Dịch thuật: Tông pháp (kì 4 - Tang phục)

TÔNG PHÁP
(kì 4)

TANG PHỤC

          Tang phục là chế độ y phục cư tang. Do bởi mối quan hệ thân thuộc giữa người sống và người mất thân sơ xa gần khác nhau, nên tang phục và thời gian cư tang cũng khác nhau. Tang phục chia làm 5 cấp gọi là ngũ phục. Danh xưng ngũ phục là trảm thôi 斩衰, tư thôi 齐衰, đại công 大功, tiểu công 小功, ti ma 缌麻. Dưới đây sẽ căn cứ vào những ghi chép trong Nghi lễ - Tang phục 仪礼 - 丧服 lần lượt thuật lại.
          1- Trảm thôi 斩衰 (): là loại quan trọng nhất trong ngũ phục. Phàm tang phục, phần trên gọi là “thôi” (khoác trước ngực), phần dưới gọi là “thường” . Thôi được may từ loại vải gai sống (chưa xử lí) thô nhất, biên áo và gấu áo không may đường biên, cho nên gọi là “trảm thôi”. “Thôi” ý nghĩa là không may đường biên. Con để tang cha, cha để tang con trưởng đều trảm thôi (1), thê thiếp để tang chồng, con gái chưa có chồng để tang cha. Trừ việc mặc trảm thôi ra, còn ở búi tóc (tang kế 丧髻), đây gọi là “qua thôi” 髽衰. Trảm thôi để tang 3 năm (trên thực tế chỉ 2 năm).
          2- Tư thôi 齐衰: đứng sau trảm thôi, được may từ loại vải gai đã xử lí, nhân vì đường biên chỉnh tề cho nên gọi là “tư thôi”. Trong Nghi lễ - Tang phục 仪礼 - 丧服  có nói, tư thôi chia làm 4 bực:
          - Tư thôi tam niên 齐衰三年, đây là tang phục của con khi cha đã mất để tang mẹ, mẹ để tang con trưởng.
          - Tư thôi nhất niên齐衰一年 dùng trượng (“trượng” là gậy dùng để chống trong tang lễ), gọi là “trượng ki” 杖期. Đây là tang phục của con khi cha còn sống để tang mẹ, chồng để tang vợ.
          - Tư thôi nhất niên齐衰一年 không dùng trượng, gọi là “bất trượng ki” 不杖期, đây là tang phục của đàn ông để tang bác trai bác gái và chú thím, để tang anh em, con gái đã có chồng để tang cha mẹ ruột, con dâu để tang cha mẹ chồng, cháu trai và cháu gái để tang ông bà nội cũng là “bất trượng ki”.
          - Tư thôi tam nguyệt 齐衰三月, đây là tang phục để tang ông bà cố.
          3- Đại công 大功: đứng sau tư thôi, được may từ loại vải gai đã xử lí, so với loại của tư thôi  thì tinh tế hơn một chút. “Công” chỉ công việc dệt vải. Đại công là tang phục 9 tháng. Đàn ông để tang em gái đã có chồng và để tang cô mẫu, để tang anh em họ và chị em họ chưa có chồng đều là đại công, con gái để tang ông bà nội của chồng, bác trai bác gái chú thím của chồng, để tang anh em ruột của mình cũng là đại công.
          4- Tiểu công 小功 : đứng sau đại công. Tang phục của tiểu công so với đại công tinh tế hơn, là loại tang phục 5 tháng. Đàn ông để tang tụng tổ tổ phụ 从祖祖父 (bá tổ phụ, thúc tổ phụ tức bác và chú của cha), tụng tổ tổ mẫu 从祖祖母 (bá tổ mẫu, thúc tổ mẫu), tụng tổ phụ 从祖父 (đường bá, đường thúc tức bác và chú cùng ông cố của mình), tụng tổ mẫu 从祖母 (đường bá mẫu, đường thúc mẫu), tụng tổ côn đệ 从祖晜弟 (tái tụng huynh đệ tức anh em cùng ông cố của mình), tụng phụ tỉ muội 从父姊妹  (đường tỉ muội), ngoại tổ phụ mẫu đều là tiểu công. Con gái để tang cho cô, chị em của chồng, để tang cho em dâu chị dâu cũng là tiểu công.
