Dịch thuật: Vãn Thanh danh y Tôn Trung Sơn



VÃN THANH DANH Y TÔN TRUNG SƠN

Quốc phụ Tôn Trung Sơn 孫中山của Trung Hoa Dân Quốc được mọi người gọi là “Tôn Dật Tiên bác sĩ” 孫逸仙博士, kì thực ông chưa từng có học vị Bác sĩ, gọi ông là Bác sĩ hoàn toàn là lấy ngoa truyền ngoa.
          Tôn Trung Sơn vốn tên là Tôn Văn 孫文, sinh năm 1866 tại thôn Thuý Đình 翠亭, huyện Hương Sơn 香山 (nay là thành phố Trung Sơn 中山) tỉnh Quảng Đông 廣東, tự Đức Minh 德明, hiệu Nhật Tân 日新, Dật Tiên 逸仙. Khi lưu vong tại Nhật Bản, từng có tên giả là “Trung Sơn Tiều” 中山樵 được nhiều người biết, cho nên người đời gọi ông là “Trung Sơn tiên sinh” 中山先生.
          Năm 1879, được trưởng huynh Tôn Mi 孫眉 ở Đàn Hương Sơn 檀香山(Honolulu – ND) tiếp tế, Tôn Trung Sơn 14 tuổi cùng mẹ ngồi thuyền đến Đàn Hương Sơn 檀香山 ở Hạ Uy Di 夏威夷 (Hawaii – ND). Lần đầu tiên thấy được “biển rộng mênh mông, tàu thuyền kì lạ”. Sau khi đến Đàn Hương Sơn, Tôn Trung Sơn bước vào tiếu học “Ý Áo Lan Ni thư viện” 意奧蘭尼書院  (Iolani School – ND) do giáo hội Anh quốc nơi đó sáng lập, dùng tiếng Anh truyền dạy, năm 1881 sau khi tốt nghiệp nơi đó, Tôn Trung Sơn lại bước vào học phủ tối cao, “Áo A Hồ học viện” 奧阿胡學院  (University of Hawaii–West Oahu  - ND) của giáo hội Mĩ quốc (tương đương với trung học), tiếp tục việc học.
          Lúc học ở Đàn Hương Sơn, trong nông trường của trưởng huynh Tôn Mi có một ngôi Phật đường, tại nơi này Tôn Trung Sơn thấy những công nhân Trung Quốc đau bệnh, không đi tìm thầy thuốc mà chỉ quỳ trước tượng Quan Đế khấn cầu xin được xua đuổi ma quỷ trừ bệnh. Tôn Trung Sơn rất giận, không nhẫn được, nói rằng:
          - Các anh có bệnh đi tìm thấy thuốc mới phải, uống trà thấn, tro lư hương thì làm sao trị khỏi bệnh?
          Tại Đàn Hương Sơn có một vị thầy họ Đỗ , người Thuận Đức 順德 Quảng Đông 廣東, Tôn Trung Sơn thường đến thỉnh giáo học vấn. Thấy trong nhà thầy có nhiều sách về y học, hỏi nguyên nhân. Thầy Đỗ nói rằng:
          - Phạm Văn Chính 范文正 thời Bắc Tống từng nói: “Bất vi lương tướng, đương vi lương y” 不為良相當為良醫 (không làm tướng giỏi thì làm thầy thuốc giỏi). Ta sùng bái ông ấy, cũng học làm thầy thuốc.
          Tôn Trung Sơn cảm thấy làm không nỗi lương tướng làm lương y, điều đó cũng không thoả đáng, có thể là khởi đầu làm từ lương y. Đương thời, y thuật tiên tiến của tây y đã truyền vào Trung Quốc, thế là Tôn Trung Sơn kiên định một lòng học tập tây y.
