BÍ ẨN VỀ SỰ KIỆN KHỔNG TỬ GIẾT THIẾU
CHÍNH MÃO
Trong Sử kí – Khổng Tử thế gia 史记 - 孔子世家 của Tư Mã Thiên 司马迁có
chép: Năm Lỗ Định Công 鲁定公 thứ 14, Khổng Tử 孔子với
thân phận Đại tư khấu 大司寇 xử lí chức trách của Tể tướng, ..... giết Thiếu Chính
Mão 少正卯 thân
phận Đại phu nước Lỗ làm loạn chính.
Trong Khổng Tử gia ngữ - Sử tru thiên 孔子家语 - 使诛篇cũng có nói,
năm Khổng Tử 56 tuổi, đảm nhiệm chức Tư khấu của nước Lỗ, mới thay việc của Quốc
tướng 7 ngày đã xử chết Đại phu Thiếu Chính Mão nhiễu loạn triều chính, phơi
thây thị chúng tại triều 3 ngày.
Trong Tuân Tử - Hựu toạ 荀子 - 宥坐 liên
quan đến sự kiện này đã thuật lại càng tường tận. Học trò của Khổng Tử là Tử Cống
子贡 nhân
việc đó mới hỏi thầy là Khổng Tử:
- Thiếu Chính Mão là người nổi tiếng của nước
Lỗ, thầy vừa mới chấp chính đã giết ông ta, có lẽ là không thoả đáng.
Khổng Tử
bảo rằng:
- Ngồi xuống đi, thầy nói rõ nguyên nhân. Có 5
loại tội ác lớn nhất trong thiên hạ, nhưng trộm cắp không tính trong đó.
Một là trong lòng ấp ủ điều phản nghịch, bụng
dạ hiểm ác.
Hai là hành vi tà ác mà cố chấp không
chịu sửa đổi
Ba là yêu ngôn hoặc chúng
Bốn
là có tri thức rộng về bàng môn tả đạo
Năm là nhân vì theo chủ trương sai lầm
lại giỏi ra sức che đậy.
Cũng
chính là nói, Khổng Tử tại nước Lỗ đảm nhiệm chức Tư khấu xử lí công việc của Tể
tướng mới 7 ngày, đã giết chết Đại phu Thiếu Chính Mão đương thời, lí do là Thiếu
Chính Mão kiêm đủ 5 loại ác hành, đồng thời tại nhà tụ tập mọi người, cổ xuý tà
thuyết, lấy lòng mọi người, đã là kẻ gian hùng trong đám tiểu nhân, cho nên không giết không được.
Thiếu
Chính Mão là người nước Lỗ cuối thời Xuân Thu, học rộng biết nhiều, rất có danh
tiếng. Một số chủ trương của ông không hợp với Khổng Tử, từng tụ tập nhiều người
để giảng học. Nhân vì thanh danh của Thiếu Chính Mão đương thời rất lớn, xa gần
đều biết tiếng, cho nên con cháu đời sau của ông đổi sang tính (họ) Văn 闻. 5 tội trạng lớn của Thiếu Chính Mão mà Khổng Tử nói
đến, đại khái thuộc về loại mà đời sau gọi là “dị đoan tà thuyết”. Đây là đại án
mang tính chất thuộc về “tư tưởng tội phạm” 思想罪犯 lần đầu tiên
trong lịch sử. Trong tư tưởng của Khổng Tử có mặt nói đến “nhân” 仁, “ái” 爱, cũng có mặt nói đến
“hình” 刑, “sát” 杀. Khổng Tử chủ trương
đối với tiểu nhân và hạ dân, để ngăn chặn họ phản nghịch phạm thượng, phải
“hoài hình” 怀刑 (vì sợ hình phạt mà tuân thủ pháp luật – ND) và
“củ chi dĩ mãnh” 纠之以猛 (dùng phương pháp nghiêm khắc sửa đối những sai lầm –
ND), cho nên tru sát kẻ loạn chính cá biệt. Những sách sau này như Doãn Văn Tử 尹文子, Thuyết uyển
说苑, Khổng Tử gia ngữ 孔子家语 đều
dẫn dụng cách nói trong Tuân Tử 荀子, cho rằng Khổng
Tử giết Thiếu Chính Mão. Đến thời Đông Hán, lại có Vương Sung 王充nói rằng Thiếu Chính Mão và Khổng Tử đồng thời tại nước
Lỗ dạy học, từng khiến cho Khổng môn “tam doanh tam hư” 三盈三虚 (1). Nói như vậy, hai người cùng tranh đoạt học trò, Khổng
Tử giết Thiếu chính Mão khả năng có thành phần mang lòng báo thù, đả kích tư học
(học địch 学敌).
