Dịch thuật: Chỉ trích nước Tần "khinh tội trọng hình" là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia ...

CHỈ TRÍCH NƯỚC TẦN “KHINH TỘI TRỌNG HÌNH”
LÀ LẤY RÂU ÔNG NỌ CẮM CẰM BÀ KIA,
LẤY NGOA TRUYỀN NGOA

          Mấy ngàn năm nay, chuyên gia văn nhân đều chỉ trích nước Tần là “khinh tội trọng hình” 轻罪重刑 (tội thì nhẹ mà hình phạt lại nặng), các chuyên gia đồng thanh dẫn dụng mấy câu làm chứng cứ:
Khí hôi vu công đạo giả đoạn kì thủ
弃灰于公道者断其手
(Người nào vất rác trên đường sẽ bị chặt tay)
Hành bất do lộ, vị chi gian nhân, gian nhân giả sát.
行不由路, 谓之奸人, 奸人者杀
(Người nào không đi theo đường đã có sẵn thì đó là kẻ gian, kẻ gian thì giết)
          Bách tính đi đường vất chút rác sẽ bị chặt tay, ra ngoài đi làm mà không đi trên đường đã có sẵn thì là kẻ gian, đó chẳng phải là “khinh tội trọng hình sao? Kì thực đó chỉ là “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, lấy ngoa truyền ngoa.
          Trong Hàn Phi Tử - Nội trừ thuyết 韩非子 - 内储说 có ghi:
          Khí hôi vu công đạo giả đoạn kì thủ弃灰于公道者断其手 là quy định của triều Thương. Đoạn văn này trong Hàn Phi Tử đại ý là:
Pháp luật triều Thương quy định, vất rác trên đường sẽ bị hình phạt chặt tay. Học trò của Khổng Tử là Tử Cống cho rằng xử phạt quá nặng bèn đi thỉnh giáo Khổng Tử. Tử Cống nói: “Vất rác trên đường là tội rất nhẹ, mà chặt tay của người là xử phạt quá nặng. Người xưa sao mà tàn khốc như thế?” Khổng Tử đáp rằng: “Không vất rác trên đường là việc dễ làm được, còn bị chặt tay là cách xử phạt mà mọi người rất sợ. Người xưa cho rằng, để bách tính làm việc dễ, tránh cách xử phạt đáng sợ, là biện pháp dễ làm được, cho nên chế định  pháp luật như vậy mà thi hành. (1)
          Căn cứ vào đoạn văn trong Hàn Phi Tử chúng ta biết rằng “Khí hôi vu công đạo giả đoạn kì thủ” không phải là pháp luật của đế quốc Tần, sớm vào thời kì Ân Thương đã thi hành, dựa theo câu đó mà phê bình đế quốc Tần nghiêm hình tuấn pháp là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.
          Trong Thuyết uyển – Chỉ vũ 说苑 - 指武 của Lưu Hướng 刘向 thời Tây Hán có ghi chép “Hành bất do lộ, vị chi gian nhân, gian nhân giả sát”, không phải là pháp luật của đế quốc Tần, mà là quy định trong Lí Pháp 理法 của thời Hoàng Đế 黄帝 3000 năm trước công nguyên: đi đường mà không đi theo con đường đã hiện thành thì bị xem là kẻ gian xử tội chết.
          Khảo sát “Vân Mộng Tần giản” 云梦秦简, chúng ta biết, pháp luật nước Tần không có “khinh tội trọng phạt”, so với pháp luật các nước khác cùng thời thì nó công bằng hợp lí tương đối khoan nhân.
          Ví dụ, đối với bách tính phạm tội mà nói, thời đại đó trộm cắp là là đại tội chỉ sau giết người. Điều mà gọi là “Vương giả chi chính, mạc cấp vu đạo tặc” 王者之政莫急于盗贼. “Đạo” chính là trộm cắp, “tặc” chính là giết người, câu đó có nghĩa là, trị lí bách tính, việc mà quan trọng cấp thiết nhất chính là nghiêm trừng trộm cắp và giết người. Cho nên thiên đầu tiên trong Pháp kinh 法经 của Lí Khôi 李悝 chính là Đạo pháp 盗法, thiên thứ 2 là Tặc pháp 贼法. Đối với việc xử phạt trộm cắp vô cùng nghiêm khắc: “thập di giả tẫn” 拾遗者膑, nhặt đồ của người khác đánh rơi trên đường sẽ bị phán xử khốc hình khoét xương đầu gối, Lí Khôi giải thích là bởi người đó đã nảy sinh “đạo tâm”  盗心chiếm lấy đồ của người khác làm của mình.
