Dịch thuật: "Long" nhập Lao Vương Điến

“LONG” NHẬP LAO VƯƠNG ĐIẾN

          Trong Bạch Dương Điến 白洋淀 (1) có một hành cung do hoàng đế Khang Hi 康熙 tu tạo. Phía bắc hành cung có Lao Vương Điến 捞王淀 (2). Tại sao lại gọi là Lao Vương Điến? Truyền thuyết cho rằng có liên quan với hoàng đế Càn Long 乾隆.
          Một năm nọ, hoàng đế Càn Long xuống thăm Giang Nam 江南, trạm đầu tiên mà ông ta ghế đến chính là toà hành cung này. Đương lúc giữa mùa hè, Càn Long ngồi thuyền rồng, thưởng thức phong cảnh ở Bạch Dương Điến, hi vọng sẽ thấy được kì quan “ngư dược Điến không” 鱼跃淀空 (cá vượt lên không ở Bạch Dương Điến), rồi nhân đó sẽ tức cảnh làm thơ. Nhưng ngay cả bóng dáng của cá cũng không thấy đâu, Càn Long mất hứng, thơ cũng không thành.
          Càn Long về lại hành cung, đương lúc u buồn không vui, một viên thái giám bưng đến một chậu nhỏ trong đó một con cá chép sắc đỏ còn sống. Cá trong chậu quẫy tung tăng, không ngừng nổi lên những bọt nước trắng. Càn Long nhìn thấy, vui mừng liền hỏi:
          - Cá từ đâu đến vậy?
          Thái giám tâu rằng:
          - Tri huyện sai người từ Bạch Dương Điến bắt về, đặc biệt dâng tặng cho Vạn tuế thưởng thức. 
          - Trong Bạch Dương Điến có loại cá chép đẹp như thế này sao? sao trẫm không thấy?
          Thái giám là người giỏi nịnh, liền tâu rằng:
          - Thánh giá Vạn tuế ngồi thuyền rồng xuất du, tôm cá nào dám xuất hiện?
          Càn Long gật gật đầu, bảo rằng:
          - Thế thì trẫm sẽ ngồi thuyền của dân, giả trang thành thương nhân, cá có lẽ sẽ không tránh đâu.
          Thái giám vừa nghe qua đã mướt mồ hôi, nhưng cũng đành nói:
          - Đúng! Đúng!
          Càn Long nói làm là làm, lập tức bảo thái giám cải trang y phục thương nhân cho ông, tìm một chiếc thuyền của dân, đích thân đến Bạch Dương Điến xem cá đỏ. Điều đó gây khó cho thái giám: Đi, nếu mà nhìn không thấy cá, thì làm sao đây? Đành phải tìm lí do, nói rằng:
          - Vạn tuế hãy còn chưa ăn cơm trưa, để hôm khác đi vậy!
          - Không được! đi ngay lập tức.
          Càn Long trừng mắt nhìn. Thái giám không còn cách nào vội ra khỏi hành cung, chạy đến bên bờ tìm một chiếc thuyền. Vừa gặp lúc có một chiếc thuyền chèo tới. Thái giám ngăn lão thuyền phu, nói rằng:
          - Đại nhân nhà tôi muốn ngồi thuyền của ông đi đến Bạch Dương Điến  xem cá đỏ.
          Lão thuyền phu nghe qua đại nhân muốn ngồi thuyền của mình, sợ khó mà hầu hạ, bèn nói:
          - Ái chà! Thuyền của tôi nhỏ quá, sợ .....
          - Không sao, đại nhân thích ngồi thuyền nhỏ, chỉ cần nhìn thấy được cá, nhất định sẽ đưa cho ông nhiều ngân lượng.
          Lão thuyền phu nghe nói xem cá đỏ, lại đồng ý đưa ngân lượng, liền nói:
          - Cá đỏ chỉ ở Bạch Dương Điến có, chỉ có điều nơi đó sóng lớn ....
          Nghe nói có cá đỏ, thái giám vui mừng, chẳng đợi thuyền phu nói hết, khoác khoác tay bảo rằng:
