Dịch thuật: Nô lệ đời Chu (kì 1)

NÔ LỆ ĐỜI CHU
(kì 1)

          Về tình hình giai cấp nô lệ đời Chu hiện chúng ta biết rất ít. Ví dụ như trong cả nước hoặc một khu vực nào đó tỉ lệ giữa nô lệ và nhân khẩu khác là như thế nào? Nô lệ mà trực tiếp thuộc thiên tử và chư hầu là bao nhiêu? chúng ta đều không thể biết. May mà số lượng nô lệ đương thời Chu Vương và quân chủ liệt quốc ban thưởng thường thấy có ghi chép. Ghi chép nhiều nhất là Tấn Cảnh Công 晋景公 (từ năm 599 đến năm 581 trước công nguyên), ban 1000 nhà “địch thần” 狄臣 (nô lệ người địch ) cho Đại phu Tuân Lâm Phủ 荀林甫 mới lập chiến công. Kế tiếp là Tề Linh Công 齐灵公 (từ năm 581 đến năm 554 trước công nguyên) ban 350 nhà nô lệ cho vị Đại phu mới thụ phong. Tuân Lâm Phủ trước khi được ban thưởng lần đó đã từng chấp chính hai triều. Nô lệ vốn có trong nhà ông, chí ít cũng có thể ngang bằng với sự ban thưởng lần đó. Có thể thấy, số nô lệ lúc bấy giờ mà Đại phu của một nước lớn có được có thể từ 10.000 người trở lên.
          Nguồn gốc chủ yếu của số nô lệ này là từ chiến tranh. Đại chiến đông chinh và chiến thắng vào đầu đời Chu, không cần phải nói, từ đó về sau chư Hạ đối với việc chinh thảo dị tộc và sự công chiến lẫn nhau giữa các chư hầu, mỗi lần trong và ngoài chiến trường, số tù binh bắt được, trừ một số cực ít bị dùng trong “hấn cổ” 衅鼓 (giết lấy máu bôi lên trống để trừ bỏ điều bất tường), hoặc dùng làm vật hi sinh trong tế tự ra, đại bộ phận làm nô lệ cho kẻ thắng lợi. Sau khi nhà Ân diệt vong, người Ân bị bắt làm tù binh nhất định là rất nhiều, nhưng số lượng bao nhiêu hiện không thể tra khảo chính xác (những ghi chép trong “Dật Chu thư” 逸周书 không đáng tin). Sau đó số lượng tù binh có thể biết: đối với bên ngoài, như Thành Vương năm thứ 25 tù binh bắt được khi phạt Quỷ Phương鬼方là 13.811 người, và như trên đã nói, “địch thần”  ban cho Tuân Lâm Phủ là 1000 nhà, chính là một bộ phận tù binh mới bắt được lúc đó. Đối với bên trong, như năm 484 trước công nguyên, nước Ngô nước Lỗ phạt Tề, bắt giáp xa của nước Tề 800 chiếc, giáp sĩ 3000 người. Lợi ích của tù binh có lúc trở thành động cơ xâm phạt. Chư hầu đối với thiên tử, hoặc nước nhỏ đối với nước lớn thường có điển lễ “hiến phu” 献俘. Tù binh của chư Hạ quốc có thể được chuộc qua lại. Nước Lỗ quy định phí chuộc tù binh do quốc khố đảm trách. Nhưng những tù binh may mắn được chuộc e là loại tù binh hiển quý, có lúc sở phí quá mức. Ví dụ như năm 607 trước công nguyên, nước Tống hướng đến người Trịnh chuộc Hoa Nguyên 华元 “hạn kì mục, bà kì phúc” 睅其目, 皤其腹 (mắt to bụng bự), dùng binh xa 100 chiếc, xe giong 4 ngựa có hoa văn 400 chiếc (nhưng những lễ vật này chưa kịp giao một nửa thì Hoa Nguyên đã đào thoát trở về). Một nguồn gốc khác của nô lệ là tội phạm. Thứ nhân phạm tội và gia thuộc của họ bị tịch thu làm nô lệ cho quý tộc tuy không thấy có ghi chép, nhưng chúng ta biết, quý tộc nhân vì mắc tội lệ bị phế, hoặc nhân đấu tranh qua lại bị diệt, vợ con của họ bị trói hoặc bị bắt dùng làm vật phẩm ban thưởng, hậu duệ của họ có người “giáng tại tạo lệ” 降在皂隶 (giáng xuống làm sai dịch trong nha môn).
          Nô lệ làm những việc gì?
Thứ 1: đương nhiên là phục dịch bên cạnh quý nhân. Nô lệ loại này bao gồm “tiểu thần” 小臣 (tức thị dịch 侍役 người hầu), tì thiếp hoặc “bộc thụ” 仆竖 (nô bộc) quản cung thất, quản xa giá; theo lệ cũng còn dùng những tội phạm bị chặt chân sung làm “hôn nhân” 阍人 (người canh giữ cửa), dùng những tội phạm bị “cung” sung làm “tự nhân” 寺人 (người hầu). Nhưng loại này chỉ chiếm một số lượng rất ít. Đại bộ phận nô lệ được dùng vào công việc sản xuất. Mỗi nhà quý tộc, từ Chu Vương cho đến Đại phu là một xã hội tự túc. Thóc lúa khỏi phải nói, là đến từ thái ấp. Ngoài ra y phục mà cả nhà mặc và đồ dùng, từ gia cụ cho đến xe cộ, binh khí, nhạc khí, tế khí, hơn một nửa là do nô lệ trong nhà chế tạo. Thời đại này chiến xa, binh xa dùng ngựa đóng vào, nuôi ngựa và quản lí chuồng trại cũng là công việc của nô lệ. Ngoài ra núi rừng ao hồ do là chuyên lợi của quý tộc. Tiều (đốn củi), tô (kiếm cỏ), ngư (đánh cá), mục (chăn nuôi) và làm muối cũng là công việc của nô lệ. Nô lệ cũng có người được phân phối ra bên ngoài làm việc: người hái dâu nuôi tằm gọi là “tàm thiếp” 蚕妾, người dệt vải hoặc làm những việc nữ công khác gọi là “công thiếp” 工妾. Nhà quý tộc thiết lập một vị quan chuyên quản công nhân. Công quan của công thất phổ thông gọi là “công chính”. Duy chỉ của nước Sở gọi là “công doãn” 公尹. Dưới tổng công quan của vương thất và công thất lại phân ra công quan các nghề; ví dụ như hiện chúng ta được biết, Chu thất có “đào chính” 陶正, đại khái là quản việc chế tạo đồ gốm; nước Lỗ có “tượng sư” 匠师, đại khái là quản mộc công. Nô lệ có chuyên môn mỗi khi có việc được dùng làm lễ vật. Như năm 589 trước công nguyên, nước Lỗ cầu hoà nước Sở, tặng lễ vật có “chấp trác” 执斲 (1), “chấp châm” 执针(2), “chức nhẫm” 织紝 (3) mỗi loại 100 người. Và như năm 562 trước công nguyên, nước Trịnh giảng hoà với nước Tống, tặng vật gồm mĩ nữ và công thiếp tổng cộng 30 người, nữ nhạc 2 đội, mỗi đội 8 người...  (còn tiếp)

Chú của người dịch
1- Chấp trác 执斲: chuyên về đồ mộc
2- Chấp châm 执针: chuyên may vá
3- Chức nhẫm 织紝 : chuyên dệt vải

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 27/6/2019

Nguyên tác
NÔ LỆ
奴隶
Trong quyển
 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG
中国史纲
Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟
Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017
Previous Post Next Post