, để Táo Quân an toạ mà lên trời.

Tiếp Táo
          Táo Quân sau khi báo cáo xong, lúc Trừ tịch sẽ về lại, mọi nhà chuẩn bị thần khám cho Táo Quân. Lần này đương nhiên cũng bày tỏ sự nghinh tiếp. Nhìn chung dâng cúng phẩm, đốt pháo, và chủ yếu là dán “Táo mã” mới. Táo mã này có hình chỉ có một người, đồng thời cũng có hình có Bà Táo bên cạnh. Hai vị được an trí trong khám thờ được sơn phết mới, coi như là về lại cung điện của mình. Hai bên cung điện này có dán cặp đối:
Thướng thiên ngôn hảo sự
Hồi cung bảo bình an
上天言好事
回宮保平安
(Lên trời tâu việc tốt
Về cung bảo hộ mọi người được bình an)
                                                                                        (hết)
                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 18/01/2020

Nguồn

Previous Post Next Post