Dịch thuật: Trung nguyên tiết

TRUNG NGUYÊN TIẾT

          Trung nguyên tiết 中元节 còn có biệt danh là “Thất nguyệt bán” 七月半, “Thất nguyệt thập tứ” 七月十四, “Tế tổ tiết” 祭祖节, Vu lan bồn tiết” 盂兰盆会, “Địa quan tiết” 地官节. Tập tục ngày tiết này chủ yếu có tế tổ, thả đèn trên sông, tế vong hồn, đốt vàng mã, tế tự Thổ địa ... “Trung nguyên tiết” là cách gọi theo Đạo giáo, dân gian thế tục xưng là “Thất nguyệt bán” (hoặc “Thất nguyệt thập tứ”), sự ra đời của nó có thể truy ngược lên đến việc sùng bái tổ linh thời thượng cổ cùng với những thời tế tương quan. Tiết kì của nó liên quan đến sự tuần hoàn tiêu trưởng âm dương trong văn hoá cổ, trong Dịch kinh 易经có nói “thất” là số biến hoá, là số phục sinh. Tháng 7 là tháng cát tường, tháng hiếu thân. “Thất nguyệt bán” là tiết nhật dân gian mừng được mùa, tạ ơn đất đai, một số nông sản được dân gian bày ra để tế tổ, dùng gạo mới để dâng cúng, hướng đến tổ tiên báo cáo thành quả thu được vào mùa thu. Tiết này là một lễ tết truyền thống văn hoá tưởng nhớ tổ tiên, hạt nhân văn hoá của nó chính là “kính tổ tận hiếu” 敬祖尽孝.
            Nguồn gốc của “Thất nguyệt bán” là Tế tổ tiết trong dân gian thời cổ, còn gọi là “Trung nguyên tiết” là cách nói của Đạo giáo khởi nguồn từ sau thời Đông Hán. Đạo giáo có “Tam nguyên thuyết” 三元说: “Thiên quan thượng nguyên tứ phúc 天官上元赐福, Địa quan trung nguyên xá tội 地官中元赦罪, Thuỷ quan hạ nguyên giải ách 水官下元解厄”. Tên gọi “Trung nguyên” từ đó mà ra, còn Phật giáo gọi là “Vu lan bồn tiết”. Vào thời Đường giai cấp thống trị tôn sùng Đạo giáo, Trung nguyên tiết của Đạo giáo bắt đầu hưng thịnh, từ “Trung nguyên” dần được cố định thành tên tiết, tiết kì tại ngày rằm tháng 7, rồi truyền đến ngày nay.
Nguồn gốc sâu xa của Trung nguyên tiết
          Trong Dịch kinh có nói, “thất” là số biến hoá, là số phục sinh. “Thất” là  dương số, là thiên số, sau khi khí dương của trời đất tuyệt diệt, trải qua 7 ngày có thể phục sinh. Đó là đạo vận hành của trời đất, lí tuần hoàn tiêu trưởng của âm dương. “Thất” cũng mang theo sắc thái thần bí, như trên trời có “thất tinh” 七星 (Thất tinh cao chiếu 七星高照), tình cảm của con người có “thất tình” 七情, màu có “thất sắc” 七色, âm nhạc có “thất âm” 七音, thi ca có “thất luật” 七律, nhân thể có “thất khiếu” 七窍 v.v... “Thất” cũng là chu kì sinh mệnh của con người, 7 tuổi bắt đầu được dạy dỗ, 14 tuổi bước vào thời kì thanh xuân, 21 tuổi thân thể hoàn toàn thành thục .... Số 7 trong dân gian biểu hiện tính giai đoạn về thời gian, khi tính toán thời gian thường lấy “bảy bảy” làm chung cuộc, cuộc phục sinh. Tháng 7 là tháng cát tường, tháng hiếu thân, còn ngày 14 (nhị thất) là số chu kì của số 7. Người xưa chọn ngày 14 tháng 7 (thất nguyệt bán) tế tổ có liên quan đến số phục sinh này của số 7.
Sự dung hợp nội hàm của Trung nguyên tiết
          Tập tục tế tổ vào giữa tháng 7 đã có từ thời cổ, vốn là “Tế tổ tiết” của dân gian, không phải là “Quỷ tiết” 鬼节 (“Quỷ tiết” là cách nói sau này, có thể là từ tư tưởng “Trung nguyên phổ độ khai Quỷ môn quan” 中元普渡开鬼门关 trong Đạo giáo diễn biến mà ra). Thất nguyệt bán tế tổ tiết được gọi là “Trung nguyên tiết”, thì bắt nguồn cách nói của Đạo giáo từ sau thời Đông Hán (khoảng thời Nguỵ Tấn). Trong chư thần của Đạo giáo có Thiên quan, Địa quan, Thuỷ quan, hợp xưng là “Tam quan đại đế”. Họ là đại biểu được Thiên đế phái xuống nhân gian, lần lượt tại “tam nguyên nhật” kiểm hiệu công