Dịch thuật: "Chu Dịch" (Đại bản doanh của học thuyết Âm Dương)

CHU DỊCH”
Đại bản doanh của học thuyết Âm Dương

          Chu Dịch 周易là bộ kì thư thiên cổ, nó đứng đầu lục kinh, gốc của quần nghệ, đại bản doanh của học thuyết Âm Dương.
          Vì sao bộ sách này lấy tên là “Chu Dịch”? có người cho rằng “Chu” có nghĩa là “chu táp” 周匝 (quây vòng, chu đáo, chu mật); có người cho “Chu” là “Chu tộc” 周族 (tộc Chu)  “Chu đại” 周代 (đời Chu). Còn như “Dịch” , có người cho giản hoá hình dạng con rắn mối, có người cho rằng “nhật” “nguyệt” là “dịch”, cũng có người cho nó có nghĩa là là đơn giản thô sơ, biến dịch, bất dịch.
          Về tác giả của Chu Dịch, trước giờ có thuyết “Dịch canh tam thánh” 易更三圣: Phục Hi thị 伏羲氏 làm ra bát quái (8 quẻ); Chu Văn Vương 周文王 diễn bát quái thành lục thập tứ quái (64 quẻ); Khổng Tử 孔子 viết Thập dực 十翼. Có người cho rằng Chu Dịch là do di dân nhà Ân sau khi nhà Ân bị diệt vong làm ra, cũng có người cho rằng là sáng tác của ..... Tí Tử Cung (1)  ..... 臂子弓 người nước Sở, lại có người cho rằng xuất phát từ quan coi việc bốc phệ. Trên thực tế, Chu Dịch không phải là sáng tác của một người, một thời, mà nó là sáng tác do các vu sĩ không rõ họ tên thời thượng cổ trong trường kì thực tiễn dùng hình thức tích luỹ sáng tạo ra.
          Chu Dịch 周易 bao gồm Dịch kinh 易经Dịch truyện 易传.
          Các bậc tiên triết lấy Liên sơn 连山, Quy tàng 归藏Dịch kinh 易经làm “tam Dịch”. Hai bộ đầu đã thất truyền. Dịch kinh là bộ phận kinh văn của Chu Dịch, nó là “phệ thư” 筮书 mang ý nghĩa triết học tôn giáo, văn tự thì đơn giản cổ xưa khó đọc, nội dung thì từng mảng linh tinh. Dịch kinh ghi chép 64 quẻ (quái ), mỗi quẻ có 6 hào , quẻ Càn có hào “dụng cửu” 用九, quẻ Khôn có hào “dụng lục” 用六, cho nên tổng cộng có 386 hào. Mỗi quẻ trình bày gồm quái hình, quái danh, quái từ, như:
Thuần Càn Càn, nguyên hanh lợi trinh.
, 元亨利贞
Mỗi hào có hào đề, hào từ, như:
Sơ cửu, tiềm long vật dụng.
初九, 潜龙勿用
          Quái từ và hào từ tổng cộng có 450 điều, hơn 4900 chữ.
          Dịch truyện 易传là những lời giải thích Dịch kinh, cho nên gọi là Thập dực 十翼, “dực” mang ý nghĩa bổ trợ cho “kinh” . Thập dực vốn độc hành trên đời, về sau mới hợp với Dịch kinh làm thành Chu dịch lưu hành trên đời. Thập dực có 7 loại 10 thiên, phân biệt như sau:
          - Hệ từ 系辞 thượng hạ thiên, luận kinh nghĩa, công dụng và phệ pháp của Dịch kinh.
          - Thoán truyện 彖传 thượng hạ thiên, giải thích quái danh và quái từ của 64 quẻ.
          - Tượng truyện 象传thượng hạ thiên, giải thích quái tượng.
          - Văn ngôn 文言1 thiên, giải thích Càn Khôn.
          - Thuyết quái 说卦1 thiên, giải thích sự vật mà bát quái tượng ra.
          - Tự quái 序卦 1 thiên, giải thích quan hệ mà 64 quẻ thuận theo thứ tự bày ra.
          - Tạp quái 杂卦 1 thiên, giải thích quái nghĩa của 64 quẻ.
          Khổng Tử 孔子cùng đệ tử đều hết lòng nghiên cứu Chu Dịch. Đến đời Hán, Chu Dịch trở thành một môn hiển học. Quan phương đương thời rất coi trọng, xuất hiện những đại sư chuyên về Dịch, xuất hiện phái Tượng số và phái Dịch lí. Từ đó, Chu Dịch trải qua một thời gian không suy.
          Đối với học thuyết Âm Dương, Chu Dịch trình bày rất đầy đủ. Phù hiệu cơ bản của bát quái là hào dương (vạch liền) và hào âm (vạch đứt). Âm dương là phép tắc phổ biến đối của đối lập và thống nhất, quán xuyến sự vật vạn vật, như thiên địa, tôn ti, động tĩnh, cương nhu, quân thần, sinh tử đều có thể dùng âm dương để giải thích. Học thuyết âm dương là tư tưởng triết học chất phác, nó thẩm thấu đến các phương diện của văn hoá truyền thống, có tác dụng chính mang tính chỉ đạo. Thời cổ, y học, lịch pháp thiên văn, dân tục ở Trung Quốc không gì là không liên quan đến học thuyết âm dương, nguồn gốc của học thuyết âm dương chính là Chu Dịch.
          Học giả các đời nghiên cứu Chu Dịch và thành quả nghiên cứu nhiều không kể xiết. Tử Hạ Dịch truyện 子夏易传 là bộ sách chú về Dịch sớm nhất sau Khổng Tử mà chúng ta có thể thấy được. Ngoài ra, còn có Dịch lâm 易林của Tiêu Diên Thọ 焦延寿, Dịch truyện 易传 của Kinh Phòng 京房 đời Hán; Dịch chú 易注 của Vương Bật 王弼 đời Nguỵ, Chu Dịch chính nghĩa 周易正义 của Khổng Dĩnh Đạt 孔颖达, Chu Dịch tập giải 周易集解 của Lí Đỉnh Tộ 李鼎祚 đời Đường; Chu truyện 周传của Trình Di 程颐, Chu Dịch bản nghĩa 周易本义của Chu Hi 朱熹, Hoàng cực kinh thế 皇极经世 của Thiệu Ung 邵雍đời Tống, đều là những trứ tác về Chu Dịch có ảnh hưởng rất quan trọng.
          Từ thế kỉ 20 lại đây, các bản về Chu Dịch ra đời càng nhiều, tra duyệt vô cùng tiện lợi.

Chú của người dịch
1- ..... Tí Tử Cung ..... 臂子弓: Chữ ở .... này gồm bên trái chữ (ô), bên phải chữ (can), chưa biết âm đọc là gì.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 17/3/2019

Nguyên tác Trung văn
CHU DỊCH”
周易
Trong quyển
THẦN BÍ VĂN HOÁ ĐIỂN TỊCH ĐẠI QUAN
神秘文化典籍大观
Tác giả: Vương Ngọc Đức 王玉德, Dương Sưởng 杨昶
Nam Ninh: Quảng Tây nhân dân xuất bản xã, 2003.
Previous Post Next Post