Dịch thuật: Những cuộc phản loạn của mấy người em A Bảo Cơ

NHỮNG CUỘC PHẢN LOẠN CỦA MẤY NGƯỜI EM A BẢO CƠ

          A Bảo Cơ 阿保機là Liêu Thái Tổ 遼太祖. Triều Liêu chính là Khất Đan 契丹 (1). Khất Đan nguyên là một nhánh của tộc Tiên Ti 鮮卑, một dân tộc du mục cổ xưa ở phía bắc Trung Quốc. Thời kì Bắc Nguỵ thống trị (trước sau thế kỉ thứ 4), Khất Đan phân thành 8 đại bộ lạc, thủ lĩnh bộ lạc cứ 3 năm họp một lần cùng chọn ra một người làm Đại Hàn. Thế kỉ thứ 9, xã hội Khất Đan phân hoá lớn, Điệt Thích bộ 迭刺部trở thành bộ tộc mạnh nhất. A Bảo Cơ được sinh ra trong đại gia đình thế tộc này.
          Trong Liêu sử - Thái Tổ kí 遼史 - 太祖記còn chép một đoạn thần bí, nói rằng mẫu thân là Tiêu thị 蕭氏nằm mộng thấy mặt trời sa vào lòng liền mang thai. Khi đứa bé ra đời, cả nhà rực sáng dị thường, 3 tháng đã có thể nói, có thể đi. Đoạn ghi chép này chẳng qua là nói A Bảo Cơ khác với người thường. A Bảo Cơ từ nhỏ đã thích tập võ, lên 10 tuổi đã có thể kéo cung lớn nặng 300 cân. Năm 901, A Bảo Cơ 29 tuổi được chọn làm tù trưởng của Điệt Thích bộ. 6 năm sau, ông được cử làm Khắc Hàn 可汗 (2).
          A Bảo Cơ có được ngôi vị Khắc Hàn đã dẫn đến sự bất mãn của cựu quý tộc, họ tuy không có lực lượng để chống lại A Bảo Cơ, nhưng đã xúi giục mấy người em của A Bảo Cơ là Thích Cát 刺葛, Điệt Thích 迭刺, Dần Để Thạch 寅底石, An Thuỵ 安瑞đối kháng, trước sau 3 lần phát động vũ trang phản loạn.
          Thế lực cũ lúc bấy giờ hãy còn rất mạnh, A Bảo Cơ đã thực hiện một số biện pháp mới, đa phần trái ngược với lợi ích của cựu quý tộc, gây nên sự bất mãn kịch liệt của họ. Tháng 5 năm Liêu Thái Tổ thứ 5 (năm 911), mấy người em Thích Cát, Điệt Thích, Dần Để Thạch, An Thuỵ lấy cớ A Bảo Cơ không tuân theo tổ chế  - 3 năm không cử hành nghi thức lên ngôi vị Hàn – đã phát động lần phản loạn thứ nhất. Nhờ người vợ của An Thuỵ mật báo hực tình hình cho A Bảo Cơ, nên ông đã kịp thời tìm biện pháp ra tay trước, bắt toàn bộ mấy người em.
          Về sau, ông nghĩ tới bản thân mình xưng Hàn chưa lâu, cần phải thu phục nhân tâm, nhất là không nên dùng vũ lực với mấy người em, nên đã xá miễn cho họ, đồng thời theo tập tục của bộ lạc, cùng với họ lên núi minh thệ, vĩnh viễn kết giao hữu hảo. A Bảo Cơ hi vọng sự thoả hiệp này sẽ đổi lấy sự ủng hộ của cựu quý tộc. Nhưng ông chưa được như nguyện.
          Tháng 7 năm Liêu Thái Tổ thứ 6 (năm 912), Thích Cát, Điệt Thích thừa lúc A Bảo Cơ xuất binh, một lần nữa tạo phản. A Bảo Cơ vội dẫn quân phản hồi, nhưng không hề phản công trực tiếp, mà là dẫn binh chuyến xuống phía nam, đồng thời vào tháng 10 năm đó, đốt lửa tế Thiên, cử hành nghi thức Sài sách 柴冊 truyền thống, một lần nữa biểu thị tính hợp pháp của việc tự lập làm Khắc Hàn, khiến nhóm phản loạn mất đi sức hiệu triệu. Rất nhanh chóng, mấy người em của ông lại sai người đến tạ tội. Một lần nữa, A Bảo Cơ lại khoan thứ cho họ.
