LỄ TỤC
(kì 3)
HÔN NHÂN
Thời
Xuân Thu, chư hầu cưới con gái của một nước khác làm “thê” 妻 (đích phu nhân), đàng gái sẽ cho “điệt” 姪 (con gái của anh hoặc em trai), “đễ” 娣 (em
gái) tuỳ giá, ngoài ra còn có 2 nước cùng tính với đàng gái tặng con gái theo bồi
giá, mỗi người cũng cho điệt, đễ đi theo, những người đi theo này gọi chung là
“dắng” 媵. Đích phu nhân là chính thê, dắng không phải là chính
thê. Địa vị của dắng khác với thiếp. Thiếp bị xem là “tiện thiếp” 贱妾, là “bế nhân” 嬖人 (*), còn thân phận của dắng tôn quý hơn. Thời Chiến Quốc
không còn chế độ dắng nữa.
Thời cổ,
con gái xuất giá gọi là “quy” 归. Trong Thuyết văn 说文 có ghi:
Quy, nữ giá dã.
归, 女嫁也
(Quy là con gái lấy chồng)
Trong Thi kinh –
Chu nam – Đào yêu 诗经 - 周南 - 桃夭 có câu:
Chi tử vu quy
Nghi kì thất gia
之子于归
宜其室家
(Người con gái ấy đi về nhà chồng
Hoà thuận thân ái với gia đình chồng)
Có thể thấy con gái xuất giá lấy nhà chồng làm nhà của
mình. Trong Bạch Hổ thông 白虎通 có nói:
Giá giả, gia dã
嫁者, 家也
(Giá là gia (nhà))
Có thể thấy bản thân chữ “giá” 嫁
mang ý nghĩa là “hữu gia” 有家 (có nhà)
Trong Bạch Hổ thông 白虎通 cũng có nói:
Thú giả, thủ dã
娶者, 取也
(Thú là lấy)
Trong Thuyết văn
说文 cũng nói:
Thú, thủ phụ dã
娶, 取妇也
(Thú là lấy vợ)
Trong Chu dịch 周易 và Thi kinh 诗经 viết thành 取, điều này biểu thị
con trai lấy con gái nhà khác đưa về nhà mình. Từ 2 chữ “giá thú” 嫁娶 có thể chứng minh phong tục nam tôn nữ ti. Đối với nữ
mà nói, “giá” là bị động, thời cổ chỉ nói “giá nữ” 嫁女 hoặc “giá muội” 嫁妹, mà không nói “giá phu” 嫁夫,
có thể thấy quyền gả con gái ở trong tay phụ huynh. Đối với nam mà nói, “thú”
là chủ động, cho nên thời cổ thường nói “thú thê” 娶妻
“thú phụ” 娶妇 (“phụ” chính là thê).
Trong Thi kinh, 2 lần ca vịnh:
Thú thê như chi hà?
Phỉ môi bất đắc (1)
取妻如之何
匪媒不得
(Lấy vợ như thế nào?
Không có mai mối thì không được)
“Môi” 媒 (mai mối) có tác dụng
rất lớn trong hôn nhân thời cổ, vận mệnh của biết bao nam nữ thanh niên ở trong
tay người làm mai.
Hôn
nhân thời cổ, trải qua 6 thủ tục, gọi là “lục lễ”:
Đầu tiên là “nạp thái” 纳采, nhà trai mang một ít lễ vật (1 con chim nhạn) sang
nhà gái biểu thị ý cầu thân.
Thứ 2
là “vấn danh” 问名, nhà trai hỏi rõ tính thị của cô gái để tiện việc xem
cát hung.
Thứ 3
là “nạp cát” 纳吉, sau khi tại Tổ miếu bói được điềm tốt, nhà trai sẽ đến
nhà gái báo tin mừng. Trong lễ “vấn danh” “nạp cát” đương nhiên cũng phải có lễ
vật.
Thứ 4
là “nạp trưng” 纳征, ở đây đồng nghĩa với tuyên bố đính hôn, cho nên sính
lễ tương đối nhiều.
Thứ 5
là “thỉnh kì” 请期, đây là chọn ngày tốt hoàn hôn, trưng cầu sự đồng
ý của nhà gái.
Thứ 6
là “thân nghinh” 亲迎 cũng chính là nghinh thân.
Trong 6
lễ, thì nạp trưng và thân nghinh là quan trọng. Ở Thi kinh – Đại nhã – Đại minh 诗经 - 大雅 - 大明 có câu:
Văn định quyết tường
Thân nghinh vu Vị
文定厥祥
亲迎于渭
(Chu Văn Vương bói được điềm tốt
Đã rước bà Thái Tự nơi bờ sông Vị)
Truyền
thuyết cho rằng Chu Văn Vương 周文王sau khi bói được điềm
tốt nạp trưng đính hôn, đã làm lễ thân nghinh bà Thái Tự 太姒 nơi bờ sông Vị. Đời sau dùng từ “Văn định” 文定 làm đại từ thay cho “đính hôn”. Trong Lễ kí – Hôn nghĩa 礼记 - 昏义 có nói đến sau khi thân nghinh, cô dâu chú rể sẽ:
Cộng lao nhi thực, hợp cẩn nhi dẫn (2)
共牢而食合卺而酳
(Cùng dùng thịt trong buổi tế, cùng nhấp rượu trong vỏ
bầu)
Đời sau, phu thê thành hôn gọi là “hợp cẩn” 合卺 chính là từ đây mà ra.
Sáu lễ
nói ở trên đương nhiên là quy định cho quý tộc sĩ đại phu, còn đối với thứ dân, thường
là tinh giản hơn. (còn tiếp)
Chú của
nguyên tác
1- Xem Tề phong
– Nam sơn 齐风 - 南山, Bân phong – Phạt
kha 豳风 - 伐柯, bài sau thiếu chữ 之.
2- Lấy trái bầu bổ ra làm 2 mảnh gọi là “cẩn” 卺, cô dâu chú rể mỗi người cầm một nửa mà “dẫn” (tức
dùng rượu để súc miệng), gọi đó là “hợp cẩn” 合卺.
Đời sau hợp cẩn biến thành “giao bôi”, cô dâu chú rể đổi li đối ẩm.
Chú của người
dịch
*- Bế nhân 嬖人: người có thân
phận thấp nhưng được sủng ái.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/7/2018
Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã,
2012
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật