Dịch thuật: Bỉnh trì nguyên tắc, ô nê bất nhiễm (Thái căn đàm)



秉持原则   污泥不染
    势利纷华, 不近者为洁, 近之而不染者尤洁; 智械机巧, 不知者为高, 知之而不用者尤高.
                                                                   (菜根谭 - 自省克己)

BỈNH TRÌ NGUYÊN TẮC   Ô NÊ BẤT NHIỄM
         Thế lợi phân hoa, bất cận giả vi khiết, cận chi nhi bất nhiễm giả vưu khiết; Trí giới cơ xảo, bất tri giả vi cao, tri chi nhi bất dụng giả vưu cao.
                                                               (Thái căn đàm – Tự tỉnh khắc kỉ)

NẮM GIỮ NGUYÊN TẮC   KHÔNG VẤY BÙN NHƠ
          Đối mặt với những hành vi xấu xa đuổi theo danh lợi ở trên đời một cách hỗn loạn, người mà không tiếp cận nó là người có chí hướng cao khiết, còn người mà tiếp cận nhưng không bị nhiễm lại là người có phẩm chất càng cao thượng. Đối mặt với những thủ đoạn gian xảo kế mưu quyền thuật, người mà không biết nó đương nhiên là cao thượng, còn người mà biết nhưng không dùng những thủ đoạn đó lại càng cao thượng đáng quý.

Giải thích và phân tích
          Thế sự phồn hoa hỗn loạn, chỉ có danh lợi quyền thế mới khiến con người hoa mắt thậm chí mất đi bản ngã. Theo đuổi danh lợi một cách thích đáng vốn không phải là việc xấu, nhưng thủ đoạn xu viêm phụ thế không biết lựa chọn lại là một sự sỉ nhục, thậm ô trọc. Trong quá trình đó, nếu lập thân xử thế không thể ở vào cảnh giới cao một chút, mà chỉ giống như rũ áo trong không trung đầy bụi, rửa chân trong vũng nước dơ bẩn thì rất khó mà siêu phàm thoát tục để thân tâm của mình an lạc vui vẻ.
          Chúng ta không thể bắt phồn hoa dừng lại, càng không thể ngăn người khác để họ rời xa danh lợi, nhưng chúng ta có thể lựa chọn bắt đầu từ tâm, trong thế gian ồn ào huyên náo này, giữ thân trong sạch, bảo trì được nội tâm cao quý. Có như vậy mới được như một cành hoa sen  mọc lên từ bùn lầy mà không vấy bẩn, tắm gội trong sóng nước trong mà không có vẻ lả lơi. Thế lực phồn hoa không đổi, không quá gần gũi thì có thể giữ được sự trong sáng của tâm cảnh; cơ xảo trong tâm không dùng vào chỗ tục vụ nhân sự, mà dùng vào nơi học thuật nghệ đạo, thì có thể đạt đến mức rất thanh nhã. Đó là triết học xử thế và phép tắc lập thân tự mình giữ lấy mình. Cao nhân chân chính luôn nắm giữ phép tắc lập thân này, lấy tâm xuất thế mà cấy cày sự nghiệp nhân thế, mới khiến cho đức nghiệp và sự nghiệp không rời xa.
          Cuối đời Tống đầu đời Nguyên, học giả Hứa Hành 许衡 lúc còn trẻ do bởi thông minh chăm chỉ, khắc kỉ tự đưa mình vào kỉ luật nên rất nổi tiếng trong vùng. Một ngày mùa hạ nọ, khi mặt trời nóng gay gắt trên đầu, Hứa Hành một mình đi đường, do bởi đi một thời gian dài, mố hôi ra ướt cả áo, miệng khô lưỡi khát. Lúc bấy giờ Hứa Hành nhìn thấy mấy người đi buôn đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, những người đó cũng vừa nóng vừa khát, nhưng cũng không có nước.
         Đương lúc mọi người khát không chịu nỗi, có một người từ xa đi tới, ôm một mớ lê trong lòng, anh ta bảo rằng:
          - Phía trước có cây lê, mọi người mau đến đó hái ăn giải khát.
          Mọi người nghe qua, vội thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi hái. Duy chỉ có hứa Hành không có bất kì động tác gì.
          Có một người đi buôn trong lòng cảm thấy hiếu kì, bèn đến hỏi Hứa Hành:
          - Sao anh ngây ra đó? Không đi hái sẽ bị chúng tôi hái hết đấy.
          Hứa Hành từ tốn hỏi rằng:
          - Chủ nhân cây lê có ở đó không?
          Người đi buôn nói rằng:
          - Chủ nhân không có ở đó, nhưng trời nóng như thế này, hái vài trái ăn giải khát cũng không có vấn đề gì to lớn đâu.
          Hứa Hành nghiêm túc nói:
          - Cây lê hiện không có chủ nhân canh giữ, lẽ nào tâm của chúng ta cũng không có sự ước thúc? Tâm của tôi có sự ước thúc, không phải là một món đố, hơn nữa không được chủ nhân cho phép, tôi tuyệt đối không đi.
          Nhóm người đi buôn không hiểu được Hứa Hành, chê anh ta là người ngốc, không hiểu lẽ biến thông. Họ tranh nhau đi hái, Hứa Hành trông thấy cảnh đó, không biết làm sao đành bỏ đi, anh ta chịu nóng nhịn khát tiếp tục lên đường.
          Rất nhiều sự việc trong cuộc sống thường từ những chỗ nhỏ nhặt thể hiện ra được thế giới nội tâm của một con người. Trong sự việc nhỏ của Hứa Hành đã thể hiện ra một nội tâm cao quý luôn giữ nguyên tắc, đồng thời lấy tâm như thế làm học vấn, cho nên có thể được lưu danh trong sử sách. Con người cần có nguyên tắc sinh hoạt và làm việc, mới có thể giữ được sự cao khiết của nội tâm khi đạo đức và nhu cầu phát sinh xung đột. Con người phải luôn kiểm thảo hành vi của mình, tạo cho mình thước đo thân tâm, cho dù tại những thời khắc mấu chốt cũng không bị áp lực bởi ngoại cảnh, để phải buông thả sự tuân thủ đạo đức và phẩm đức. Điều này không chỉ là biểu hiện sự chú ý trong tiết tấu sinh hoạt bận rộn của nội tâm, mà đồng thời cũng là quá trình thực hiện giá trị của tự thân.
          Không nên rửa chân trong nước bẩn, cũng không nên tìm dũng khí trong đám người có tình cảnh không như mình, mà là cần nhìn thấy được một tương lai hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn đang chờ ta thực hiện. Người đối với bản thân mình có yêu cầu cao hơn, nhất định sẽ thành người ưu tú hơn. Người có nội tâm cao quý, có thể luôn yêu cầu bản thân kiên trì nguyên tắc, từ đó mà bảo đảm được một đời của mình luôn tiếp cận phương hướng của tâm. Nhân đó, nếu chúng ta muốn trở thành một người ưu tú, đầu tiên là trong tâm phải học được cách kiến tạo một thế giới không bị ngoại vật quấy nhiễu, ở đó có mục tiêu và chuẩn tắc đạo đức của ta, đồng thời lấy đó để quy phạm hành vi ngoại hoá, chỉ có đối với bản thân mình có yêu cầu cao hơn hoàn cảnh chung quanh, mới có thể “chúng nhân giai tuý ngã độc tỉnh” 众人皆醉我独醒 (mọi người đều say chỉ riêng mình ta tỉnh), giữ được tự ngã thanh tỉnh và lí trí.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 25/9/2019

Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post