          Nhưng cuộc tranh đấu không dừng lại, chỉ 3 tháng sau, lần phản loạn thứ 3 bắt đầu. Thích Cát 2 lần mưu phản không thành, liền dẫn quân chạy về phía bắc, chuẩn bị “cụ thiên tử kì cổ, tương tự lập” 具天子旗鼓將自立 (đầy đủ cờ trống thiên tử, định tự lên ngôi), đồng thời phái Điệt Thích và An Thuỵ mượn danh nghĩa nhập triều yết kiến, đồ tính giết A Bảo Cơ.
          Không ngờ sự việc thất bại, A Bảo Cơ bắt Điệt Thích và An Thuỵ. Thích Cát lại phái người đánh vào hành cung của A Bảo Cơ, thiêu huỷ quân nhu lương thực. Phu nhân A Bảo Cơ là Thuật Luật 述律phái người đoạt về lại cờ trống thiên tử mà đã bị cướp đi.
          Tháng 4, A Bảo Cơ không thể nhẫn được nữa, bèn cử binh thảo phạt. Trước tiên ông bắt sống Điệt Thích và An Thuỵ, lại dẫn đại quân truy kích Thích Cát, bắt Thích Cát tại Du hà 渝河, dẹp yên được cuộc phản loạn.
          Mấy người em của A Bảo Cơ 3 lần phản loạn, trải qua thời gian 2 năm, đã mang đến cho bách tính lúc bấy giờ sự nguy hại to lớn, thậm chí quân dân “nấu  cả chó ngựa, hái cả rau dại làm thức ăn, bọn nghiệt súc ngã chết ngoài đường có đến bảy tám phần mười, vật giá tăng gấp 10 lần”.
          Đến năm 915 (niên hiệu Trinh Minh 貞明nguyên niên nhà Hậu Lương 后梁), A Bảo Cơ đã liên tiếp 3 lần làm Đại Hàn 大汗, thực lực ngày càng hùng hậu. Quý tộc trong 7 bộ sợ mất đi quyền thế của mình, nên đã bí mật thương lượng:
          Trước đây chúng ta cứ 3 năm một lần chọn Đại Hàn, nhưng A Bảo Cơ đã nhậm chức liền 9 năm, vẫn không có ý từ bỏ chức vị, muốn trường kì nhậm chức, như vậy sao được?
          Trải qua bí mật bàn bạc, bọn họ bèn tiến hành một lần “binh gián” 兵諫, dùng vũ lực uy hiếp A Bảo Cơ giao đại quyền.
          A Bảo Cơ bị bức bởi tình thế, đành biểu thị bằng lòng tuân thủ cựu ước. Ông dùng kế sách của thê tử là Thuật Luật, hướng đế quý tộc biểu thị:
          - Ta làm vương từ 9 năm nay, không ít người Hán đến quy phụ, ta định lập riêng một bộ tại Hán Thành 漢城 (nay là phía bắc Cô Nguyên 沽源Hà Bắc 河北).
          Sau khi yêu cầu này được đáp ứng, tại Hán Thành A Bảo Cơ bèn phát triển sản xuất, mở mang mậu dịch.
          Một ngày tháng 2 năm 916, A Bảo Cơ mời thủ lĩnh 7 bộ tụ hội tại Diêm Trì 鹽池. Thủ lĩnh các bộ mỗi người mang đến nhiều bò dê rượu thịt đến dự hội. Nhưng bọn họ không đề phòng mưu kế của A Bảo Cơ. Hoá ra tại gần nơi tụ hội, A Bảo Cơ sớm đã mai phục trọng binh, nhân lúc thủ lĩnh các bộ say, dùng cung tiễn bắn chết bọn họ, đoạt về lại quyền lực, thống nhất các bộ Khất Đan.
          Trong năm đó, A Bảo Cơ theo thể chế vương triều của người Hán, kiến lập chính quyền Khất Đan, đặt niên hiệu là “Thần Sách” 神冊, tự xưng “Thiên Hoàng Đế” 天皇帝, xưng thê tử là “Địa Hoàng Hậu” 地皇后. Người con là Da Luật Bội 耶律倍được lập làm hoàng thái tử, tuyên cáo vương triều Liêu ra đời. Từ đó về sau, mãi cho đến lúc vương triều Liêu diệt vong, hoàng đế Khất Đan do một nhà Da Luật A Bảo Cơ 耶律阿保機 thế tập.
  
