TÔNG PHÁP
(kì 3)
THÂN THUỘC
- Quan
hệ thân thuộc nối đời rất xa.
- Danh
xưng thân thuộc chia ra rất tỉ mỉ, đặc biệt là người sinh trước sinh sau có
danh xưng khác nhau, như huynh đệ tỉ muội.
Cha của
cha là tổ 祖, thời cổ xưng là vương phụ 王父;
Mẹ của cha là tổ mẫu 祖母, thời cổ xưng là
vương mẫu 王母.
Cha mẹ
của tổ là tằng tổ phụ 曾祖父, tằng tổ mẫu 曾祖母.
Cha mẹ
của tằng tổ phụ là cao tổ phụ 高祖父, cao tổ mẫu 高祖母.
Con của
con là tôn 孙, con của tôn là tằng tôn 曾孙,
con của tằng tôn là huyền tôn 玄孙, con của huyền tôn là
lai tôn 来孙, con của lai tôn là côn tôn 晜 (昆) 孙, con của côn tôn là nhưng tôn 仍孙, con của nhưng tôn là vân tôn 云孙.
Anh của
cha là thế phụ 世父 (bá phụ 伯父),
em trai của cha là thúc phụ 叔父, nói tắt là bá thúc
伯叔. Vợ của thế phụ, thúc phụ xưng là thế mẫu 世母 (bá mẫu 伯母), thúc mẫu 叔母 (sau xưng là thẩm 婶).
Con của
bá thúc (đường huynh đệ 堂兄弟) xưng là tụng phụ
côn đệ 从父晜弟, cũng xưng là tụng huynh đệ 从兄弟,
đây là anh em cùng tổ phụ (ông nội).
Chị và em gái của cha là cô 姑.
Chị và em gái của cha là cô 姑.
Bá thúc
(bác chú) của cha xưng là tụng tổ tổ phụ 从祖祖父 (bá tổ phụ 伯祖父, thúc tổ phụ 叔祖父). Vợ của họ xưng là tụng tổ tổ mẫu 从祖祖母 (bá tổ mẫu 伯祖母, thúc tổ mẫu 叔祖母). Con của họ xưng là tụng tổ phụ 从祖父, tục xưng đường bá
堂伯, đường thúc 堂叔, đây là bá thúc
(bác chú) cùng tằng tổ phụ (ông cố). Vợ của đường bá, đường thúc xưng là tụng tổ
mẫu 从祖母 (đường bá mẫu 堂伯母,
đường thúc mẫu 堂叔母). Con của đường bá, đường thúc xưng là tụng tổ côn đệ
从祖晜弟, cũng xưng là tái tụng huynh đệ 再从兄弟 (tụng đường huynh đệ 从堂兄弟), đây là anh em cùng tằng tổ (ông cố).
Bá thúc (bác chú) của tổ phụ (ông nội) là tộc tằng tổ phụ, xưng là tộc tằng vương phụ 族曾王父.Vợ là tộc tằng tổ mẫu, xưng là tộc tằng vương mẫu 族曾王母. Con của tộc tằng tổ phụ là tộc tổ phụ, xưng là tộc tổ
vương phụ 族祖王父. Con của tộc tổ vương phụ là tộc phụ. Con của tộc phụ
là tộc huynh đệ, đây là anh em cùng cao tổ (ông cao).
Vợ của
anh là tẩu 嫂, vợ của em là đệ phụ 弟妇.
Con trai của anh và em trai là tụng tử 从子,
xưng là điệt 侄, con gái của anh và em là tụng nữ 从女, về sau xưng là điệt nữ 侄女.
Con của
chị và em gái là sanh 甥, sau xưng là ngoại
sanh 外甥.
Chồng của
con gái là nữ tế 女婿 hoặc tử tế 子婿 (1), sau nói tắt là tế 婿.
Con của
chị và em gái của cha xưng là trung biểu 中表
(biểu huynh 表兄, biểu đệ 表弟, biểu tỉ 表姊, biểu muội 表妹). Trung biểu là
cách xưng hô từ đời Tấn trở về sau mới có.
Cha của
mẹ là ngoại tổ phụ 外祖父, thời cổ xưng là ngoại vương phụ 外王父; Mẹ của mẹ là ngoại tổ mẫu 外祖母,
thời cổ xưng là ngoại vương mẫu 外王母.
Cha mẹ
của ngoại tổ phụ là ngoại tằng vương phụ 外曾王父 và ngoại tằng
vương mẫu 外曾王母.
Anh em
trai của mẹ là cữu 舅 (cậu); Chị em gái của mẹ là tụng mẫu 从母.
Anh em
họ của mẹ (tụng huynh đệ) là tụng cữu 从舅.
Con của
anh chị em của mẹ là tụng mẫu huynh đệ 从母兄弟 và tụng mẫu tỉ
muội 从母姊妹, về sau xưng là trung biểu 中表.
Vợ (thê
妻) cũng xưng là phụ 妇.
Cha của vợ là ngoại cữu 外舅 (nhạc
phụ 岳父); Mẹ của vợ là ngoại cô 外姑
(nhạc mẫu 岳母). Chị em gái của vợ là di 姨.
Chồng
(phu 夫) xưng là tế 婿.
Cha của
chồng là cữu 舅, cũng xưng là chương 嫜;
Mẹ của chồng là cô 姑. Gọi chung là cữu cô 舅姑
hoặc cô chương 姑嫜.
Em gái
của chồng là tiểu cô 小姑 (cách xưng hô sau
thời trung cổ).
Em dâu của
chồng là đễ phụ 娣妇; Chị dâu của chồng là tỉ phụ 姒妇,
gọi chung là đễ tỉ 娣姒, cũng gọi là trục lí 妯娌.
Cha mẹ
của vợ và cha mẹ của chàng rể gọi nhau là hôn nhân 婚姻,
nếu phân ra thì cha của vợ là hôn 婚, cha của chàng rể là
nhân 姻. Hai chàng rể gọi nhau là á 娅,
đời sau tục xưng là liên khâm 连襟 (khâm huynh 襟兄, khâm đệ 襟弟).
Trong
xã hội phong kiến, xã hội tông pháp, coi trọng phụ từ 父慈,
tử hiếu 子孝, huynh hữu 兄友, đệ cung 弟恭, yêu cầu phụ nữ chú ý đến phụ đạo 妇道. Trên thực tế, bản thân giai cấp thống trị không tuân
thủ những đạo đức đó. Giết cha, giết anh ... trong sử có ghi chép.
Trong
xã hội tông pháp Trung Quốc, sự phân biệt đích thứ là rất nghiêm ngặt. Chính
thê xưng là đích thê 嫡妻, con của đích thê
là đích tử 嫡子. Con của thiếp xưng là thứ tử 庶子, đó là một loại khu biệt. Trưởng tử là đích tử, không
phải trưởng tử là chúng tử 众子, đây cũng là một loại
khu biệt. Đương nhiên, gọi trưởng tử là đích tử, tất phải là con của chính thê.
Sự phân biệt đích thứ, quan hệ đến chế độ thừa tập. Trong Công Dương truyện - Ẩn Công nguyên niên 公羊传 - 隐公元年có ghi:
Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền, lập tử
dĩ quý bất dĩ trưởng (*).
立嫡以长不以贤, 立子以贵不以长.
Căn cứ
vào nguyên tắc này, con trưởng do chính thê sinh ra mới có tư cách thừa tập, con
do người thiếp sinh ra cho dù tuổi có lớn hơn, nếu chính thê có con, thì vẫn do
con chính thê thừa tập. Cách làm này, nghe nói có thể không dẫn đến tranh chấp.
Nhưng do bởi tranh đoạt lợi ích, sự việc giai cấp thống trị giết đích lập thứ
cũng có thấy trong sử sách.
Chú của
nguyên tác
1- Nghĩa gốc của “tế” 婿 là “phu” 夫(chồng),
“nữ tế” 女婿 là chồng của con gái. Chữ “tử” 子trong sách cổ
kiêm chỉ con trai và con gái. “Tử tế” 子婿cũng là chỉ chồng của
con gái.
Chú của người
dịch
*- Thời phong kiến, vương vị, quan vị, tước vị hoặc
tài sản đều chỉ định người thừa kế. Nhưng khi chỉ định người thừa kế cần phải
tuân thủ nguyên tắc: “Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền, lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng”.
- Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền 立嫡以长不以贤:
Nếu con
dòng đích có mấy người, thì người nào lớn tuổi nhất người đó sẽ có quyền thừa kế
tài sản của gia tộc và thế tập tước vị. Cho dù người đó có đần độn, thậm chí
ngu si, chỉ cần còn sống là được hưởng quyền thừa kế.
- Lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng 立子以贵不以长:
Trong số
các người con, con của chính thê gọi là “đích tử”, thân phận là cao quý, còn
con của thê thiếp khác gọi là “thứ tử”, thân phận xếp sau đích tử. Chỉ có đích
tử mới có tư cách thừa kế tài sản của gia tộc và thế tập tước vị. Cho dù thứ tử
sinh trước đích tử cũng không có quyền thừa kế. Trừ khi đích tử chết mới đến lượt
thứ tử.
Theo https://baike.baidu.com/item...
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/8/2018
Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã,
2012
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật