Dịch thuật: Hỉ thần truyền thuyết - Hỉ thần Trụ Vương

HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT
HỈ THẦN TRỤ VƯƠNG

          Thời cổ, giờ phút giở khăn trùm đầu của cô dâu, luôn là giờ phút cô dâu chú rể lần đầu tiên tương kiến. Chú rể dùng một thanh cây từ từ nhẹ nhàng giỏ khăn trùm đầu đỏ của cô dâu, dưới khăn đó là khuôn mặt của người vợ mà anh ta sẽ nắm tay nhau cùng chung sống.
          Đó là tập tục trong lễ cưới dân gian Trung Quốc, đặc biệt là lễ cưới thời cổ. Ngày cô dâu xuất giá, không những phải đội hoa khoác áo đỏ ngồi kiệu, mà trên đầu còn trùm lên một chiếc khăn màu đỏ để bảo vệ cô dâu bình an nhập động phòng.
          Tục này đã có từ rất lâu. Sớm nhất là vào thời Đường Tống, tập tục đó đã lưu hành rất rộng. Đỗ Hựu 杜佑 đời Đường trong Thông điển 通典, Ngô Tự Mục 吴自牧 đời Tống trong Mộng lương lục 梦粱录 đều có ghi chép về việc giở khăn trùm đầu của cô dâu lúc động phòng. Chu Thức 朱轼 đời Thanh trong Lễ nghi tiết lược 礼仪节略 cũng đã thuật lại một cách rõ ràng về hình chế của khăn trùm đầu dân gian. Khăn trùm đầu đa phần dùng một tấm lụa màu đỏ khoảng 4, 5 xích chế thành, 4 góc của khăn có buộc tiền đồng hoặc vật trang sức khác. Trước khi cô dâu lên kiệu hoa phải trùm khăn này lên đầu, 4 góc của khăn trĩu xuống, che toàn bộ khuôn mặt, đến sau khi bái đường mới do người khác dùng thanh gỗ gỡ xuống để lộ chân dung.
          Cô dâu khi xuất giá tại sao phải đội khăn trùm đầu? theo truyền thuyết việc đó có liên quan Hỉ thần Trụ Vương 喜神纣王, trong đó còn có một câu chuyện thú vị. Tương truyền, khi Khương Tử Nha 姜子牙 phụng mệnh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn 元始天尊 đăng đàn điểm tướng phong thần, phong Trụ Vương là Hỉ thần, chuyên quản việc hôn nhân ở nhân gian, nhà ai kết hôn đều phải mời Trụ Vương tống hỉ, đại khái đó là nhân vì Trụ Vương háo nữ sắc. Nhưng Trụ Vương làm Hỉ thần lại không sửa đổi bệnh háo sắc của mình. Khi Trụ Vương đi tống hỉ, nhìn thấy cô dâu nào xinh đẹp liền đoạt lấy đem về làm vợ bé. Bách tính vô cùng giận, nhưng cưới dâu không thể không mời Hỉ thần. Mọi người không biết làm sao, đành cầu xin Khương Tử Nha tìm cách giúp. Khương Tử Nha bảo mọi người rằng: cho cô dâu đội khăn trùm đầu màu đỏ, khi cô dâu vừa bước vào cửa thì đốt pháo lên. Mọi người làm theo, quả nhiên Trụ Vương vừa thấy cô dâu đội khăn trùm đầu màu đỏ, lại vừa nghe tiếng pháo liền hoảng sợ vội cưỡi mây về trời.
          Hoá ra, khi Vũ Vương phạt Trụ đã giương đại hồng kì tiến vào đô thành của Trụ Vương, Trụ Vương sau khi chết, đầu của Trụ Vương bị treo lên ngọn cờ. Còn khi quân hai bên giao chiến, Trụ Vương bị roi thần của Khương Tử Nha đánh, cho nên khi Trụ Vương thấy khăn trùm đầu màu đỏ, nghe tiếng pháo nổ tưởng đó là Khương tử Nha giương cờ tới, dùng roi thần đánh, sợ hãi chạy mất. Nhân đó, về sau khi cưới vợ, mọi người đều cho cô dâu đội khăn trùm đầu màu đỏ, lại đốt một dây pháo dài xua đuổi Trụ Vương, để cô dâu được đón về nhà bình an. Lâu dần, khăn trùm đầu đỏ trở thành bùa hộ thân của cô dâu, đó là câu chuyện mà bách tính khiên cưỡng gán ghép.
          Các nhà Dân tục học cho rằng tập tục đội khăn trùm đầu đỏ của cô dâu có nguồn gốc từ truyền thuyết dân gian cổ xưa. Vương Việp 王晔 đời Nguyên căn cứ vàò một số lượng lớn truyền thuyết đã viết vở tạp kịch Phá âm dương bát quái Đào hoa nữ 破阴阳八卦桃花女, đối với các nghi thức trong hôn lễ dân gian thời Tống Nguyên, lai lịch của tập tục và cấm kị cùng ý nghĩa của nó đều được miêu tả tỉ mỉ.
          Chu Càn 周乾 mở một tiệm bói toán để sinh sống, rất giỏi xem quẻ, chiêm bốc linh nghiệm, mọi người gọi ông là Chu Công 周公. Nhưng chiêm thuật của ông nhiều lần bị Đào hoa nữ 桃花女 phá hoại, Chu Công bèn lập kế hãm hại Đào hoa nữ, giả thác là con của mình đến cầu hôn Đào hoa nữ. Đào hoa nữ tương kế tựu kế, bằng lòng hôn sự. Chu Công cố ý chọn ngày hung để nghinh hôn, lại bố trí các hung thần ác sát biến thành những cọc gỗ, đá lạ ngồi bên đường, đợi tập kích Đào hoa nữ. Đào hoa nữ sai người cầm một chiếc sàng đi trước Hỉ thần, tự mình dùng khăn đỏ trùm lên đầu rồi mới lên kiệu, lại dặn mọi người tống thân, trên đường gặp những cây cọc, đá lạ khả nghi, hãy lập tức dùng vải đỏ trùm lên. Hóa ra hung thần ác sát sợ những vật trấn áp như vải đỏ, cho nên không dám tiếp cận kiệu và cô dâu. Như vậy, Đào hoa nữ thuận lợi hoàn thành lễ bái đường thành thân, tiến nhập động phòng, cuối cùng khiến cha chồng đành bái thua cô dâu. Sự việc đó lan truyền ra, một số người muốn tổ chức hỉ sự nhưng lại sợ hung thần ác sát xâm tập, đã bắt chước theo biện pháp của Đào hoa nữ. Từ đó, cô dâu dùng khăn đỏ trùm đầu diễn hoá thành hôn tục lưu truyền trên đời.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                           Quy Nhơn 09/11/2019

Nguồn
HỈ THẦN TRUYỀN THUYẾT – TRỤ VƯƠNG HỈ THẦN
喜神传说 - 纣王喜神
Trong quyển
ĐỒ THUYẾT HỈ VĂN HOÁ
图说喜文化
Tác giả: Ân Vĩ 殷伟, Trình Kiến Cường 程建强
Bắc Kinh: Thanh Hoa đại học xuất bản xã, 2013


Previous Post Next Post