Dịch thuật: Người xưa chia ra "quân tử" và "tiểu nhân" dựa theo tiêu chí nào

NGƯỜI XƯA CHIA RA “QUÂN TỬ”
VÀ “TIỂU NHÂN” DỰA THEO TIÊU CHÍ NÀO

          Người xưa chia người ra làm hai loại “quân tử” 君子 và “tiểu nhân” 小人 là hoàn toàn kế thừa cách nói của Khổng Tử 孔子. Về tiêu chí, đại thể cũng dựa theo những ngôn luận của Khổng Tử khi Khổng Tử nói về hai loại người này, chỉ là sau này dần có sự phát triển hoàn thiện, hình thành cách nói phổ biến và cố định.
          Trong ngôn luận của Khổng Tử, cách nói về quân tử và tiểu nhân tương đối nhiều. Theo Khổng Tử, điểm đầu tiên khác nhau giữa quân tử và tiểu nhân là ở chỗ “uý” (sợ).
          Quân tử hữu tam uý, uý thiên mệnh, uý đại nhân, uý thánh nhân chi ngôn. Tiểu nhân bất tri thiên mệnh nhi bất uý dã, hiệp đại nhân, vũ thánh nhân chi ngôn. (1)
          君子有三畏, 畏天命, 畏大人, 畏圣人之言. 小人不知天命而不畏也, 狎大人, 侮圣人之言.
          (Quân tử có 3 điều kính sợ, kính sợ mệnh trời, kính sợ đại nhân, kính sợ lời nói của thánh nhân. Tiểu nhân không biết mệnh trời nên không kính sợ, khinh nhờn đại nhân, coi thường lời nói của thánh nhân.)
          Ở đây đề xuất quân tử không cho mình là lớn, giữ lòng kính sợ, kính sợ mệnh trời, kính sợ người có đức hạnh, kính sợ lời dạy bảo của thánh nhân. Còn tiểu nhân tự mình cho mình là lớn, không có sự kính sợ, không tin mệnh trời, không kính sợ thánh nhân, tuỳ ý hành động. Ở đây chỉ ra sự khu biệt về mặt tâm lí của quân tử và tiểu nhân.
          Thứ đến, xuất phát điểm về hành vi của quân tử và hành vi của tiểu nhân cũng không giống nhau:
          Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi. (2)
          君子喻于义, 小人喻于利
          (Quân tử hiểu về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu về điều lợi)
          Quân tử làm việc là dựa vào đạo nghĩa sở tại, thoát khỏi sự lợi hại được mất và tốt xấu của mình. Như Khổng tử có nói:
          Quân tử chi vu thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi vu tị. (3)
          君子之于天下也, 无适也, 无莫也, 义之于比.
          (Quân tử đối với sự việc trong thiên hạ, không nhất định phải là như thế này, không nhất định cho là không được, cứ theo đạo nghĩa mà làm)
          Ý là quân tử đối với sự việc trong thiên hạ, không cố chấp, không phủ định, chỉ dựa theo nguyên tắc hợp với đạo nghĩa mà cân nhắc; còn tiểu nhân thì dựa theo lợi hại của bản thân để làm, điều mà gọi là:
          Bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi dã. (4)
          拔一毛而利天下, 不为也.
          (Nhổ một sợi lông mà làm được lợi cho thiên hạ, cũng không làm)
          Đây là từ động cơ hành vi mà chỉ ra sự khu biệt giữa quân tử và tiểu nhân.
          Hãy còn:
          Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhi đồng nhi bất hoà. (5)
          君子和而不同, 小人同而不和.
          (Quân tử hoà hợp với nhau nhưng kiến giải mỗi người có thể không giống nhau; tiểu nhân kiến giải có thể giống nhau nhưng không hoà hợp nhau)
          Ý nói giữa quân tử với nhau, kiến giải không nhất định phải tương đồng, mỗi người đều có tư tưởng độc lập của mình, nhưng đối xử lại hoà hợp nhau. Còn tiểu nhân do bởi không có sự kiên trì tinh thần của mình, tuy thể hiện rõ đây đó giống nhau, nhưng lại không hoà mục. Đây là từ việc xử lí quan hệ giao tiếp mà chỉ ra sự khu biệt giữa quân tử và tiểu nhân.
          Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân thường thích thích. (6)
          君子坦荡荡, 小人常戚戚,
     (Quân tử luôn thanh thản, tiểu nhân thường lo lắng)
          Quân tử do vì không chú tâm vào việc được mất nên trong lòng thanh thản, tiểu nhân chú trọng vào việc được mất nên thường thể hiện sự lo âu.
          Đây là từ thái độ tinh thần thể hiện ra bên ngoài mà chỉ ra sự khu biệt giữa quân tử và tiểu nhân.
          Ngoài ra, còn:
          Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt. (7)
          君子上达, 小人下达.
          (Quân tử hướng thượng thông đạt nhân nghĩa, tiểu nhân hướng hạ thông đạt tài lợi)
          Quân tử chu nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu. (8)
          君子周而不比, 小人比而不周.
          (Quân tử đoàn kết mà không câu kết, tiểu nhân câu kết nhưng không đoàn kết)
          Tóm lại, người xưa chủ yếu căn cứ vào đức tính, chí khí cùng lòng dạ có đạo nghĩa hay không của cá nhân mà đánh giá người đó là quân tử hay tiểu nhân. Cách đánh giá này thể hiện quan niệm đạo đức luân lí Nho gia của người xưa coi trọng trách nhiệm, đạo nghĩa cùng đức hạnh. Theo diễn biến của thời đại, quân tử và tiểu nhân dần đơn giản hoá, phân biệt chỉ “người có phẩm đức cao” và “người có phẩm đức thấp”. Đến nay, từ “quân tử” rất ít có người nhắc đến, còn tiêu chuẩn nhân cách “tiểu nhân” cũng đã hạ thấp, đa phần chỉ hạng người có nhân cách ti tiện.

Chú của người dịch
1- Câu này ở thiên Quý thị 季氏 trong Luận ngữ 论语.
2- Câu này ở thiên Lí nhân 里仁  trong Luận ngữ 论语.
3- Câu này cũng ở thiên Lí nhân 里仁  trong Luận ngữ 论语.
          Theo một số tư liệu, câu này là:
          Quân tử chi vu thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ tị.
          君子之于天下也, 无适也, 无莫也, 义之.
4- Trong Mạnh Tử - Tận tâm thượng 孟子 - 尽心上 ghi rằng:
          Mạnh tử viết: “Dương Tử thủ vị ngã, bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi dã...”
          孟子曰: “杨子取为我, 拔一毛而利天下, 不为也 ...”
          (Mạnh Tử nói rằng: Dương Tử chủ trương ‘vị ngã’, nhổ một sợi lông mà làm được lợi cho thiên hạ, cũng không làm...)
5- Câu này ở thiên Tử Lộ 子路 trong Luận ngữ 论语.
6- Câu này ở thiên Thuật nhi 述而 trong Luận ngữ 论语.
          Theo một số tư liệu, câu này là
          Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích.
          君子坦荡荡, 小人戚戚,
7- Câu này ở thiên Hiến vấn 宪问 trong Luận ngữ 论语.
8- Câu này ở thiên Vi chính 为政 trong Luận ngữ 论语.

                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 01/11/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post