Dịch thuật: Thanh chi nhẫn (kì 2)



声之忍
(其二)
          文侯不好古乐, 而好郑卫; 明皇不好奏琴, 乃取羯鼓以解秽. 虽二君之皆然, 终贻笑于后世.
                                         (忍经)

THANH CHI NHẪN
(kì nhị)
          Văn Hầu bất hiếu cổ nhạc, nhi hiếu Trịnh Vệ; Minh Hoàng bất hiếu tấu cầm, nãi thủ Yết cổ dĩ giải uế. Thuy nhị quân chi giai nhiên, chung di tiếu vu hậu thế.
                                                                                           (Nhẫn kinh)

THANH CHI NHẪN
(kì 2)
          Nguỵ Văn Hầu không thích nhã nhạc thời cổ, mà lại thích nhạc của nước Trịnh nước Vệ; Đường Minh Hoàng không thích nghe tấu nhạc, mà lại thích nghe tiếng trống của tộc người Yết để giải buồn. Hai vị quân chủ này như thế, cuối cùng không tránh khỏi bị người đời sau chê cười.

Chú của nguyên tác
          Trong Lễ kí – Nhạc kí 礼记 - 乐记 có chép, Nguỵ Văn Hầu 魏文侯 hỏi Tử Hạ 子夏:
          - Ta ngồi nghiêm trang ngay ngắn để nghe cổ nhạc, thì nghe không hiểu; mà nằm nghe âm nhạc nước Trịnh nước Vệ thì lại không biết chán. Xin hỏi, nhạc cổ và nhạc mới tại sao khác nhau như thế?
          Tử Hạ đáp rằng:
          - Thời cổ, trời đất hoà thuận, bồn mùa thích đáng. Có lẽ loại mà hiện ngài thích là loại thanh âm lả lướt chăng? Âm nhạc nước Trịnh không hề có chút tiết chế, phóng túng ý chí; âm nhạc nước Vệ thì lê thê dài dòng, làm phiền tâm chí, cả hai đều là loại dâm ở sắc mà hại ở đức, không thể dùng được.
          Đường Minh Hoàng chưa nghe hết cầm khúc đã bảo dừng lại ngay, nói rằng:
- Mau truyền hoa nô mang trống của tộc người Yết đến để ta giải nỗi buồn phiền.
          Thế là trống Yết mang đến, gọi hoa nô đến. Hoa nô ở đây chỉ Nhữ Dương Vương Lí Tiến 汝阳王李璡, Nhữ Dương Vương Lí Tiến từng đội mũ nhạ tiêu 砑硝 tấu nhạc. Đường Minh Hoàng đích thân hái một đoá hoa dâm bụt cài lên mũ của Lí Tiến, gọi ông ta là “hoa nô” 花奴.
Trống Yết là loại nhạc của ngoại tộc. Loại nhạc mà Nguỵ Văn Hầu, Đường Minh Hoàng hai vị quân chủ này thích đều không phải là nhã nhạc của tiên vương thánh triết thời cổ, mà là loại nhạc tà dâm thô tục của thế tục. Hai người đó bị người đời sau chê cười.

Yếu nghĩa
          Nguỵ văn Hầu không thích nhạc cổ mà lại thích nhạc của nước Trịnh nước Vệ tương đối vui vẻ, gần với thời đại; Đường Huyền Tông không thích nghe tấu cầm mà lại thích nghe tiếng trống Yết của ngoại tộc đưa vào. Tác giả của Khuyến nhẫn bách châm 劝忍百箴 Hứa Danh Khuê 许名奎cho rằng, hai vị quân chủ này đều để lại tiếng cười cho đời sau. Trên thực tế, Nguỵ văn Hầu trị lí nước Nguỵ, từng khiến cho nước Nguỵ cường thịnh, được người đời sau khen ngợi. Còn chính tích của Đường Huyền Tông thời Khai Nguyên 开元 cũng rất rực rỡ, chỉ có điều lúc về già hoang dâm, mới dẫn đến loạn An Sử 安史, để lại tiếng xấu. Tình hình của hai vị quân chủ này cùng với tình hình trước và sau thời Huyền Tông đều không giống nhau, cho nên cần phải phân biệt cho rõ.

                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                                        Quy Nhơn 03/4/2019

Nguồn        
ĐẠO ĐỨC KINH
道德经
(Xuân Thu)  Lí Nhĩ 李耳
Bắc Kinh Yên Sơn xuất bản xã
Previous Post Next Post