Dịch thuật: Trung thu tiết (kì 4 - hết)

TRUNG THU TIẾT
(kì 4)

Ngô Cương chặt quế.
          Tương truyền trên cung trăng có Ngô Cương吴刚, người thời Tây Hán, từng theo tiên nhân tu đạo, đến thiên giới, nhưng anh ta phạm phải một sai lầm, tiên nhân biếm anh ta đến mặt trăng, chịu sự trừng phạt là hàng ngày phải chặt cây quế trên cung trăng. Cây quế này rất tươi tốt, cao hơn 500 trượng, mỗi khi chặt, nơi bị chặt lập tức liền lại. Lí Bạch 李白 trong bài Tặng Thôi Tư Hộ Văn Côn Quý 赠崔司户文公昆季viết rằng:
Dục khảm nguyệt trung quế
Trì vi hàn giả tân
欲砍月中桂
持为寒者薪
(Muốn chặt cây quế trên cung trăng
Làm củi tặng cho những người bị lạnh sưởi ấm)

Thỏ ngọc giã thuốc
          Bên cạnh Thường Nga có con thỏ ngọc. Truyền thuyết kể rằng, khi thân thể Thường Nga trở nên nhẹ và bay lên trời, trong lúc lo sợ đã ôm lấy thỏ ngọc. Thỏ ngọc bèn theo Thường Nga ở lại cung trăng. Trên cung trăng, thỏ ngọc có một cây chày, ngày đêm nó giã thuốc chế ra linh dược trường sinh bất lão. Thần thoại này sau khi truyền đến Nhật Bản, biến thành thỏ ngọc giã bánh.

Câu chuyện về Huyền Tông
          Tương truyền, Đường Huyền Tông 唐玄宗 cùng Thân Thiên Sư 申天师và đạo sĩ ngắm trăng Trung thu, đột nhiên Huyền Tông nảy ra ý định dạo chơi cung trăng, thế là Thiên Sư làm phép, ba người cùng bước lên mây, dạo chơi đến cung trăng. Nhưng trước cung bảo vệ nghiêm ngặt, không cách nào vào được, đành ở bên ngoài cúi xuống nhìn hoàng thành Trường An 长安. Đương lúc đó, bỗng nhiên nghe từng đợt từng đợt âm thanh truyền đến. Đường Huyền Tông vốn rành âm luật, thế là ghi nhớ trong lòng, đó chính là:
Thử khúc chỉ ưng thiên thượng hữu
Nhân gian năng đắc kỉ hồi văn
此曲只应天上有
人间能得几回闻
Khúc nhạc này chỉ có ở trên trời
Chốn nhân gian có thể nghe được mấy lần?
          Về sau Huyền Tông nhớ lại khúc nhạc tiên nga trên cung trăng, tự phổ thành khúc nhạc, sáng tác ra điệu múa “Nghê thường vũ y khúc” 霓裳羽衣曲nổi tiếng trong lịch sử.

Nguyệt bính khởi nghĩa
          Trung thu tiết ăn “nguyệt bính” 月饼 (bánh Trung thu) tương truyền bắt đầu từ đời Nguyên. Đương thời, quảng đại nhân dân trung nguyên không kham nỗi sự thống trị tàn khốc của giai cấp thống trị triều Nguyên, lũ lượt khởi nghĩa phản kháng. Chu Nguyên Chương 朱元璋 liên hợp lực lượng phản kháng chuẩn bị khởi nghĩa. Nhưng quan binh triều đình tra xét vô cùng gắt gao, nên tin tức truyền đi vô cùng khó khăn. Quân sư Lưu Bá Ôn 刘伯温 bèn nghĩ ra một kế, lệnh cho thuộc hạ đem tờ giấy có ghi “bát nguyệt thập ngũ dạ khởi nghĩa” giấu trong bánh, rồi sai người chia ra đưa đến trong quân khởi nghĩa ở các nơi, thông báo mọi người đêm 15 tháng 8 hưởng ứng khởi nghĩa. Đến ngày đó, nghĩa quân các lộ nhất tề hưởng ứng.
          Rất nhanh chóng, Từ Đạt 徐达công hạ đại đô triều Nguyên, khởi nghĩa thành công. Tin tức truyền đi, Chu Nguyên Chương vui mừng đến mức truyền khẩu dụ là vào Trung thu tiết năm tới, cho toàn thể chiến sĩ chung vui cùng dân chúng, đồng thời đem “nguyệt bính” mà khi khởi binh đã bí mật truyền đạt tin tức làm loại bánh thưởng cho quần thần. Từ đó, “nguyệt bính” chế tác ngày càng tinh xảo, phẩm chủng cũng càng nhiều . Về sau, tập tục Trung thu tiết ăn “nguyệt bính” lưu truyền đến dân gian.  (hết)

Phụ lục của người dịch
1- Ngô Cương chặt quế
Ngô Cương 吴刚 còn gọi là Ngô Quyền 吴权, người Hà Tây 河西. Nhân lúc Ngô Cương 3 năm rời nhà đi học đạo, cháu của Viêm Đế 炎帝 là Bá Lăng 伯陵 tư thông với vợ Ngô Cương sinh được 3 người con. Khi trở về biết được, Ngô Cương giận dữ giết chết Bá Lăng, việc đó khiến thần mặt trời Viêm Đế tức giận, đày Ngô Cương lên mặt trăng, sai chặt một cây bất tử, đó là cây nguyệt quế 月桂. Nguyệt Quế cao đến hơn 500 trượng, khi chặt hễ rút dao ra thì chỗ chặt liền lại như cũ. Viêm Đế đã dùng hình thức vĩnh viễn lao động để trừng phạt Ngô Cương.
          Vợ Ngô Cương cảm thấy áy náy xấu hổ với chồng nên đã sai 3 đứa con lên mặt trăng làm bạn với Ngô Cương. Một đứa biến thành “con cóc”, một đứa biến thành “con thỏ”, còn đứa thứ 3 thì không rõ.
Theo http://baike.baidu.com/view/50750htm , đứa thứ 3 biến thành con rắn.
(Theo Ngô Cảnh Minh吴景明: Thanh thiếu niên tối hỉ hoan đích thần thoại cố sự青少年最喜欢的神话故事, Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 14/9/2019

Nguồn


Previous Post Next Post