          - Được rồi, sẽ đến Bạch Dương Điến.
          Một lát sau, thái giám đưa một người ăn mặc tựa thương nhân đến. Lão thuyền phu nhìn qua, người này đầu lớn tai to, bước đi khoan thai giống như một vị quan lớn, nhưng ông ta không dám hỏi nhiều. Đại khái đi khoảng chừng một tiếng đồng hồ, không phải đợi lão thuyền phu giới thiệu, cá đỏ giống như lật tung Bạch Dương Điến, có con nhảy vào mạn thuyền, có con ưỡn mình trên không rồi lại lặn xuống nước, có con quẫy đầu quẫy đuôi, làm nổi lên những bọt sóng trắng; lại có cả hàng ngàn con vây lấy thuyền. Bình thường trong cung Càn Long làm gì thấy được kì quan như thế, Càn Long hoa cả mắt, không nghĩ đến việc làm thơ, vươn tay ra bắt cá. Nào ngờ vì không lưu ý, rơi xuống Bạch Dương Điến. Càn Long không biết bơi, thái giám quá sợ, vội quỳ khẩn cầu lão thuyền phu:
          - Mau cứu, người rơi xuống nước là đương kim Vạn tuế đó!
          Lão thuyền phu sững sờ giây lát, liền nhảy xuống nước vớt Càn Long đưa lên thuyền. Càn Long uống no nước, mắt còn nhắm, hơi thở nơi mũi yếu ớt. Nhìn thấy không xong, thái giám lại quỳ nói với lão thuyền phu:
          - Mau mau cứu Vạn tuế!
          Lão thuyền phu không nói tiếng nào, lấy chiếc sào đặt ngang trên thuyền, rồi đặt úp bụng Càn Long lên sào. Một lát sau, nước trong bụng Càn Long ọc ra. Càn Long mở mắt nhìn, lẩm nhẩm trong miệng:
          - Ta đang ở nơi đâu? Ta đang ở nơi ....
          Thái giám không biết tên Bạch Dương Điến, liền ra mắt với lão thuyền phu, lão thuyền phu nói đùa rằng:
          - Tại Diêm Vương Điến 阎王淀!
          - Sao?
          Càn Long nghe 3 chữ  Diêm Vương Điến, sợ hãi nhắm mắt lại. Thái giám đoán được tâm ý của Càn Long, liền nói:
          - Không phải! thưa Vạn tuế, đây là Lao Vương Điến 捞王淀!
          Lão thuyền phu nghe thái giám nói, cũng phụ hoạ theo:
          - Đúng rồi! Vạn tuế gia, đây là Lao Vương Điến.
          Vừa nghe “Lao Vương Điến”, Càn Long tỉnh thần lại, nghĩ rằng: hôm nay quả là không được cát lợi, sao lại chạy tới Lao Vương Điến này chứ? Thế là lệnh cho thái giám thưởng cho lão thuyền phu một số ngân lượng rồi vội vàng về lại hành cung.
          Nhân vị gặp phải sự việc không được cát lợi như thế, Càn Long quyết định không xuống phía nam nữa, lập tức phản hồi Bắc Kinh. Về đến Bắc Kinh, nỗi sợ kéo dài cả một thời gian dài, Càn Long luôn ngủ không yên, ăn không ngon.

Chú của người dịch
1- Bạch Dương Điến 白洋淀: điến là hồ, đầm. Bạch Dương Điến ở tỉnh Hồ Bắc 湖北Trung Quốc.
2- Lao Vương Điến 捞王淀: Lao có nghĩa là vớt lên, “lao vương” 捞王vớt vua lên.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                    Quy Nhơn 24/3/2019

Nguồn
ĐẠI THANH HOÀNG ĐẾ KÌ VĂN BÍ SỬ
大清皇帝奇闻秘史
Tác giả: Lưu Gia Bình 刘家平
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2004
Previous Post Next Post