          Mùa thu năm 1886, Tôn Trung Sơn vào học y tại Quảng Châu Bác Tế Y Học Đường 廣州博濟醫學堂; tháng 9 năm 1887 chuyển đến Hương Cảng Tây Y Học Viện 香港西醫學院. Tháng 7 năm 1892 Tôn Trung Sơn 26 tuổi tốt nghiệp tại Hương Cảng Tây Y Học Viện. thành tích đứng đầu toàn trường, do Giáo vụ trưởng Khang Đắc Lê bác sĩ 康得黎博士phát chứng nhận tốt nghiệp. Năm đó, tốt nghiệp sinh chỉ có 2 người (tháng 10 năm 1887, vào học tại Hương Cảng Tây Y Học Viện đồng thời với Tôn Trung Sơn tổng cộng có 13 người, trải qua chọn lọc đào thải, đến năm thứ 5 chỉ có 4 người đủ tư cách tham gia thi tốt nghiệp, kết quả chỉ còn lại 2 người là Tôn Trung Sơn và Giang Anh Hoa 江英華thi đỗ, Tôn Trung Sơn đỗ đầu).
          Hương Cảng Tây Y Học Viện là tiền thân của Hương Cảng Đại Học 香港大學. Hương Cảng Đại Học xem Tôn Trung Sơn là tốt nghiệp sinh khoá đầu tiên, đồng thời bảo tồn quyển thi tròn điểm của ông, tại Hà Hoa trì 荷花池 dựng tượng đồng Quốc phụ, để người đời sau đến chiêm ngưỡng. Sau này khi Tôn Trung Sơn về thăm lại trường từng nói qua: “Hương Cảng Đại học là nơi sinh ra tri thức của tôi”.
          Chúng tôi từng xem qua nhiều những văn chương và trứ tác về giai đoạn lịch sử này của Tôn Trung Sơn, phát hiện trong những tự thuật, đại đa số đều tránh nói đến vấn đề “học vị” của Tôn Trung Sơn. Quả thực trước giờ Tôn Trung Sơn chưa từng có qua học vị Y học bác sĩ, chỉ là tốt nghiệp sinh bản khoa của Hương Cảng Tây Y Học Viện mà thôi. Bác sĩ đầu hàm 博士頭銜 (1) của ông thì 10 có đến 8, 9 dịch nhầm chữ Dr (y sinh 醫生 = thầy thuốc) mà ra. Xưng vị “Tôn Dật Tiên Bác sĩ” lưu hành mấy chục năm trong và ngoài nước, tất cũng đa phần chỉ “y sinh” 醫生 (thầy thuốc – ND) kiêm ý kính ngưỡng.
          Mặc dù chưa từng có qua học vị Bác sĩ, nhưng Tôn Trung Sơn vẫn không mất đi tiếng tăm là một danh y thời vãn Thanh. Câu chuyện hành y của ông có không ít, y đức của ông lại càng được mọi người ghi tạc.
          Do bởi Hương Cảng Tây Y Học Viện mà Tôn Trung Sơn tốt nghiệp đương thời chưa được Cảng phủ lập hồ sơ xác nhận, do đó mà Tôn Trung Sơn không có được quyền hành nghề y ở Hương Cảng, đành hành nghề tại Áo Môn 澳門, Quảng Châu 廣州. Có một lần, lúc Tôn Trung Sơn hãy còn học ở Hương Cảng Tây Y Học Viện khi về quê nhà, trên đường đi qua Áo Môn, trong nhà của thân sĩ Tào Tử Cơ 曹子基 nơi đó có người bệnh đã lâu mà chưa khỏi, qua tay Tôn Trung Sơn chữa trị liền hồi phục, thế là, danh tiếng của Tôn Trung Sơn bắt đầu lưu truyền tại Áo Môn. Đến khi Tôn Trung Sơn tốt nghiệp, thân sĩ ở Áo Môn tiến cử ông đến Kính Hồ Y Viện 镜湖醫院 làm Y sư. Tháng 12 năm đó, Tôn Trung Sở mở Trung Tây dược cục 中西藥局 tại Áo Môn, một mình đơn độc hành nghề y. Chưa đến 3 tháng mà “thanh danh thước khởi” 聲名鵲起 (2), “hộ hạn vi xuyên” 戶限為穿 (3).