tội để định ra thưởng phạt giúp Thiên đế. “Thiên quan thượng nguyên tứ phúc 天官上元赐福, Địa quan trung nguyên xá tội 地官中元赦罪, Thuỷ quan hạ nguyên giải ách 水官下元解厄”. Nơi mà Địa quan cai quản là địa phủ, trọng điểm sở nghiệm đương nhiên là chúng quỷ của các lộ. Đem Trung nguyên cùng Thượng nguyên, Hạ nguyên hợp xưng là “tam nguyên”. Theo truyền  thuyết, vào ngày Trung nguyên, địa cung mở cửa, cũng là ngày địa ngục mở cửa, chúng quỷ rời khỏi cõi u minh, bị khảo hiệu. Quỷ có chủ sẽ về nhà, quỷ không có chủ sẽ phiêu bạt chốn nhân gian, lẩn quẩn các nơi để tìm thức ăn, do đó mà ngày này cũng gọi là “Quỷ tiết”, tiến hành phổ biến hoạt động tế tự hồn quỷ, thả đèn trên sông để vong hồn quỷ theo đó mà tìm đường về nhà. Các Đạo quán cử hành đại pháp hội long trọng, lập đạo tràng cầu phúc, nội dung là siêu độ linh quỷ vong hồn.
          Tháng 7 âm lịch cũng là tháng báo ân, trong Phật giáo có “thiền thất” 禅七, “tịnh thất” 净七, đến bảy bảy bốn mươi chín biểu thị ý nghĩa vô hạn. “Thất” là số biến hoá vô cùng, bao hàm vô tận. Theo cách nói của Phật giáo, ngày rằm tháng 7 là ngày tăng đồ công đức viên mãn. Vào ngày này, đệ tử Phật môn cử hành “Vu lan bồn pháp hội” 盂兰盆法会. Theo ghi chép trong Đại tạng kinh 大藏经, Vu lan bồn là Phạn ngữ, ý nghĩa của “Vu lan” là “đảo huyền” 倒悬 (treo ngược); “bồn” (chậu) là “pháp khí”. Ý nghĩa của “Vu lan bồn” là khí vật dùng để cứu khổ nạn bị treo ngược, tức ý nói dùng “bồn” đựng đầy trăm vị ngũ quả, cúng dường Phật Đà và chư tăng, để cứu vớt chúng sinh bị khổ nạn chốn địa ngục. Nghi thức này sớm nhất là từ pháp hội Mục Liên 目连 cứu mẹ bắt đầu lưu hành.
          Từ xưa tới nay, mọi người rất coi trọng tế tự. Tiết nhật này khởi nguồn từ 3 loại văn hoá: thế tục dân gian, Đạo giáo, Phật giáo, văn hoá tế tự của nó lưu truyền lâu đời, địa vực ảnh hưởng rộng lớn. “Thất” trong chữ số Trung Quốc là một kì số: thất xảo 七巧, thất tinh 七星, thất thái 七彩, thất luật 七律. “Thất” là  dương số, là thiên số, sau khi khí dương của trời đất tuyệt diệt, trải qua 7 ngày có thể phục sinh. Đó là đạo vận hành của trời đất, lí tuần hoàn tiêu trưởng của âm dương. Nhưng  lâu dần, một số nơi ở Trung Quốc cho rằng tháng 7 là tháng quỷ, là tháng không cát tường, có lẽ là từ tư tưởng “Trung nguyên phổ độ khai Quỷ môn quan” trong Đạo giáo diễn biến mà ra, từ đó lấy ngoa truyền ngoa, thế là có một số nơi cho tháng 7 là tháng “chư sự bất nghi” 诸事不宜 (muôn việc không thích hợp), ví dụ tháng 7 không xuất hành, không khai đao, không kết hôn, không xây nhà, không dọn nhà v.v... Kì thực, tháng 7 là tháng cát tường.
          Theo thế tục dân gian, “Thất nguyệt bán” là lễ tết truyền thống văn hoá truy niệm tổ tiên, hạt nhân của nó là “kính tổ tận hiếu”, không quên nguồn gốc. Theo Phật giáo, tháng 7 lại gọi là “Song hỉ nguyệt” 双喜月, “Phật hoan hỉ nhật” 佛欢喜日, “Cát tường nguyệt” 吉祥月. Ý nghĩa về tiết nhật này ở Phật giáo và Đạo giáo có sự giải thích khác nhau, Đạo giáo cường điệu hiếu đạo, Phật giáo coi trọng việc “phổ độ” các cô hồn vô chủ được thả ra từ cõi âm. Tập tục hậu kì của “Thất nguyệt bán” có thể nói là sự dung hợp giữa Đạo giáo và Phật giáo....
                                                                            (còn tiếp)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy Nhơn 15/8/2019
                                              (Trung nguyên - Rằm tháng 7 năm Kỉ Hợi)

Nguồn


Previous Post Next Post