Chú của người dịch
1- Khất Đan 契丹
     Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, chữ có các âm đọc như sau: “khế”, “tiết”, “khiết”, “khất” với nghĩa khác nhau. Riêng âm “khất”, ghi rằng:
          Khất Đan 契丹 tên một nước nhỏ ngày xưa, thuộc tỉnh Trực Lệ bây giờ. Sau đổi là nước Liêu (trang 124).
          Trong Khang Hi tự điển 康熙字典, trang 187 cũng có các âm như trên. Riêng với âm “khất” ghi rằng:
          Tập vận 集韻phiên thiết là 欺訖 (khi cật), âm (khất).
          Khất Đan, quốc hiệu. Tống vi nam triều, Khất Đan vi bắc triều, hậu cải hiệu Liêu.
          契丹, 國號. 宋為南朝, 契丹為北朝, 後改號遼.
          (Khất Đan là tên nước. Tống là nam triều, Khất Đan là bắc triều, sau đổi gọi là Liêu)
          Như vậy tên tộc người, tên nước đọc là “Khất Đan”.

2- Khắc Hàn 可汗:
A- Về chữ :
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典có ghi:
- Bính âm ke (thanh 3) (khả):
          “Đường vận”: khẳng ngã thiết.
          “Tập vận”, “Vận Hội”, “Chính vận”: khẩu ngã thiết. Tịnh âm (khả).
     .....  
     唐韻”: 肯我切.
          “集韻”, “韻會”, “正韻”: 口我切. 並音坷.
      .......
     “Đường vận” phiên thiết là “khẳng ngã”.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” phiên thiết là “khẩu ngã”. Đều có âm là (khả).
- Bính âm ke (thanh 4) (khắc):  
          “Tự vựng bổ”: khổ cách thiết. Âm (khắc).
          “Nguỵ thư – Thổ Dục Hồn truyện”: “Khắc Hàn thử phi phục nhân sự.”
          “Đường thư – Đột Quyết truyện”: “Khắc Hàn do Thiền Vu dã, thê viết Khắc Đôn.”
          “字彙補”: 苦格切. 音克
          “魏書 - 吐谷渾傳”: “可汗此非復人事.”
          “唐書 - 突厥傳”: “可汗猶單于也, 妻曰可敦.”
          “Tự vựng bổ” phiên thiết là “khổ cách”. Âm   (khắc)
          “Nguỵ thư – Thổ Dục Hồn truyện” có ghi:
“Khắc Hàn, đó không phải là việc của con người nữa rồi”
          “Đường thư – Đột Quyết truyện” cũng ghi:
 “Khắc Hàn, giống như Thiền Vu, thê gọi là Khắc Đôn”
(“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 233)

Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
          Khả 1: ưng cho. 2: khá, như khả dã 可也khá vậy.
          Một âm là khắc: Khắc hàn 可汗các nước bên Tây vực gọi vua chúa của họ là khắc hàn.
          (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015, trang 73)
          Như vậy chữ trong 可汗tên nhân vật, ở đây đọc là “Khắc”.

B- Về chữ :
Trong Khang Hi tự điển 康熙字典có ghi:
- Bính âm han (thanh 4) (hãn):
          “Đường vận”, “Tập vận”, “Vận hội”: hầu cán thiết.
          “Chính vận”: hầu cán thiết. Tịnh âm (hàn)
          ..........
          “唐韻”, “集韻”, “韻會”: 侯旰切
正韻”: 侯幹切. 並音翰.
          ...........
          “Đường vận”, “Tập vận” phiên thiết là “hầu cán”.
          “Chính vận” phiên thiết là hầu cán. Đều có âm đọc là (hàn).
- Bính âm han (thanh 2) (hàn):
          “Đường vận”: hồ an thiết.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận”: hà can thiết. Tịnh âm (hàn)
          Khắc Hàn, tù trưởng chi xưng. Độc nhược 克韓 (khắc hàn).
          Hựu Bàn Hàn, Hán huyện danh. Độc Bàn Hàn.
          “唐韻”: 胡安切.
     集韻”, “韻會”, “正韻”: 河干切. 並音寒.
     可汗, 酋長之稱. 讀若克韓.
     又番汗, 漢縣名. 音盤寒.
          “Đường vận” phiên thiết là hồ an.
          “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” phiên thiết là “hà can”. Đều có âm đọc là  (hàn).
          “Khắc hàn là từ gọi tù trưởng. Đọc như “khắc hàn”.”
          Lại có Bàn Hàn, tên một huyện đời Hán. Đọc là “Bàn Hàn”
- Bính âm gan (thanh 1) (can):
          “Đường vận” cổ hàn thiết.
          “Tập vận” cư hàn thiết. Tịnh âm (can).
          ..........
          “唐韻”: 古寒切.
          “集韻”: 居寒切. 並音干.
          ..........
          “Đường vận” phiên thiết là “cổ hàn”.
          “Tập vận” phiên thiết là “cư hàn”. Đều có âm đọc là (can).
(“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 553)

Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
          Hãn 1: mồ hôi. 2: tan lở. ..........
          Một âm là hàn, vua rợ Đột quyết gọi là khả hàn 可汗.
          (Ở chữ trang 73 thì có âm đọc là khắc hàn, ở đây lại là khả hàn. Chắc có lẽ tác giả nhầm – ND)
          (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015, trang 299)
          Như vậy chữ trong 可汗tên nhân vật, ở đây đọc là “Hàn”.
          可汗 , tên nhân vật đọc là “Khắc Hàn”.

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 06/01/2019

Nguồn
A BẢO CƠ CHƯ ĐỆ CHI LOẠN
阿保機諸弟之亂
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI TRỌNG YẾU ĐẠI SỰ
中國古代重要大事
Tác giả: Tô Châu Ngu 蘇洲虞
Ngọc Thụ đồ thư, Dân Quốc năm thứ 86
Previous Post Next Post