Dịch thuật: Về từ xưng hô "cách cách" của triều Thanh (kì 2)

VỀ TỪ XƯNG HÔ “CÁCH CÁCH’ CỦA TRIỀU THANH
(kì 2)

Cách cách cũng phân làm 3 cấp: thị, huyện, hương
          Triều Thanh vẫn là xã hội phụ hệ, thân phận con gái nhìn chung do địa vị của đàn ông quyết định, cho nên có cách nói “mẫu bằng tử quý” 母凭子贵 (mẹ dựa vào con mà được hiển quý) “nữ bằng phụ quý” 女凭父贵 (con gái dựa vào cha mà được hiển quý). Trưởng nữ của quý tộc sau khi thành niên sẽ do chính phủ căn cứ vào tước vị của phụ thân mà ban phát phong hiệu chính thức, được xem như là việc nhận thức quyền uy đối với thân phận quý tộc của mình. “Cách cách” phân làm 5 cấp:
          - Con gái của Hoà thạc thân vương 和硕亲王 xưng là “Hoà thạc cách cách” 和硕格格, tên theo tiếng Hán là “quận chúa” 郡主.
          - Con gái của Đa la quận vương xưng 多罗郡王 là “Đa la cách cách” 多罗格格, tên theo tiếng Hán là “huyện chúa” 县主.
          - Con gái của Đa la bối lặc 多罗贝勒 cũng xưng là “Đa la cách cách” 多罗格格, tên theo tiếng Hán là “quận quân” 郡君.
          - Con gái của Cố sơn bối tử 固山贝子 xưng là “Cố sơn cách cách” 固山格格, tên theo tiếng Hán là “huyện quân” 县君.
          - Con gái của Trấn Quốc Công 镇国公, Phụ Quốc Công 辅国公không có thành phần ở trước, mà trực tiếp xưng là “cách cách” 格格, tên theo tiếng Hán là “hương quân” 乡君.
          “Chúa” lớn hơn “quân” , quận lớn hơn huyện, lớn hơn hương, đối với phong hiệu mà phong hiệu đó căn cứ vào diện tích lớn nhỏ của địa vực, rất dễ dàng phân biệt thân phận. Chẳng qua nếu như trong sách phong, xuất hiện một số danh hiệu như “thôn chúa” 村主 “thôn quân” 村君, hoàn toàn không thể thể hiện khí chất cao quý của hoàng gia, cho nên con gái của Trấn Quốc Công, Phụ Quốc Công trở xuống, nhất luật không thụ phong hiệu, thống nhất xưng là “tông nữ” 宗女, mục đích là báo danh hiệu đó có thể để mọi người rõ bản thân mình tốt xấu như thế nào thì cũng là con gái tông thất có chút dính dáng quan hệ với hoàng đế, về quy cách tiếp đãi có sự phân biệt với dân thường. Tuy nói có quan hệ huyết thống trong đó, kì thực rất nhạt rất nhạt, nhưng có một chút cũng là có.
          Bạn sẽ phản vấn: Tô Ma Lạt Cô 苏麻喇姑 (1) trong lịch sử là thị nữ bồi giá của Hiếu Trang Văn hoàng hậu 孝庄文皇后, tại sao có thể xưng là cách cách? Kì thực sự tồn tại chế độ phong hiệu của triều đình không hoàn toàn thay thế tập tục của người Mãn gọi con gái chưa thành hôn là “cách cách”. Cho nên nếu bạn không có huyết thống quý tộc, bạn cũng không phải lo lắng. Ngưỡng mộ bạn là một thiếu nữ chất phác, không xa hoa nhưng xinh đẹp thoát tục, thì có thể gọi bạn là “cách cách”.  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Tô Ma Lạt Cô苏麻喇姑 (khoảng năm 1612 – năm 1705): người Mông Cổ, ban đầu có tên là Tô Mạt Nhi 苏茉儿, hoặc Tô Mặc Nhĩ 苏墨尔. Khoảng cuối thời Thuận Trị hoặc thời Khang Hi đổi gọi theo tiếng Mãn là Tô Ma Lạt 苏麻喇, người trong cung trên dưới tôn kính bà đều gọi bà là Tô Ma Lạt Cô 苏麻喇姑.
          Tô Ma Lạt Cô là thị nữ của Hiếu Trang Văn hoàng hậu 孝庄文皇后 triều Thanh, xuất thân trong gia đình du mục bình dân tộc Mông Cổ. Bà theo bồi giá Hiếu Trang tiến nhập cung đình Hậu Kim 后金, trải qua 5 triều: Thiên Mệnh 天命, Thiên Thông 天聪, Sùng Đức 崇德, Thuận Trị 顺治, Khang Hi 康熙. Bà thông hiểu văn tự Mông Mãn. Niên hiệu Sùng Đức nguyên niên triều Thanh (năm 1636), bà tham gia thiết kế quan phục khai quốc triều Thanh. Bà cũng từng đảm nhiệm dạy vỡ lòng tiếng Mông cho hoàng đế Khang Hi. Lúc về già, bà nuôi dưỡng người con thứ 12 của Khanh Hi là Ái Tân Giác La Dận Đào 爱新觉罗胤祹. Ngày 7 tháng 9 năm Khang Hi thứ 44,  Tô Ma Lạt Cô cửu tuần tuổi cao đã qua đời, Khang Hi cho làm tang sự cho bà theo lễ Tần , đồng thời đặt linh cửu cùng một chỗ với Hiếu Trang Văn hoàng hậu.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 03/6/2019

Nguồn
HOẠT TẠI ĐẠI THANH
活在大清
Tác giả: Mao Soái 毛帅
Thành Đô: Tứ Xuyên nhân dân xuất bản xã, 2018
Previous Post Next Post