          5- Ti ma 缌麻: là loại nhẹ nhất trong ngũ phục, tang phục càng tinh tế hơn tiểu công, thời gian để tang chỉ có 3 tháng. Đàn ông để tang cho tộc tằng tổ phụ 族曾祖父  (bác và chú của ông nội), tộc tằng tổ mẫu 族曾祖母, tộc tổ phụ族祖父 (ông bác ông chú cùng ông cao của mình), tộc tổ mẫu族祖母, tộc phụ 族父 (bác và chú cùng ông cao của mình), tộc mẫu 族母, tộc huynh đệ 族兄弟 (anh em cùng ông cao của mình), để tang cho ngoại tôn 外孙 (con của con gái), ngoại sanh 外甥 (con của chị em gái), rể, cha mẹ vợ, cậu ... đều là ti ma.
          Trên đây là chế độ tang phục trong Lễ kinh. Chế độ tang phục này đương thời không thấy thực hành toàn bộ. Tang phục và thời gian để tang ở đời sau tuy có sự thay đổi, nhưng từ trong đó chúng ta có thể thấy được 3 điểm:
          1- Trong thời gian phục tang có thể thấy tình huống trọng nam khinh nữ. Vợ để tang chồng 3 năm, chồng để tang vợ chỉ có 1 năm. Trước đời Minh, nếu cha hãy còn sống, con để tang mẹ cũng chỉ là tư thôi mà không phải là trảm thôi.
          2- Từ trong tang phục có thể thấy sự phân biệt đích thứ rất nghiêm. Thứ tử để tang đích mẫu 3 năm (đời Minh về sau, thứ tử để tang mẹ ruột của mình cũng 3 năm), nhưng đích tử không để tang cho thứ mẫu, về sau đổi là 1 năm. Trưởng tử trưởng tôn trong việc phục tang rất quan trọng. Điều mà gọi là “thừa trọng tôn” 承重孙 trong tang chế, chính là nếu đích trưởng tử đã chết thì sẽ do đích trưởng tôn gánh vác nhiệm vụ tang tế (và tông miếu). Và cũng có điều mà gọi là “thừa trọng tằng tôn”, tên của thừa trọng tôn hoặc thừa trọng tằng tôn được đưa lên vị trí đầu trong cáo phó.
          3- Trong tang phục biểu hiện rõ đẳng cấp thân sơ về huyết thống. Nhân đó  theo tập quán, lấy từ trong ngũ phục là thân, ngoài ngũ phục là sơ.
          ..........
          Người xưa khi nói đến mối quan hệ thân thích, thường dùng tang phục để biểu thị thân sơ xa gần. Như  Lí Mật 李密trong Trần tình biểu 陈情表  đã viết:
          Ngoại vô ki công cường cận chi thân, nội vô ứng môn ngũ xích chi đồng.
          外无期功强近之亲, 内无应门五尺之僮.
          (Bên ngoài thì không có bà con thân sơ, trong nhà thì không có tiểu đồng để sai bảo)
          Và như Đỗ Phủ 杜甫 trong Khiển hứng 遣兴:
Cộng chỉ thân thích đại,
Ti ma bách phu hàng.
共指亲戚大
缌麻百夫行
(Hết thảy bà con đông
Bà con xa có đến hàng trăm người)
Trong tình hình này, ki công ti ma hoàn toàn không phải chỉ tang phục, mà là chỉ thân thích.  (Hết)

Chú của nguyên tác
1- Chư hầu để tang thiên tử, bề tôi để tang vua cũng là trảm thôi.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 22/8/2018

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012

Previous Post Next Post