Nhưng
Cao Dụ 高诱, học giả đời Hán cho rằng, Thiếu Chính Mão là hạng
người a dua siểm nịnh, “Thiếu Chính” 少正 là quan xưng, “Mão” 卯là
danh. Chu Hi 朱熹 thời
Nam Tống dứt khoát chỉ ra rằng, Khổng Tử không hề giết Thiếu Chính Mão. Lí do
là việc giết Thiếu Chính Mão là câu chuyện của bọn hủ nho Tề Lỗ bịa ra, mục
đích của bọn họ đại khái là muốn mượn cớ đó để đề cao uy quyền của Khổng Tử. Nếu
quả đúng có sự việc đó, thế thì như Tả
truyện 左传ghi chép rất rõ nhân vật lúc bấy giờ, tại sao với một sự kiện chấn động
như thế lại không nói đến? Thuyết này vừa
mới xuất hiện, nhiều học giả đã tỏ ý tán đồng. Trong trứ tác của bách gia chư tử,
ngụ ngôn chiếm phần lớn, không đủ để tin. Điển tịch Xuân Thu 春秋, Tả truyện 左传 ghi
chép lịch sử nước Lỗ về sự kiện đó, một chữ cũng không nói đến, còn Quốc ngữ 国语, Luận ngữ 论语, Mạnh Tử 孟子 cũng đều không nhắc đến, hơn nữa Tả truyện, Quốc ngữ đối với những chỗ vu hãm huỷ báng Khổng Tử thì không
nói tới, có thể thấy trong lịch sử không có sự kiện Khổng Tử giết Thiếu Chính
Mão. Đến bộ Tuân Tử 荀子 cuối thời Chiến Quốc mới xuất hiện việc ghi chép sự kiện
này, lúc bấy giờ bách gia tranh minh vô cùng kịch liệt, để đề cao mình hạ thấp
người, kẻ sĩ du thuyết có thể bịa ra sự thực để vu hãm đối phương, huống hồ Khổng
Tử hành xử theo chức vụ Tể tướng mới có 7 ngày, với thân phận đại phu đã giết
chết một vị đại phu khác, điều đó vừa không phù hợp với sự thực, mà cũng không
phù hợp với lí và tình. Khổng Tử đề xướng “nhân” 仁,
cường điệu “vi chính dĩ đức” 为政以德 (dùng đức để làm
chính trị), chủ trương dùng “đức” để cảm hoá tiểu nhân, kiên quyết phản đối giết
người một cách khinh suất, khi đại phu nước Lỗ đề xuất tư tưởng “sát vô đạo dĩ
tựu hữu đạo” 杀无道以就有道, Khổng Tử đã bày tỏ sự phản đối. Sự việc giết Thiếu
Chính Mão, phải nói là không phù hợp với tư tưởng này của Khổng Tử.
Còn có
một thuyết khác đề xuất, thời gian Khổng Tử “nhiếp tướng” 摄相là vào thời của Lỗ Định Công 鲁定公 và Tề Cảnh Công
齐景公, “tướng” 相 của “nhiếp” 摄 (ý là thay thế để xử lí) là “tấn tướng chi tướng” 傧相之相, tức trong Chu
lễ 周礼gọi là “tiếp tân viết tấn, chiếu lễ viết tướng” 接宾曰傧, 诏礼曰相 (2). Phàm
trong lúc hội minh, tất phải có một vị quan giúp việc lễ, mà Khổng Tử đã đảm
nhiệm việc đó. Thôi Thuật 崔述 đời Thanh nói rằng:
Tướng lễ giả, đản tương nhất thời chi lễ, dữ
quốc chính vô thiệp dã.
相礼者, 但襄一时之礼, 与国政无涉也.
(Tướng
lễ, là chỉ giúp lễ trong nhất thời, không liên quan gì đến quốc chính.)
Sử kí 史记 đã nhầm
cho rằng “tướng” ở đây 相 là “tướng” trong “Tướng quốc” 相国.
Nếu
đúng như thế, một vị lễ quan mà giết một đại phu nổi tiếng quả thực là không thể.
Hơn hai
ngàn năm nay, Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão được cho là “chính nghĩa chi tru” 正义之诛 (cái
giết chính nghĩa), đại khái đều là thành kiến của các nhà nho đời sau chủ
trương nhằm bảo vệ uy quyền của vị Tổ sư. Đến những năm 70 của thế kỉ 20, nghi
án này bị một số người “bình pháp phê Nho” 评法批儒 lật lại, cho là một đại tội chứng của Khổng Tử bức hại thế lực mới, e
rằng cũng là có dụng ý “cổ vi kim dụng” 古为今用 (của đời xưa dùng vào đời nay).
Do bởi
không đủ chứng cứ trực tiếp, Khổng Tử có giết Thiếu Chính Mão hay không trở
thành tiêu điểm cho hậu thế luận bàn.
Chú của người
dịch
1- Tam doanh tam hư” 三盈三虚
Trong Luận hành – Giảng thuỵ 论衡 - 讲瑞 có
ghi:
Thiếu Chính Mão tại Lỗ dữ Khổng Tử tịnh. Khổng
Tử chi môn, tam doanh tam hư, duy Nhan Uyên bất khứ.... Môn nhân khứ Khổng Tử,
quy Thiếu Chính Mão.
少正卯在鲁与孔子并. 孔子之门, 三盈三虚, 唯颜渊不去. ... 门人去孔子, 归少正卯.
(Thiếu
Chính Mão tại nước Lỗ cùng Khổng Tử dạy học, học trò nơi nhà Khổng Tử mấy lần
đông rồi lại vắng, chỉ có một mình Nhan Uyên không đi. ... Học trò rời bỏ Khổng
Tử đến với Thiếu Chính Mão)
2- Trong Chu lễ
- Thu quan – Tư nghi 周礼 - 秋官 - 司仪 có ghi:
Tư nghi chưởng cửu nghi chi tân khách tấn tướng
chi lễ, dĩ chiếu nghi dung, từ lệnh, ấp nhượng
chi tiết.
司仪掌九仪之宾客傧相之礼, 以诏仪容, 辞令, 揖让之节.
(Tư
nghi coi về lễ tấn tướng nắm giữ việc nghinh tiếp tân khách chín bậc, thông báo
về tiết độ nghi dung, từ lệnh, ấp nhượng.)
Trịnh
Huyền 郑玄 chú rằng:
Xuất tiếp tân viết tấn, nhập tán lễ viết tướng.
出接宾曰傧, 入赞礼曰相
(Ra tiếp
đón khách gọi là “tấn”, vào giúp lễ gọi là ‘tướng”)
(Dương
Thiên Vũ 杨天宇: Chu lễ dịch giải
周礼译解, Thượng Hải cổ
tịch xuất bản xã, 2005)
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 06/6/2019
Nguyên tác Trung văn
KHỔNG TỬ SÁT THIẾU CHÍNH MÃO CHI MÊ
孔子杀少正卯之谜
Tác giả: Lưu Cật刘劼
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật