Dịch thuật: Lai lịch và điển cố tục gieo cầu kén rể


LAI LỊCH VÀ ĐIỂN CỐ TỤC GIEO CẦU KÉN RỂ

Phương thức gieo cầu kén rể tuy trong cuộc sống hiện thực thời cổ không hề tồn tại, nhưng những miêu tả về tình tiết này vẫn có căn cứ nhất định. Theo truyền thuyết, tục gieo cầu có liên quan đến tập tục của dân tộc Tráng (Choang). Từ 2000 năm trước, trên bích hoạ Hoa sơn 花山đã vẽ một loại binh khí cổ được làm từ kim loại đồng gọi là “phi đà” 飞砣. Loại binh khí này đa phần dùng trong săn bắn, có thể ném trúng thú săn ở một cự li nhất định. Theo sự phát triển của lịch sử, loại binh khí nguyên thuỷ này dần rút lui khỏi vũ đài lịch sử, nhưng người ta đã dùng “phi đà” để đặt tên cho một loại tú cầu. Thời Tống, trò chơi ném và nhận cầu là phương thức biểu đạt ái tình của nam nữ thanh niên dân tộc Tráng. Trong Khê Man tùng tiếu 溪蛮丛笑của thi nhân đời Tống là Chu Phụ 朱辅có nói, phong tục địa phương này vào ngày cuối năm, nam nữ kết bạn chia làm 2 nhóm ra chơi ngoài đồng, mỗi nhóm dùng túi ngũ sắc ném nhận qua lại, gọi là “phi đà”. Quả cầu ngũ sắc này loại thường thấy nhất có hình tròn, cũng có loại hình bầu dục, hình củ ấu, nó to bằng nắm tay, bên trong đựng đầy vật, trên dưới hai đầu có gắn những sợi dây màu và những dây tua màu đỏ, khi ném, dây màu dây tua bay phất phới rất đẹp mắt. Quả cầu này chính là hình thức ban đầu của quả tú cầu.
          Đến nay, tập tục gieo cầu vẫn còn được lưu truyền rộng rãi ở khu vực Quảng Tây. Mỗi khi nam nữ thanh niên yêu nhau muốn biểu đạt tình ý, họ liền dùng cách gieo cầu để chọn người hợp ý. Trên đồng cỏ vui chơi ca hát, nam nữ thanh niên dân tộc Tráng chia thành đội ngũ, hát đối đáp những bài hát dân gian để tìm đối tượng. Có được đối tượng hợp ý, các cô gái sẽ dùng quả tú cầu được may từ vải hoa ném vào chàng trai mình yêu thích. Nếu chàng trai không bằng lòng, sẽ gắn tặng vật vào quả tú cầu rồi ném lại cho cô gái đó. Ném qua ném lại, đôi nam nữ thanh niên nào tâm đầu ý hợp sẽ định việc chung thân đại sự.
          Ngày nay tại các nước như Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và khu vực một bộ phận Mexico ở Nam Mĩ, người dân nơi đó cũng có phong tục làm tú cầu, xem tú cầu là vật cát tường để tặng cho bạn bè thân hữu. Tú cầu của người Mexico tương đối nhỏ, màu sắc rực rỡ, chế tác tinh xảo. Mỗi khi lễ tết hoặc có khách quý đến chơi, người Mexico hiếu khách sẽ tặng cho khách hoặc bậc trưởng bối quả tú cầu, đại biểu cho cát tường như ý. Cư dân Thái Lan xem tú cầu là thế thân của Phật, họ cho rằng thường mang theo bên mình sẽ có công hiệu trừ tà, làm cho thân thể khang kiện.

