ỐC SÊN VÀ BÒ
Ốc sên
và bò vốn là anh em cùng một cha mẹ sinh ra. Ốc sên là anh, bò là em, nhưng
tính tình của cả hai không giống nhau, tuy ốc sên thể chất mềm yếu, nhưng suốt
cả ngày chui trong nhà ngủ. không chú ý đến việc gì, tựa hồ làm biếng muốn chết.
Bò từ nhỏ đã thích làm việc, rất siêng năng chăm chỉ.
Người
cha tuổi đã cao, lại thêm có bệnh, làm không nỗi việc nặng, cày không nỗi ruộng.
Nhìn thấy người ta làm ruộng, ruộng của mình lại không cày cấy được, người cha
sốt ruột, vác cày lên vai ra ruộng, miệng không ngừng gọi:
- Ốc sên, bò, mau ra cày ruộng.
Ốc sên
chui trong nhà không ngó ngàng gì đến, cũng không chịu ra.
Bò nghe
cha gọi, vội chạy ra ruộng nói với cha:
- Cha à! Con giúp cha cày ruộng!
- Con à! Con còn nhỏ, không biết cày đâu!
Bò nói
rằng:
- Cha! Cha dạy con đi, con có thể học được.
Người
cha thở dài, nói rằng:
- Gọi ốc sên ra cày! Đứa lớn không ra, đứa nhỏ
lại ra.
Hiện những
đứa bé vùng Thiểm nam mỗi khi bắt ốc sên chơi, miệng chúng luôn nói:
- Ốc sên, ốc sên, ra cày ruộng. Đứa lớn không
ra, đứa nhỏ lại ra.
Đó
chính là câu từ lúc đó lưu truyền lại.
Người
cha không còn cách nào, đành phải để bò mang cày, dạy bò cày ruộng. Bò rất
chuyên tâm, cũng rất biết nghe lời dạy. Khi đã học thì học thành, về sau trở
thành loại động vật giỏi cày ruộng nhất trên thế giới. Người cha lại dạy bò đẩy
cối xay, kéo cối nghiền.
Về sau,
người cha qua đời, bò suốt ngày nếu không cày ruộng thì đẩy cối xay, hoặc kéo cối
nghiền. Ốc sên thì suốt ngày chui trong nhà ngủ, việc gì cũng không làm, lại
còn muốn bò nuôi mình nữa.
Lời tục
có câu: “Người lười, thân lười chứ tâm không lười”, thật là đúng. Ốc sên suốt
ngày ngủ, lúc ngủ không được thì suy nghĩ bậy bạ. Có một hôm, nó chợt nghĩ ra,
trời không có móc để treo, cũng không có trụ để chống, lỡ sụp xuống thì còn sống
sót được sao? Nó càng nghĩ càng sợ, càng sợ lại càng nghĩ, nó nghĩ ra cách: làm
một căn phòng bằng đá nhỏ bên cạnh giường, trời có sụp thì
Chui vào đó, chẳng phải là bảo toàn được tính mệnh
sao?
Ốc sên
dùng sức, chuyển đá đến để xây, mọi người thấy nó khổ nhọc như thế, liền hỏi:
- Ốc sên, ốc sên, mày đang làm cái gì thế?
Ốc sên
bảo rằng:
- Xây phòng đá.
- Xây phòng đá để làm gì?
- Trời có sụp thì trốn được.
Mọi người
nghe qua đều cười nhạo nó:
- Này ốc sên, trời sụp thì phòng bằng đá cũng
không đỡ nỗi đâu.
Nhưng ốc
sên không tin lời mọi người, vẫn cứ bận rộn xây.
Phòng
đá xây xong, nó vẫn cứ suốt ngày nằm trên giường ngủ, việc gì cũng không làm,
ngay cả ăn cơm cũng bảo bò mang đến.
Bò thấy
ông anh vừa lười vừa sợ chết như thế, trong lòng u sầu, bèn đi khuyên ốc sên:
- Anh à! Chúng ta cùng nhau cày ruộng đi!
Ốc sên
uể oải nói rằng:
- Mầy không sợ trời sụp đè chết thì mầy đi đi,
tao không đi.
Bò cười
nói rằng:
- Anh không cày, tôi không cày, bụng đói, lấy
gì để ăn?
- Mầy thích cày thì mày đi đi, tao sợ trời sụp
tao không đi.
Bò thấy
khuyên không được, tức giận nói rằng:
- Em thấy trời có sụp cũng đè không chết anh
mà là sau này anh không thể không chết vì đói.
Ốc sên
nghe đứa em mắng nó “chết”, nó lập tức nổi giận, cầm cục đá ném bò, đồng thời mắng
rằng:
- Cái thứ không dạy được, dám mắng anh mình.
Mắng là
chuyện nhỏ, hòn đá ném trúng miệng bò, làm rụng hết hàm răng trên của bò, hại đến
mức hiện tại bò không có răng trên.
Bò tức
giận, dùng sừng húc ốc sên, chẳng ngờ húc trúng trụ. “Ầm” một tiếng, nhà sụp xuống,
gạch đá, rường nhà đổ xuống, khiến ốc sên tưởng trời sụp, liền chui vào phòng
đá, từ đó không dám chui ra đi một bước.
Bò
không muốn sống chung với người anh nữa, bèn dọn ra ở riêng.
Từ đó, ốc
sên không có người nuôi. Lúc đói, đành tìm chút rêu, cỏ non để ăn. Cứ như thế,
vẫn không dám bước ra khỏi phòng bằng đá, bèn cõng trên lưng phòng đá bò ra
ngoài. Ốc sên cứ cõng, cứ bò, phòng bằng đá đè lên thân khiến toàn thân co rúm lại
chỉ lớn bằng móng ngón tay cái, nhưng nó vẫn không tỉnh ngộ.
Hiện
nay tại vùng Thiểm nam có câu:
Oa ngưu bối phòng tử ------ bạch thụ khổ.
蜗牛背房子 ----- 白受苦
(Ốc sên cõng căn phòng ------ chịu khổ vô ích)
Đó chính là nói về câu chuyện này.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/01/2019
Nguồn
PHI CẦM TẨU THÚ ĐÍCH NGỤ NGÔN
飛禽走獸的寓言
Nhóm biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti xuất bản,
2000.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật