Dịch thuật: "Tứ khoa" của Khổng môn là gì

“TỨ KHOA” CỦA KHỔNG MÔN LÀ GÌ

          Giáo dục của Khổng Tử 孔子, đại để chia làm 4 phương diện, trong Luận ngữ 论语ghi rằng:
Tử dĩ tứ giáo: văn, hành, trung, tín
子以四教: , , ,
(Khổng Tử dạy 4 điều: văn, hành, trung, tín)
          “Văn” chỉ tri thức học vấn. Đương niên Khổng tử lấy Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu làm sách giáo khoa, truyền dạy cho đệ tử tri thức về chính trị, triết học, lịch sử, văn nghệ.
          “Hành” chỉ sức làm của bản thân. Khổng Tử yêu cầu các đệ tử đem học vấn đạo đức mà ông đã truyền dạy áp dụng vào thực tiễn, đồng thời từ trong thực tiễn mà lĩnh hội, làm tăng trưởng học vấn. Bởi vì hạt nhân giáo dục của Khổng Tử là làm người, nhân đó Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh tác dụng của “hành”, cho rằng học vấn chỉ có đầy đủ ở hành động của chính mình, mới là học vấn chân chính, điều mà gọi là:
Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hĩ nhân.
巧言令色, 鲜矣仁
(Lời nói khéo léo, sắc mặt giả vờ niềm nở, loại người đó ít có lòng nhân)
          “Trung” tức sự nghiêm túc, chân thật khi làm việc với người khác, điều mà gọi là:
Dữ nhân mưu nhi bất trung hồ
与人谋而不忠乎
(Cùng với người bàn tính công việc có thành thực nghiêm túc không)
          Đối tượng mà “trung” nói ở đây, không chi bao gồm cấp trên, mà bao gồm cả bạn bè. Khổng Tử giáo dục đệ tử cùng với người làm việc, chỉ có chân thành đối đãi với người, dốc toàn lực ra làm, mới có thể không hổ thẹn với lòng.
          “Tín”, chữ này trong Luận ngữ xuất hiện hơn 16 lần. Khổng Tử nói:
Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả
人而无信, 不知其可
(Người mà không có chữ tín, thì không biết làm sao làm được việc đây)
Ý nói một người mà không có chữ tín, quả thật không biết phải dùng anh ta như thế nào mới tốt đây. Có thể thấy, Khổng Tử cho rằng, “tín” là nguyên tắc căn bản để làm người.
          Người đời sau căn cứ vào nội dung dạy học của Khổng Tử, lại kết hợp hiệu quả dạy học thể hiện ở bản thân các đệ tử của Khổng Tử, đối với việc dạy học của Khổng Tử để xuất cách nói “tứ khoa” 四科, cũng tức là đem nội dung dạy học của Khổng Tử đại để phân ra làm 4 môn loại “đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn học”. Trong đó, đức hạnh chỉ việc tu đưỡng đạo đức, ngôn ngữ chỉ khẩu tài năng lực diễn thuyết, chính sự chỉ tài năng chính trị, văn học chỉ tài hoa văn học. Căn cứ ghi chép trong Luận ngữ - Tiên tiến 论语 - 先进, trong số các đệ tử,
Về phương diện đức hạnh biểu hiện tương đối cao có Nhan Uyên 颜渊, Mẫn Tử Khiên 闵子, Nhiễm Bá Ngưu 冉伯牛, Trọng Cung 仲弓.
Về phương diện ngôn ngữ có Tể Ngã 宰我, Tử Cống 子贡.
Về phương diện chính trị có 2 người là Nhiễm Hữu 冉有và Quý Lộ 季路.
Về phương văn học có Tử Du 子游 và Tử Hạ 子夏. Điều cần chỉ ra là, bản thân Khổng Tử chưa từng đưa ra sự phân loại khoa mục cụ thể. Sự thực, nội dung mà Khổng Tử truyền thụ so với “tứ khoa” rộng hơn nhiều.
          Thời Tuỳ, Thôi Di 崔颐 trong trứ tác Bát đại tứ khoa chí 八代四科志 của mình, lấy “tứ khoa” để phân loại nhân vật, cách nói “tứ khoa” được tiếp tục dùng đến nay.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 26/9/2019

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post