Phong tục của Quảng Tây
          Về quả tú cầu, tại vùng dân tộc Tráng lưu truyền một truyền thuyết đẹp.
          Hơn 800 năm trước, tại một làng nhỏ ở cựu châu Cổ Trấn Hạ 古镇下huyện Tĩnh Tây 靖西có một gia đình nghèo. Người con trai tên A Đệ 阿弟 yêu nàng A Tú 阿秀ở làng bên cạnh. A Tú xinh đẹp, tính tình lương thiện, cũng yêu anh chàng A Đệ chân thành, siêng năng, dũng cảm. Mùa xuân một năm nọ, A Tú đang đi trên bờ đê, tên thiếu niên hung ác vừa có tiền vừa có thế ở trấn Thượng trông thấy muốn cưới A Tú làm vợ. A Tú lấy cái chết ra uy hiếp, kiên quyết không chịu. Khi tên thiếu niên hung ác biết được A Tú đã yêu A Đệ ở làng bên, để A Tú không còn hi vọng, tên thiếu niên đó đã hối lộ quan phủ, lấy tội danh “mạc tu hữu” 莫须有 (không cần có) bắt A Đệ giam vào ngục, đồng thời phán xử tội chết, đợi sang thu sẽ chém. A Tú sau khi nghe được tin, như giữa trời quang bỗng nhiên nổ sấm, cả ngày nước mắt đầm đìa, khóc đến nỗi đôi mắt bị mù. Tuy đôi mắt đã mù, nhưng A Tú bắt đầu từng mũi kim từng sợi chi  may quả cầu cho A Đệ đang đợi ngày xử chém. Kim đâm vào tay A Tú, máu nhỏ thấm quả cầu. Bị máu thấm vào, hoa trên quả cầu càng đẹp hơn, lá càng xanh hơn, chim chóc càng sống động hơn. Trải qua chín chín 81 ngày tràn đầy lòng yêu thương của A Tú đối với A Đệ, quả cầu thấm máu đã làm xong. A Tú bán hết đồ trang sức của mình, mua chuộc tên ngục tốt. Người nhà đưa A Tú đến lao ngục. Trong ngục tối tăm ẩm thấp, khi A Tú sờ soạn tìm A Đệ, người mà mình ngày đêm mong nhớ, gặp phải A Đệ gầy như que củi, A Tú tuyệt vọng, lấy quả tú cầu mò mẫm đeo lên cổ A Đệ. Lúc bấy giờ, chỉ thấy một luồng ánh sáng, A Tú, A Đệ và người nhà bỗng nhẹ nhàng bay lên, bay đến một chân núi xinh đẹp trù phú, xa nơi ác quỷ. Về sau, A Tú và A Đệ kết hôn, sinh được một trai một gái, họ dựa vào đôi tay của mình chăm chỉ làm việc sống một đời hạnh phúc. Và thế là một đồn mười, mười đồn trăm, tú cầu dần trở thành vật cát tường của dân làng người Tráng, trở thành tín vật tình yêu của nam nữ thanh niên người Tráng, về sau có những hoạt động dân gian như quăng tú cầu, sư tử hí cầu v.v...
          Đến nay dân tục “phao tú cầu” 抛绣球 (ném tú cầu) này vì sao lại mất đi? (kì thực nó không hoàn toàn biến mất), có lẽ hành vi tìm phối ngẫu kiểu này, cũng giống như “tỉ võ chiêu thân” 比武招亲 (tỉ thí võ để lấy vợ), là một hành vi tương đối cực đoan, có tính ngẫu nhiên vượt trội, xã hội phong kiến thời cổ chú trọng “phụ mẫu chi mệnh, môi chước chi ngôn” 父母之命媒妁之言 ( việc hôn nhân do cha mẹ làm chủ, và theo lời giới thiệu của bà mai), hôn nhân chủ lưu không được sơ sài qua loa, cho nên, phương pháp tìm phối ngẫu kiểu này không được xã hội phong kiến tiếp nhận, cuối cùng không trở thành dân tục chủ lưu cho nên dần biến mất.
          Trong Tây du kí 西游记, mẹ của Đường Tăng gieo tú cầu, và trong truyện Mại du lang độc chiếm hoa khôi 卖油郎独占花魁 (anh chàng bán dầu độc chiếm hoa khôi) (1) v.v.. kì thực đều là tác phẩm văn học, tồn tại nghệ thuật khoa trương, không phải là phương thức thành thân chủ yếu trong xã hội phong kiến.

Chú của người dịch
1- Mại du lang độc chiếm hoa khôi 卖油郎独占花魁  trong quyển Tỉnh thế hằng ngôn 醒世恒言của Phùng Mộng Long 冯梦龙.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 14/10/2018

Previous Post Next Post