Dịch thuật: Dương Quảng đoạt địa vị thái tử

DƯƠNG QUẢNG ĐOẠT ĐỊA VỊ THÁI TỬ

          Tuỳ Văn Đế 隋文帝  phía bắc chinh phạt Đột Quyết 突厥, phía nam bình định nước Trần , thống nhất Trung Quốc, kết thúc cục diện phân liệt dài hơn 4 thế kỉ tính từ lúc Đông Hán diệt vong. Trong hai mươi mấy năm ông chấp chính, chính trị triều Tuỳ ổn định, kinh tế phồn vinh, văn hoá phát đạt, trở thành một vương triều phong kiến lớn mạnh. Nhưng con của ông là Tuỳ Dượng Đế Dương Quảng 隋炀帝杨广 lại hoang dâm vô độ, thống trị tàn bạo, cũng là một hôn quân nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Triều Tuỳ lớn mạnh, cường thịnh nhưng không được dài lâu, về sau mất vào tay Dượng Đế.
          Tuỳ Văn Đế Dương Kiên 杨坚 có tất cả 5 người con, Dương Quảng là thứ hai, từ nhỏ đã được phong là Tấn Vương 晋王. Dương Quảng từ lâu đã có ý muốn chiếm lấy địa vị thái tử của người anh là Dương Dũng 杨勇, chỉ nhân vì Tuỳ Văn Đế tín nhiệm Dương Dũng nên mới chưa dám ra tay. Về sau Dương Dũng do vì cuộc sống hủ hoá xa xỉ, dần mất đi lòng yêu quý của Tuỳ Văn Đế, Dương Quảng bèn gấp rút ra tay.
          Dương Quảng biết Tuỳ Văn Đế chuộng sự giản dị, liền giả vờ làm ra vẻ để lấy lòng. Mỗi khi Tuỳ Văn Đế đến vương phủ, Dương Quảng liền nhốt những người thiếp xinh đẹp vào trong phòng, chỉ để lại mấy cô vừa già vừa xấu, cho mặc trang phục vải thô đứng hầu hai bên. Tuỳ Văn Đế thấy thế, cho rằng Dương Quảng không ham thanh sắc nên rất hài lòng.
          Thái tử Dương Dũng có một người thiếp là Chiêu Huấn Vân thị 昭训云氏, vô cùng xinh đẹp, nhưng hoàng hậu Độc Cô 独孤 không thích cô ta, nhiều lần bảo thái tử phế truất đi. Dương Dũng không những không nghe mà ngược lại còn càng sủng ái, hoàng hậu Độc Cô rất bất mãn. Lạ là nguyên phối phu nhân Nguyên phi mà bà cưới cho Dương Dũng, mới qua ngày thứ 2 đã bạo bệnh qua đời, hoàng hậu Độc Cô cho là bị Dương Dũng hại chết.
          Dương Quảng biết hoàng hậu Độc Cô hận Dương Dũng, nên ông hễ gặp hoàng hậu là cung kính.
          Có một lần, Dương Quảng sắp rời Trường An 长安 đến Dương Châu 扬州, lúc từ biệt hoàng hậu, Dương Quảng cố ý làm ra vẻ lưu luyến khó rời, cất lên tiếng khóc, nói rằng thái tử muốn hại mình, sợ không gặp lại được mẫu hậu. Hoàng hậu Độc Cô giận dữ bảo rằng:
          - Ta còn sống đây mà nó còn dám như thế, nếu ta chết đi thì sao đây?
Bà dặn Dương Quảng, nếu không có tin của bà thì không nên đến kinh thành, càng không được đến đông cung. Dương Quảng đã lấy được lòng hoàng hậu, ngầm vui mừng.
          Dương Quảng đến Dương Châu, cho gọi bộ hạ Vũ Văn Thuật 宇文述 đến bàn kế hoạch. Vũ Văn Thuật nói rằng:
          - Phế lập thái tử là việc rất quan trọng, phải cẩn thận hành sự. Hiện tại trong số các đại thần trong triều, người mà hoàng thượng tín nhiệm nhất là Dương Tố 杨素.  Việc này nếu có Dương Tố ủng hộ thì nhất định sẽ thành công. Mà Dương Tố rất tin tưởng em trai của mình là Dương Ước 杨约. Tôi với Dương Ước là chỗ thân tình, nguyện đến Trường An để hoàn thành việc này.
          Dương Quảng vô cùng vui mừng, để Vũ Văn Thuật mang vàng bạc châu báu đến gặp Dương Ước.
          Vũ Văn Thuật đến Trường An mời Dương Ước đến uống rượu. Biết Dương Ước rất thích đồ cổ, trước tiên Vũ Văn Thuật đem các loại trân quý bày ở những chỗ dễ thấy trong phòng. Dương Ước vừa nhìn thấy đã bị hấp dẫn, rờ món này, nhìn món kia, luôn miệng ngợi khen. Sau bữa rượu là đánh cờ, Vũ Văn Thuật đem những món trân bảo ấy ra cược, cố ý thua luôn mấy cuộc, một số châu báu về tay Dương Ước. Dương Ước vô cùng đắc ý. Vũ Văn Thuật thừa cơ nói rằng:
          - Những món trân bảo này đều là Tấn Vương đặc biệt bảo tôi đem tặng cho ông.
          Dương Ước vô cùng kinh ngạc, hỏi rằng:
          - Đây là sao?
          Vũ Văn Thuật cười nói rằng:
          - Chút lễ vật này có là gì đâu, Tấn Vương còn muốn tặng đại phú quý cho  ông và Việt Quốc Công 越国公 (Dương Tố) nữa đấy.
          Dương Ước càng kinh ngạc, bảo rằng:
          - Dương Ước tôi tuy không xếp vào hạng phú quý, nhưng gia huynh của tôi lại rất phú quý, làm gì còn muốn người khác tặng cho?
          Vũ Văn Thuật bảo rằng:
          - Tuy ông và Việt Quốc Công đã rất phú quý rồi nhưng vẫn khó nói là có thể vĩnh viễn bảo toàn được phú quý.
          Nói đến đây, Vũ Văn Thuật cố ý ngừng một chút rồi lại nói tiếp.
          - Việt Quốc Công nắm giữ đại quyền nhiều năm, không biết đắc tội với bao nhiêu người. Việc của thái tử, Quốc Công lại thường phản đối, thái tử có thể vui mừng được sao? Một mai hoàng thượng qua đời , thái tử đăng cơ, có thể tha cho Quốc Công không?
          Dương Ước liền hỏi:
          - Ông có cao kiến gì không?
          Vũ Văn Thuật nói nhỏ bên tai Dương Ước:
          - Hoàng thượng hoàng hậu đều có ý phế thái tử, lập Tấn Vương, việc này hoàn toàn nhờ vào một câu của ông. Sau khi thành sự, Tấn Vương nhất định sẽ cảm kích ông, ông còn lo phú quý không được dài lâu sao?
          Dương Ước liên tục gật đầu.
         Dương Ước gặp Dương Tố, chuyển lời của Vũ Văn Thuật, trình bày hết việc lợi hại được mất, Dương Tố liền động lòng, đồng ý hành động. Qua mấy ngày sau, Dương Tố nói với hoàng hậu:
          - Tấn Vương rất có hiếu với cha mẹ, thường ngày tiết kiệm, rất giống hoàng thượng ...
          Hoàng hậu Độc Cô đau lòng nói rằng:
          - Ông nói đúng đấy! Quả thực Tấn Vương rất hiếu thuận, nhưng Tấn Vương ở cách xa ta quá ...
          Dương Tố lại thêm thắt nói những lời xấu về thái tử. Những lời này hợp với tâm tư của hoàng hậu. Hoàng hậu bèn cùng Dương Tố hợp mưu phế thái tử, lập Tấn Vương.
          Dương Dũng biết được, vô cùng sợ. Lúc bấy giờ, Tuỳ văn Đế bị hoàng hậu Độc Cô thủ thỉ bên tai, nửa tin nửa ngờ sai Dương Tố đi dò xét thái tử. Dương Tố đến đông cung, cố ý chần chừ không vào, muốn khích nộ thái tử. Thái tử chờ mãi không thấy Dương Tố vào, quả nhiên giận dữ. Dương Tố liền trở về nói với Tuỳ Văn Đế:
         - Thái tử oán hận bệ hạ, lúc thần đi thái tử đang giận, e là sẽ phát sinh việc không ngờ tới, bệ hạ nên đề phòng.
          Tuỳ Văn Đế cho là thật, liền sai người giám sát thái tử.
          Dương Quảng nhân cơ hội, mua chuộc Cơ Uy 姬威, người thân tín của thái tử. Cơ Uy viết thư cho hoàng thượng tố thái tử: “Thái tử thường tìm người xem quẻ, xem qua quẻ vui mừng lớn tiếng nói rằng, năm thứ 18 (Tuỳ Văn Đế niên hiệu Khai Hoàng thứ 18) hoàng thượng sẽ chết, ta có thể đăng cơ.” Tuỳ Văn Đế xem xong, rơi nước mắt nói rằng:
          - Không ngờ lòng dạ Dương Dũng ác độc như thế!
          Thế là hạ lệnh bắt Dương Dũng.
         Năm 600, Tuỳ Văn Đế tuyên bố phế Dương Dũng làm thứ nhân, lập Dương Quảng làm thái tử. Âm mưu của Dương Quảng cuối cùng đã thực hiện được.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 04/7/2018

Nguyên tác Trung văn
DƯƠNG QUẢNG ĐOẠT THÁI TỬ CHI VỊ
杨广夺太子之位
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post