          Cùng thời đại, trong Thập nhị đồng biểu pháp 十二铜法表 của Cổ La Mã mà dân nghèo tham gia chế định, đối với việc trộm cắp mùa màng của người khác, hoặc để cho vật nuôi của mình ăn cỏ của người khác dùng để chăn nuôi thì bị xử tử hình.
          Còn Tần luật, đối với tội phạm trộm cắp từ 660 tiền trở xuống, chỉ bị thích chữ lên mặt sau đó cho đi lao dịch. 660 tiền tương đương với tiền công thu nhập 4 tháng của đàn ông tráng niên, số tiền phạm tội cao hơn “thập di giả” 拾遗者 và “đạo mục giả” 盗牧者 nhưng xử phạt lại nhẹ hơn Pháp kinh 法经của Lí Khôi nước Sở và Thập nhị đồng biểu pháp十二铜法表  của Cổ La Mã.
          Hơn nữa, pháp luật nước Tần cũng không giống sự trừng phạt Khí hôi vu công đạo giả đoạn kì thủ弃灰于公道者断其手 để hi vọng chặn đứng phạm tội, mà là xem xét kĩ tội phạt tương đương, việc đã qua không chỉ trích.
          Như ở “Pháp luật vấn đáp” trong “Vân Mộng Tần giản” có nói đến một vụ án kiện: Có một người trước lúc lệnh đại xá ban hành đã lấy trộm 1000 tiền, sau khi phát bố đại xá mới bị bắt, hỏi rằng đối với tội phạm như thế phải xử phạt như thế nào? Quan tư pháp của đế quốc Tần giải thích là: “bất dữ xử phạt” 不予处罚 (không xử phạt).
          Đồng thời pháp luật nước Tần cũng không hề muốn tìm cách để phạt nặng tội phạm.
          Ví dụ như trong Thuỵ Hổ Địa Tần mộ trúc giản - pháp luật vấn đáp 睡虎地秦墓竹简 - 法律问答 có ghi lại một vụ án kiện: tội phạm A lấy trộm một con dê, sợi dây để dắt dê trị giá 1 tiền, hỏi có phải tính giá trị sợi dây vào số kim ngạch phạm tội để lượng hình phạt? Quan tư pháp giải thích là: do bởi mục đích mà tội phạm A phạm phải là lấy trộm dê, sợi dây chỉ là vật dùng để dẫn con dê, nhân đó không nên tính vào số kim ngạch phạm tội để lượng hình phạt.
          Sự tình rất rõ ràng, pháp luật nước Tần là công bằng hợp lí, nghiêm khắc khoan dung thoả đáng, phê bình nước Tần “khinh tội trọng phạt” là bạo chính, quả thực là lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, là nói liều.

Phụ lục của người dịch
          Ân chi pháp, khí hôi vu công đạo giả đoạn kì thủ. Tử Cống viết: “Khí hôi chi tội khinh, đoạn thủ chi phạt trọng, cổ nhân hà thái nghị dã?” Viết: “Vô khí hôi, sở dị dã; đoạn thủ, sở ố dã. Hành sở dị, bất quan sở ố, cổ nhân dĩ vi dị, cố hành chi”.
          殷之法, 弃灰于公道者断其手. 子贡曰: 弃灰之罪轻, 断手之罚重, 古人何太毅也? : “无弃灰, 所易也; 断手, 所恶也. 行所易, 不关所恶, 古人以为易, 故行之.
          (Hàn Phi Tử - Nội trừ thuyết thượng 韩非子 - 内储说上)
          (“Hàn Phi Tử hiệu chú” 韩非子校注 Trương Giác 张角 hiệu chú)

                                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 23/10/2019

Nguồn


Previous Post Next Post