Dịch thuật: Xã hội phong vân (tiếp theo) (Tư Mã Thiên)

XÃ HỘI PHONG VÂN
(tiếp theo)

          Sự việc đó, Quách Giải 郭解 không tham gia, cũng không biết. Hiệp khách giết người nọ căn bản không lưu lại chút dấu vết gì. Quan lại bắt Quách Giải không cách nào nắm được sự thực phạm tội của Quách Giải, đành báo cáo lên triều đình nói rằng không có lí do để trị tội Quách Giải. Công Tôn Hoằng 公孙弘 mà được Vũ Đế trọng dụng đã nghĩ ra một lí do. Ông ta nói rằng:
          - Quách Giải là một bách tính bình thường, công nhiên dựa vào thế lực địa phương, hành hiệp trượng nghĩa, người khác nói vài lời xấu về Quách Giải thì có người thay ông ta ra mặt, giết người cắt lưỡi, thật là vô pháp vô thiên. Mặc dù Quách Giải không biết chuyện đó, nhưng ảnh hưởng của ông ấy lớn như thế, tội ông ấy hơn cả tội giết người, phải xử phạt thật nặng, phán tội đại nghịch bất đạo.
          Để chấp hành ý chỉ tăng cường ổn định xã hội của Vũ Đế, Công Tôn Hoằng đem hết sức mình, nghĩ ra lí do đường đường chính phái đó.
          Như thế, Quách Giải một đời du hiệp cuối cùng bị xử tử hình.
          Tin tức truyền ra, Tư Mã Thiên kinh ngạc không thôi. Sách vở mà Tư Mã Thiên đọc trước đây đối với du hiệp thời Xuân Thu Chiến Quốc phát sinh lòng ngưỡng mộ, hơn nữa lại gặp qua du hiệp Quách Giải, trong lòng ông cho rằng Quách Giải chính như là kẻ sĩ hiệp nghĩa thời cổ. Hiện tại, Quách Giải rơi vào kết cục thân một nơi đầu một nẻo, điều đó khiến Tư Mã Thiên trong lòng nảy sinh đồng tình, tâm tình phức tạp khó mà bày tỏ. Ông cảm thấy, thời đại du hiệp, theo cái chết của Quách Giải đã một đi không trở lại.
          Sự đồng tình đối với Quách Giải mãi đến nhiều năm sau vẫn còn lưu lại trong lòng Tư Mã Thiên. Khi ông viết Sử kí 史记, có viết thiên Du hiệp liệt truyện 游侠列传, thuật lại cuộc đời sự tích của du hiệp như Quách Giải, gởi gắm vào đó những cảm khái sâu sắc của ông.
          Về quân sự, Vũ Đế áp dụng những biện pháp có sức mạnh, đối với cách nhẫn nhượng dân tộc thiểu số phương bắc của thời Văn Cảnh ông rất không hài lòng, quyết tâm làm quốc lực và quân lực lớn mạnh, ổn định biên cảnh phía bắc. Năm 134 trước công nguyên, cũng chính là năm Tư Mã Thiên 12 tuổi, Hán Vũ Đế điều binh khiển tướng, mệnh lệnh Lí Quảng 李广 lấy thân phận Kiêu kị tướng quân 骁骑将军đem binh đồn trú Vân Trung 云中, mệnh lệnh Trình Bất Thức 程不识 lấy thân phận Xa kị tướng quân 车骑将军 đem binh đồn trú ở Nhạn Môn 雁门, trấn giữ 2 yếu đạo quan ải lớn phía bắc.
          Qua một năm, Vũ Đế tiếp nhận kiến nghị của Đại thần Vương Khôi 王恢, phái Hàn An Quốc 韩安国, Lí Quảng李广, Công Tôn Hạ 公孙贺 thống lĩnh 30 vạn quân đội phục kích Hung Nô tại Mã Ấp 马邑. Kết quả bị Hung Nô phát giác lén rút lui, quân Hán đành phải vô công mà quay về. Vũ Đế quả thực nóng lòng muốn được thắng lợi nhanh chóng, đem thất lợi quân sự lần đó quy tội cho Vương Khôi, bắt Vương Khôi giam vào ngục, Chẳng bao lâu sau, Vương Khôi chết trong ngục. Lần xuất binh đó vô công mà trở về, càng khiến Vũ Đế cảm thấy sự quan trọng phải làm cho quân bị lớn mạnh, đồng thời tăng cường quyền lãnh đạo tuyệt đối đối với quân đội.
          Khu vực dân tộc thiểu số phía tây nam cũng rất không ổn định, Vũ Đế dùng biện pháp là phái văn học gia Tư Mã Tương Như 司马相如 đến Ba Thục 巴蜀 vỗ yên lòng dân, thu được hiệu quả tốt đẹp.
          Trong đời sống cung đình, Hán Vũ Đế cũng dần thể hiện rõ thủ đoạn cánh tay thép cứng rắn. Ông phế truất Trần A Kiều 陈阿娇 nguyên vốn là hoàng hậu, lập Vệ Tử Phu 卫子夫làm hoàng hậu. Trần A Kiều là chị họ của Hán Vũ Đế, mẫu thân của A Kiều - Quán Đào Trần công chúa 馆陶陈公主  là cô ruột của Vũ Đế. Hán Vũ Đế từ nhỏ thích Trần A Kiều, từng nói với người cô rằng:
          - Nếu cô gả cho A Kiều, cháu sẽ nhất định lấy vàng xây một toà nhà cho A Kiều ở.
         Đây chính là lai lịch của thành ngữ “kim ốc tàng Kiều” 金屋藏娇. Trần A Kiều làm hoàng hậu, đã mấy năm mà không sinh con. Còn Vệ Tử Phu xuất thân thấp kém vốn là ca vũ kĩ lại sinh cho Vũ Đế một con trai khi ông 29 tuổi, nhân đó mà được sủng ái. Em trai là Vệ Thanh 卫青, cháu gọi bằng dì là Hoắc Khứ Bệnh 霍去病 cũng được Vũ Đế trọng dụng, dần nắm giữ đại quyền quân sự của Đại Hán.
          Cả nhà Tư Mã Thiên dọn đến Mã Lăng được 7, 8 năm, xã hội phát sinh nhiều sự kiện trọng đại to lớn, có thể gọi là gió giục mây vần. Xã hội phong vân biến đổi, điều đó có ảnh hưởng cực lớn đối với sự trưởng thành của Tư Mã Thiên.
                                                                                           (còn tiếp)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 24/12/2019

Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
 Tác giả: Đặng Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post