          Tôn Trung Sơn hành y thành công, bị một thầy thuốc người Bồ Đào Nha đố kị và bài xích. Tôn Trung Sơn bị bức phải đổi đến Quảng Châu hành nghề.
          Tôn Trung Sơn y đức cao thượng, đối với bách tính cùng khổ luôn có lòng nhân ái. Lúc hành nghề tại Kính Hồ Y Viện ở Áo Môn và sau này tại Quảng Châu, ông đều cho đăng quảng cáo, nói rõ hàng ngày buổi sáng từ 10 đến 12 giờ là thời gian “nghĩa chẩn”, không lấy tiền. Đương thời có đứa cháu của một ông lão bị bệnh nặng, do vì không có tiền chữa trị mà không biết phải làm thế nào, Tôn Trung Sơn đã không lấy tiền chẩn bệnh, tiền thuốc, mà còn phẫu thuật cho đứa bé, lấy ra được một viên kết thạch nặng khoảng 1 lượng 7 tiền, khiến đưa bé  trừ được nỗi lo.
          Trong một thời gian ngắn hành nghề chữa bệnh tư, Tôn Trung Sơn rất chú trọng việc truyền bá tư tưởng, cách nhìn tiên tiến, không quên giúp dân làng phá trừ mê tín, lấy quan niệm khoa học hoằng dương y học. Năm 1892, tại thôn Thuý Đình 翠亭 (nơi sinh của Tôn Trung Sơn), vợ của Lục Đàn Sinh 陸檀生 khó sinh, cả ngày cả đêm khó ở, bà mụ cũng bó tay không có cách, tình thế vô cùng nguy cấp. Sau khi Tôn Trung Sơn biết được, liền đến ngay nhà họ Lục, giúp sản phụ sinh. Nhưng lúc bấy giờ dân trí chưa khai, người của Lục gia cho rằng đàn ông giúp sản phụ sinh, sẽ mang lại cho cả nhà vận xui, thế là ngăn trở, nói cách nào cũng không để ông giúp sản phụ sinh.
          Tôn Trung Sơn kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu, khuyên họ đồng tình, cuối cùng làm thủ thuật cho sản phụ thành công, cả mẹ và con đều được bình an, đại hỉ sự. Cùng năm đó, vợ của Trình Hán Chương 程漢章 trấn Nam Lãng 南朗  huyện Hương Sơn 香山 cũng khó sinh, tình huống cũng rất nguy cấp, Tôn Trung Sơn nghe tin liền đến Trình gia, kịp thời làm thủ thuật cho sản phụ, cuối cùng dùng y cụ kẹp thái dương của bé, sản phụ sinh một cách thuận lợi, mẹ con đều được bình an. Thông qua những hoạt động hành nghề y, Tôn Trung Sơn hiểu được tình hình thực tế của xã hội, ông nhận thức được phải cứu dân ra khỏi nước
lửa ngu muội, là thay đổi con đường lạc hậu mà Trung Quốc cần phải đi.
          Tôn Trung Sơn không chỉ có y phong và y đức cao thượng, mà còn có y  thuật tinh thâm. Đương thời nơi thôn Tiền Sơn 前山, có một người tên Nguỵ Hằng 魏恒bị bệnh trĩ đã hơn 20 năm, tìm thấy các nơi nhưng không thể trị khỏi, đau khổ vô cùng. Sau khi được Tôn Trung Sơn chữa trị, chưa đến 7 ngày bệnh đã khỏi. “Kính Hải tùng báo” 鏡海叢報 của Áo Môn ngày 25 tháng 7 năm 1893 đã đăng bài “Thần hồ kì kĩ” 神乎其技, xưng tán Tôn Trung Sơn y thuật cao minh, “bất quá thất nhật chi công” 不過七日之功 (chữa trị chưa đến 7 ngày) mà trị khỏi người bị bệnh trĩ đã hơn 20 năm. Danh tiếng của Tôn Trung Sơn càng lớn, người trong làng lũ lượt đến xin Tôn Trung Sơn trị bệnh, “có người bệnh gan mười mấy năm, có người bệnh não mấy chục năm, có người bị khạc ra máu hơn 60 năm, tất cả đều có công hiệu thần tốc.
