Dịch thuật: Tông pháp (kì 2 - Đại tông, tiểu tông)

TÔNG PHÁP
(kì 2)

ĐẠI TÔNG   TIỂU TÔNG

          Tông pháp thời cổ có sự phân biệt đại tông và tiểu tông. Con cháu dòng đích là đại tông, các con cháu khác là tiểu tông. Chu thiên tử tự xưng là “trưởng tử” 长子(con trưởng) của Thượng đế, vương vị do đích trưởng tử thế tập, đây là đại tông của thiên hạ; các người con khác phân phong làm chư hầu, đối với thiên tử mà nói, họ là tiểu tông. Quân vị của tiểu tông cũng do đích trưởng tử thế tập, là đại tông của nước đó; các người con khác phân phong làm khanh đại phu, đối với chư hầu mà nói, họ là tiểu tông. Khanh đại phu là đại tông của tộc mình; các người con khác là sĩ, đối với khanh đại phu mà nói, họ là tiểu tông. Mối quan hệ giữa sĩ và thứ nhân cũng như thế.
          Với tông pháp, đại tông tôn quý hơn tiểu tông, đích trưởng tử tôn quý hơn các người con khác. Đích trưởng tử được xem là người kế thừa thuỷ tổ, xưng là “tông tử” 宗子. Chỉ có tông tử mới có đặc quyền làm chủ việc tế tự thuỷ tổ, mới có thể thừa kế tài sản đặc biệt nhiều, được tiểu tông kính trọng. Trong Lễ kí – Đại truyện 礼记 - 大传 có ghi:
Tôn tổ cố kính tông; kính tông, tôn tổ chi nghĩa dã.
尊祖故敬宗; 敬宗, 尊祖之义也.
(Tôn tổ cho nên kính tông; kính tông có nghĩa là tôn tổ)
          Như vậy, địa vị của đích trưởng tử càng đặc biệt cao quý, đối với các người con khác mà nói, trong gia tộc là anh thống lĩnh em, về chính trị là quân thống lĩnh thần, kềm chế được sự tranh chấp nội bộ của giai tầng thống trị, củng cố sự thống trị thế tập của quý tộc, cho nên giai cấp thống trị các đời đều ra sức bảo tồn chế độ tông pháp.

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 15/8/2018

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post