Dịch thuật: Bất muội kỉ tâm, tạo phúc tha nhân (Thái căn đàm)



不昧己心   造福他人
    不昧己心, 不尽人情, 不竭物力. 三者可以为天地立心, 为民生立命, 为子孙造福.
                                                                            (菜根谭 - 立德修身)

BẤT MUỘI KỈ TÂM   TẠO PHÚC THA NHÂN
          Bất muội kỉ tâm, bất tận nhân tình, bất kiệt vật lực. Tam giả khả dĩ vị thiên địa lập tâm, vị dân sinh lập mệnh, vị tử tôn tạo phúc.
                                                             ( Thái căn đàm – Lập đức tu thân)

KHÔNG TRÁI VỚI LÒNG MÌNH   
TẠO PHÚC CHO NGƯỜI KHÁC
          Không làm điều gì trái với lương tâm của mình, không làm điều gì trái với thường tình của con người, không lãng phí tài lực vật lực. Làm được ba điều đó thì có thể lập được tâm tính thiện lương trong trời đất, tạo được nguồn sống sinh sôi không ngừng cho dân, tạo được phúc cho con cháu sau này.

Giải thích và phân tích
          Trương Tái 张载, Lí học gia nổi tiếng thời Bắc Tống đã để lại cho hậu thế nhiều di sản tinh thần quý báu, trong đó có 4 câu danh ngôn của ông:
          Vị thiên địa lập tâm, vị sinh dân lập mệnh, vị vãng Thánh kế tuyệt học, vị vạn thế khai thái bình.
          为天地立心, 为围生民立命, 为往圣继绝学, 为万世开太平.
          Như thế nào là “Vị thiên địa lập tâm, vị sinh dân lập mệnh” ?
          “Thái căn đàm” 菜根谭 cho chúng ta biết, cần phải “Bất muội kỉ tâm, bất tận nhân tình, bất kiệt vật lực”.不昧己心, 不尽人情, 不竭物力. Ba điều này đối với bình thường mà nói là như thế, còn đối với người muốn hoàn thành đại sự mà nói, thì càng cần phải như thế.
          Làm quan thực hành chính sự, phải tạo phúc cho dân đó là nguyên tắc chí cao vô thượng mà những người đọc sách thời cổ đều nắm giữ. Khi họ gặp phải sự tình, thường đều nghĩ đến cho người khác trước tiên, dốc hết sức mình để làm lợi cho người, mà ít khi nghĩ đến được mất cho bản thân. Phong Dụ 封裕 thời Xuân Thu Chiến Quốc (1) chính là người như thế. 
          Tháng 2 năm 345, Yên Vương Mộ Dung Hoảng 慕容皝 hạ lệnh:
          Có thể cho nông dân nghèo mượn trâu để cày trên ruộng của nhà nước, sau mùa thu khi thu hoạch, sẽ đem 4/5 giao cho nhà nước. Những người có trâu mà không có ruộng, cày trên ruộng của nhà nước, khi thu hoạch tất phải nộp 7/10 làm tô thuế.
          Kí thất tham quân Phong Dụ biết rõ bách tính nghèo khó, dâng thư tâu rằng:
          Thời cổ thu thuế chỉ thu khoảng 1/10, là đáng để ủng hộ, về sau phú thuế tăng nặng, thuê cày trên ruộng công, tô thuế bất quá cũng chỉ 6/10 hoặc một nửa, còn tô thuế mà ngài định ra quá nặng. Từ năm Vĩnh Gia 永嘉 loạn lạc chết chóc đến nay, bách tính lưu lạc khắp nơi, bậc tiên bối của ngài chú trọng vỗ về bách tính, các tộc nhân dân như con chạy đến với chúng ta, nhân khẩu vụt tăng, trong số đó, ước có 4/10 người không có ruộng đất. Từ khi ngài tức vị tới nay, nông dân lại tăng nhiều, ngài cho những người dân đó canh tác ở ruộng công, người không có trâu, thì ngài cho mượn để cày, những quyết sách đó rất anh minh. Nhưng trên thực tế không nên thu tô thuế quá nặng, như vậy, bách tính mới thật lòng ủng hộ ngài. Ngoài ra, chúng ta cũng nên khôi phục nhiều công trình thuỷ lợi mà thời Thạch Hổ 石虎 nhà Hậu Triệu 后赵 thống trị bị phá hoại, để mùa hạn có nước tưới, mùa lụt tháo nước đi, như vậy, mới có thể khiến bách tính có được sự yên ổn chân chính.
          Yên Vương Mộ Dung Hoảng nói rằng:
          Phong kí thất đã kịp thời nhắc nhở cảnh tỉnh ta. Bách tính là căn bản của quốc gia, lương thực lại là căn bản của bách tính. Vì sự ổn định của quốc gia, ta quyết định cho nông dân nghèo khổ không có ruộng được thuê công điền để cày cấy, miễn thu thuế dịch, đặc biệt, người nghèo khó cho mượn trâu cày không phải hoàn lại. Những nhà có điều kiện tương đối tốt, nhưng lại muốn thuê trâu của nhà nước, có thể theo phép cũ nhà Nguỵ Tấn, khi thu hoạch nộp 6/10 làm tô thuế.
