Dịch thuật: Bí ẩn về quê hương của Đào Uyên Minh

BÍ ẨN VỀ QUÊ HƯƠNG CỦA ĐÀO UYÊN MINH

          Đào Uyên Minh 陶渊明 trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí 桃花源记đã miêu hoạ cho chúng ta thấy một phong cảnh điền viên thuần phác,điềm tĩnh. Đọc bài văn bất hủ của ông, khiến người ta liên tưởng đến nơi mà đã nuôi dưỡng hun đúc Đào Uyên Minh – một văn học gia vĩ đại, có phải là một nơi như ông đã hạ bút trong “Đào hoa nguyên”. Quê hương của Đào Uyên Minh ở đâu? Về vấn đề này, trước giờ có nhiều thuyết, đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
          Người nghiên cứu sớm nhất về quê hương của Đào Uyên Minh là Nhan Diên Chi 颜延之 nhà Lưu Tống 刘宋thời Nam Bắc Triều. Trong Tĩnh Tiết Trưng sĩ luỵ 靖节徵士诔 ông viết rằng:
Tấn hữu Trưng sĩ Tầm Dương Đào Uyên Minh, nam nhạc chi u cư giả dã.
晋有徵士浔阳陶渊明, 南岳之幽居者也.
(Đời Tấn có Trưng sĩ (1) Đào Uyên Minh người Tầm Dương, ẩn cư ở nam nhạc)
          Thẩm Ước 沈约 nhà Lương thời Nam Triều trong tác phẩm Tống thư - Ẩn dật truyện 宋书 - 隐逸传, cũng nói Đào Uyên Minh là người Sài Tang 柴桑 Tầm Dương 浔阳, tức nay là người Kinh Lâm nhai 荆林街 phía tây nam Cửu Giang 九江 ở Giang Tây 江西. Lí Diên Thọ 李延寿 đời Đường trong Nam sử - Ẩn dật truyện 南史  - 隐逸传 do ông biên soạn cũng đồng quan điểm với Thẩm Ước.
          Nhưng về quê hương của Đào Uyên Minh còn có một thuyết khác, đó là quê hương Đào Uyên Minh tại “Lật Lí” 栗里. Quan điểm này bắt đầu từ bài thơ Lật Lí 栗里 của Nhan Chân Khanh 颜真卿 đời Đường. Thi nhân Bạch cư Dị 白居易đời Đường cũng có bài Phỏng Đào Công cựu trạch 访陶公旧宅, trong bài thơ có đoạn:
Sài Tang cổ thôn lạc
Lật Lí cựu sơn xuyên
Bất kiến li hạ cúc
Đản dư khư trung yên
Tử tôn tuy vô văn
Tộc thị do vị thiên
Mỗi phùng tính Đào nhân
Sử ngã tâm y nhiên
柴桑古村落
栗里旧山川
不见篱下菊
但余墟中烟
子孙虽无闻
族氏犹未迁
每逢姓陶人
使我心依然
Sài Tang là thôn cổ
Lật Lí núi sông xưa
Chẳng thấy cúc bên hàng giậu
Nhưng thấy nhiều khói trên gò
Không nghe nói đến con cháu
Cả tộc hãy còn nơi đó không di dời
Mỗi khi gặp người mang họ Đào
Khiến lòng ta luôn nghĩ đến ông.
          Có người cho rằng, “Lật Lí” mà trong bài thơ nói đến chính là nơi ở cũ của Đào Uyên Minh. Thời Tống, Nguyên, Minh, nhiều văn nhân như Trần Thuấn Du 陈舜俞, Chu Hi 朱熹, Vương Vĩ 王伟, Tang Kiều 桑乔, văn sử danh gia cũng đều đồng ý với thuyết này, cho rằng quê hương của Đào Uyên Minh là tại “Lật Lí”.
          Đến đời Thanh, Vương Mạc 王漠 ở bài Đào Công cố cư 陶公故居 trong Giang Tây khảo cổ lục 江西考古录 đề xuất quê hương của Đào Uyên Minh có 3 nơi:
          - Cách huyện Tân Xương 新昌 ở Đoan Châu 端州 15 dặm về phía đông.
          - Cách thành của phủ Nam Khang 南康 7 dặm về phía tây, là núi Ngọc Kinh 玉京, cũng có tên là Thượng Kinh 上京.
          - Cách núi Sài Tang phủ Cửu Giang 九江 90 dặm về phía tây nam.
          Những năm 80 của thế kỉ 20, cuộc tranh luận rất sôi nổi. Năm 1980, một chuyên gia văn sử trong bài Giang Tây lịch sử văn vật 江西历史文物 nói rằng:
          Bài thơ Lật Lí của Nhan Chân Khanh, là một bài thơ ngũ ngôn cổ phong tàn khuyết không đầy đủ, không thể hiện được diện mạo “Lật Lí”. ..... Chu Hi căn cứ vào thơ của Nhan Chân Khanh cho rằng Lật Lí ở Ôn Tuyền 温泉 là quê hương của Đào Uyên Minh, kì thực là nhầm.
          Ông cho rằng:
          Lộc Tử phản 鹿子坂ở Kinh Lâm Nhai 荆林街 là quê hương của Đào Uyên Minh là thoả đáng nhất.
          Năm 1983, trung tâm văn hoá huyện Bành Trạch 彭泽 trong một lần kiểm tra văn vật, phát hiện bản Định Sơn Đào thị tông phổ - Bản tông thiên cư (Dân Quốc thập thất niên trùng tu) 陶氏宗谱 - 本宗迁居 (民国十七年重修) do con cháu đời sau của Đào Uyên Minh lưu giữ. Trong Đào thị tông phổ ghi rằng: Thế hệ ông cha của Đào Uyên Minh từ Bà Dương 鄱阳 dời đến Sài Tang 柴桑, sau dời đến Lật Lí 栗里, tức nay là làng Đan Quế 丹桂, huyện Tinh Tử 星子Giang Tây 江西.
         Theo ghi chép trong Đào thị tông phổ, bí ẩn về quê hương của Đào Uyên Minh đã có đáp án. Nhưng do bởi “Sài Tang”, “Lật Lí” phân thuộc về 2 huyện, để mệnh danh quê hương của Đào Uyên Minh, giữa 2 huyện đã triển khai một trận luận chiến. Huyện Cửu Giang cho rằng, “Sài Tang” tại huyện Cửu Giang, quê hương của Đào Uyên Minh phải là huyện Cửu Giang. Huyện Tinh Tử cho rằng, “Lật Lí” thuộc huyện Tinh Tử, quê hương của Đào Uyên Minh phải là huyện Tinh Tử. Hai thuyết này đều có lí, nhưng đến nay vẫn chưa nhất trí.
          Không biết có phải là do sự phức tạp trong cuộc đời mà Đào Uyên Minh đã từng trải, hay là người đời sau kính ngưỡng ông, đến nay mọi người vẫn không dễ dàng khẳng định cách nói của một người nào. Nhưng điều đó hoàn toàn không trở ngại cho việc chúng ta theo ngòi bút của Đào Uyên Minh bước vào “Đào hoa nguyên”, để từ trong thơ văn bất hủ của ông tìm kiếm quê hương tinh thần của văn học gia vĩ đại này.

Chú của người dịch
1- Trưng sĩ 徵士: kẻ sĩ không chịu ra làm quan theo chế độ cất nhắc nhân tài của triều đình.
         
                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 04/7/2019

Nguyên tác Trung văn
ĐÀO UYÊN MINH CỐ LÍ CHI MÊ
 陶渊明故里之谜
Tác giả: Vu Hồng 于红
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post