          Trong năm đó, “Kính Hải tùng báo” 鏡海叢報còn dùng chuyên mục “Kính hồ diệu thái”  鏡湖耀彩 đăng tải 6 chứng bệnh mà Tôn Trung Sơn trị khỏi, ca tụng y thuật cao minh. Dư luận khen y đức của ông:
          Sổ nguyệt bệnh nguyên, nhất triêu đốn thất. Phục Hà tiên sinh tế thế chi hoài, khinh tài trọng nghĩa, dược kim bất thụ, lễ vật nhưng từ.
          數月病源一朝頓失復荷先生濟世之懷輕財重義藥金不受禮物仍辭
          (Bệnh lâu mấy tháng, trong một sớm đã khỏi. Gây dựng lại hoài bão giúp đời của Hà tiên sinh, khinh tài trọng nghĩa, tiền thuốc không lấy, lễ vật cũng từ.)
          Những nhân sĩ có tiếng ở Áo Môn như Trần Tịch Nhu 陳席儒, Ngô Tiết Vi 吳節微, Tống Tử Hành 宋子衡, Hà Tuệ Điền 何穗田, Tào tử Cơ 曹子基 đã liên danh đăng trên báo 2 lần quảng cáo “Xuân mãn Kính hồ” 春滿鏡湖, giới thiệu tình huống hành nghề y của Tôn Trung Sơn, cùng y đức cao thượng của ông.
          Do bởi Tôn Trung Sơn thường “nghĩa chẩn” hoặc không thu dược phí, mặc dù người đến xin chữa trị tấp nập, trước sân huyên náo, y quán của Tôn Trung Sơn vẫn thu không đủ chi, nhưng đổi lại người bệnh và gia thuộc đều khen ngợi. Sau mấy năm hành nghề y, Tôn Trung Sơn tiến thêm một bước nhận thức rằng đối với Trung Quốc nạn tai trầm trọng mà nói, “y thuật cứu nhân, sở tế hữu hạn” 醫術救人, 所濟有限 (y thuật cứu người, nhưng cứu được lại có hạn chế), cho nên ông quyết định “tá y thuật vi nhập thế chi mưu” 借醫術為入世之謀 (mượn y thuật làm kế để nhập thế), theo hoạt động cách mạng.

Chú của người dịch
1- Bác sĩ đầu hàm 博士頭銜: đó là trước họ tên thêm 2 chữ “Dr”.
           Dr: viết tắt của chữ Doctor
Nếu là medical doctor hay (M.D.) thì dịch là bác sĩ. Nếu chỉ học vị của người có bằng Ph.D. (Doctor of Philosophy) hay Sc.D. (Doctor of Science=Tiến sĩ Khoa học), thì các từ điển thường dịch là Tiến sĩ. 
Chúng ta hiện nay hiểu từ “bác sĩ” là thầy thuốc. Trong tiếng Trung, “Bác sĩ” là một học vị, tương ứng với ta là “Tiến sĩ”.
2- Thanh danh thước khởi 聲名鵲起: hình dung danh tiếng đột nhiên vang dội, được nhiều người biết đến.
3- Hộ hạn vi xuyên 戶限為穿: “hộ hạn” là ngạch cửa, ngạch cửa bị giẫm đạp hư hỏng, hình dung người vào ra rất đông.
         
                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 01/11/2019

Nguồn
ĐẠI THANH VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH NA TA BÍ SỬ THÚ VĂN
大清王朝的那些秘史趣聞
Tác giả: Lưu Kế Hưng 劉繼興
Tinh Quán xuất bản hữu hạn công ti, 2016
Previous Post Next Post