          Phong Dụ không sợ quyền thế của Yên Vương, thẳng thắn can gián, vừa không trái với thường lí, lại biểu đạt được tâm ý của bản thân, đương nhiên được Yên Vương hiểu. Tạo nguồn sống cho dân, tạo phúc cho con cháu, việc làm này của Phong Dụ đã được dân ngưỡng mộ tôn kính.
          Phong Dụ vì dân dám xông vào hiểm nguy không sợ đắc tội với Yên Vương là rất dũng khí. Xuất phát điểm hành vi của ông tuyệt nhiên không thể là sự thăng tiến cá nhân, mà là lo nghĩ cho bách tính, lo nghĩ cho đất nước. Hành vi của ông vừa khiến bách tính có được ân huệ, đồng thời cũng có lợi đối với sự thống trị lâu dài của nước Yên.
          Trung Quốc thời cổ, người giống như Phong Dụ có rất nhiều, Trịnh Bản Kiều, một trong “Dương Châu bát quái” chính là một người trong số đó. Thời kì ông làm quan luôn một lòng lo nghĩ cho bách tính, tạo nguồn sống cho dân, đặt cái phúc của bách tính trong lòng, không nghĩ đến được mất lợi hại mà lo bảo toàn lợi ích của bách tính.
          Huyện Duy Sơn Đông 山东 (nay là Duy phường 潍坊) mà Trịnh Bản Kiều 郑板桥nhậm chức Huyện lệnh từng là một nơi nhiều tai nhiều nạn, thường phát sinh thuỷ tai, hạn tai. Khi ông vừa mới đến nhậm chức, gặp lúc huyện Duy phát sinh thuỷ tai, 10 nhà thì đến 9 nhà đã sạch không, chết đói đầy đường. Trịnh Bản Kiều cứ theo thực tế mà báo cáo, thỉnh cầu triều đình mở kho phát chẩn, nhưng triều đình chần chừ không quyết. Trong lúc nguy cấp, Trịnh Bản Kiều không chút do dự mở kho phát lương thực, ông nói rằng:
          - Không thể đợi được nữa, cứu mạng phải khẩn cấp. Triều đình nếu có trách tội, thì phạt một mình ta là được rồi.
          Do bởi phát lương thực kịp thời, nạn dân đã thoát khỏi chết đói.
          Lúc cứu tế bách tính, Trịnh Bản Kiều đắc tội với một số phú hộ, đặc biệt là lúc chỉnh đốn về vụ muối, càng đụng chạm đến tư lợi của phú thương. Năm 1752, huyện Duy 潍 lại phát sinh hoả tai, Trịnh Bản Kiều báo lên triều đình xin chẩn tai, thượng ti phát nộ vì ông nhiều lần mạo phạm, thượng ti lại tin theo những sàm ngôn, thế là không những không đồng ý, mà ngược lại còn xử tội ông, khâm mệnh bãi quan, lột chức làm dân thường.
          Lúc rời huyện Duy, bách tính cả thành ra tiễn. Trịnh Bản Kiều làm quan hơn 10 năm, không hề tư túi, cho nên chỉ thuê 3 con lừa, 1 con ông cưỡi, 2 con kia thồ sách vở hành lí, do một tên sai đinh dẫn đường, buồn bã đi về quê nhà. Lúc tiễn biệt, ông vẽ trúc đề thơ cho dân nơi đó:
Ô sa trịch khứ bất vi quan
Nang thác tiêu tiêu lưỡng tụ hàn
Tả thủ nhất chi thanh sấu trúc
 Thu phong giang thượng tác ngư can (2)
乌纱掷去不为官
囊橐萧萧两袖寒
写取一枝清瘦竹
秋风江上作鱼竿
(Vất mũ ô sa, trở về nhà không làm quan nữa
Túi trống trơn nghe cả tiếng gió thổi lòn bên trong, hai ống tay áo cũng lạnh
Vẽ ra một cành trúc gầy
Trên sông lúc gió thu về, lấy cành trúc làm cần câu câu cá.)
          Chúng ta đều biết, Trịnh Bản Kiều sở trường về vẽ hoa lan và trúc, màu sắc văn vẻ tươi đẹp, nhưng ông chưa từng dùng tài năng của mình để làm thủ đoạn tiến thân, cũng chưa từng khoe khoang tài năng của mình, mà chỉ một lòng mưu cầu lợi ích cho dân, vì dân mà tạo ra nguồn sống.
Nha trai ngoạ thính tiêu tiêu trúc
Nghi thị dân gian tật khổ thanh.
衙斋卧听萧萧竹
疑是民间疾苦声
(Nằm nghỉ trong thư trai chốn công đường nghe tiếng gió thổi qua khóm trúc
Cứ ngỡ là tiếng oán than đói rét của bách tính chốn nhân gian.)
Câu thơ đã khắc hoạ tình cảm chân thật của ông. Điều đáng quý của Trịnh Bản Kiều ở chỗ, trong lòng ông luôn chứa đầy ông những nỗi thống khổ của người khác; điều vô tư của Trịnh Bản Kiều ở chỗ, ông không hề tính toán điều lợi cho mình, lúc nào cũng nghĩ đến người khác. Chúng ta tuy hiện nay vẫn chưa thể tạo phúc cho một vùng, nhưng chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ bên cạnh bản thân mình. Mĩ đức không phải là thứ gì hư ảo, mà chính là chúng ta hiểu được việc biết suy nghĩ cho người khác. Chỉ cần chúng ta lúc nào cũng không quên nghĩ cho người khác, lấy lòng mình mà độ cho người khác thì chúng ta đã bắt đầu tiếp cận được với mĩ đức rồi vậy.
  
Chú của người dịch
1- Nguyên tác ghi nhầm Phong Dụ 封裕 người thời Xuân Thu Chiến Quốc.
          Tháng 11 năm 337, Mộ Dung Hoảng 慕容皝 tự lập làm Yên Vương 燕王, năm 342 đánh bại 20 vạn đại quân Hậu Triệu 后赵, định đô tại Long Thành 龙城 (nay là thành phố Triều Dương 朝阳 tỉnh Liêu Ninh 辽宁).
           Phong Dụ dâng thư lên Yên Vương Mộ Dung Hoảng vào năm 345. Như vậy Phong Dụ người khoảng thời Nguỵ Tấn)

Trong nguyên tác in nhầm câu thứ 2 là:
Nang nang tiêu tiêu lưỡng tụ hàn
囊囊萧萧两袖寒
          Trong nguyên tác in nhầm câu thứ 4 là:
Tả thủ nhất chi thanh sấu chi
写取一枝清瘦枝
Lưỡng tụ hàn 两袖寒:
          Vu Khiêm 于谦ở bài Nhập kinh thi 入京诗viết rằng:
Quyên mạt, ma cô, dữ tuyến hương
Bổn tư dân dụng phản vi ương
Thanh phong lưỡng tụ triều thiên khứ
Miễn đắc lư diêm thoại đoản trường
绢帕磨菇与线香
本资民用反为殃
清风两袖朝天去
免得闾阎话短长
(Khăn lụa, nấm và tuyến hương
Vốn là những thứ mà người dân hưởng dụng, nhưng vì bọn quan tham vơ vét để dâng nạp nên đã gây ra tai hoạ
Ta vào triều kiến thiên tử chẳng mang theo thứ gì chỉ có hai ống tay áo đầy gió
Tránh được xóm làng dị nghị lời ra tiếng vào.)
          Thành ngữ “thanh phong lưỡng tụ” dùng để ví quan lại cực kì liêm khiết. 

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 05/5/2019

Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post