Dịch thuật: Chế độ "bát kì" của triều Thanh

CHẾ ĐỘ “BÁT KÌ” CỦA TRIỀU THANH

          Triều Thanh là thời đại cuối cùng của xã hội phong kiến Trung Quốc, từ lúc Nỗ Nhĩ Cáp Xích 努尔哈赤vào năm Vạn Lịch 万历 thứ 29 của triều Minh (năm 1601) chính thức sáng lập, đến năm 1912 khi Trung Hoa Dân Quốc 中华民国 thành lập thì tan vỡ, trước sau tồn tại một khoảng thời gian hơn 300 năm, trải qua bao cuộc hưng suy. Có thể nói cả lịch sử triều Thanh cũng chính là lịch sử của “bát kì tử đệ” 八旗子弟 triều Thanh từ hưng khởi, phồn vinh, lạc hậu cuối cùng là đi đến chỗ suy vong.
          Tộc Mãn là hậu duệ của người Nữ Chân 女真, thời kì đầu chủ yếu sinh sống bằng cách săn bắn hái lượm, dựa vào huyết thống và sự hình thành khu vực, lấy thị tộc hoặc thôn trại làm bộ lạc đơn vị. Phương thức tổ chức tập thể bộ lạc gọi là “Ngưu lục chế” 牛录制, vị tổng lãnh gọi là Ngưu lục ngạch chân 牛录额真. “Ngạch chân” cũng xưng là “Ách chân” 厄真, có nghĩa là “chủ”. Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích thống nhất các bộ Nữ Chân, kiến lập nên 4 kì: hoàng kì 黄旗, bạch kì 白旗, hồng kì 红旗, lam kì 蓝旗. Về sau do bởi người theo về đông, đã đem 4 kì vốn có đổi làm 4 kì: chánh hoàng 正黄, chánh bạch 正白, chánh hồng 正红, chánh lam 正蓝, đồng thời tăng thêm 4 kì khác là tương hoàng 镶黄, tương bạch 镶白, tương hồng 镶红, tương lam 镶蓝, tổng xưng là “bát kì”八旗, đó là sự hình thành chế độ bát kì. Dưới bát kì mỗi 300 người là 1 ngưu lục, đặt Ngưu lục ngạch chân 1 người, 5 ngưu lục là 1 giáp lạt 甲喇, đặt Giáp lạt ngạch chân 1 người, 5 giáp lạt là 1 cố sơn 固山, đặt Cố sơn ngạch chân 1 người, phó chức 1 người, xưng là Tả hữu Mai lặc ngạch chân 左右梅勒额真.
          Thời Hoàng Thái Cực 皇太极, để mở rộng nguồn đại binh, trên cơ sở Mãn Châu bát kì lại kiến lập Mông Cổ bát kì và Hán quân bát kì, biên chế hoàn toàn tương đồng với Mãn Châu bát kì. Mãn, Mông, Hán bát kì tổng cộng 24 kì cấu thành chỉnh thể chế độ bát kì đời Thanh. Sau khi nhà Thanh vào trung nguyên, bát kì quân lại phân thành Cấm lữ bát kì 禁旅八旗và Trú phòng bát kì 驻防八旗.
          Trong bát kì thì chánh hoàng, tương hoàng và chánh bạch kì là thượng tam kì. 3 kì này do hoàng đế đích thân chỉ huy, binh là thân binh của hoàng đế, thị vệ hoàng cung cũng được chọn từ trong 3 kì này. Hạ ngũ kì bao gồm chánh hồng kì, tương hồng kì, tương bạch kì, chánh lam kì, tương lam kì, do chư vương, bối lặc và bối tử chia nhau thống lĩnh. Lúc ban đầu kiến lập bát kì, binh dân hợp nhất, toàn dân đều là binh, phàm là thành viên Mãn Châu đều thuộc Mãn Châu bát kì. Tổ chức của bát kì có chức năng nhiều phương diện như quân sự, hành chính và sản xuất. Trước khi vào trung nguyên, binh đinh bát kì thời bình là lao động sản xuất, thời chiến vác giáo tùng chinh, tự lo liệu quân giới lương thảo. Sau khi vào trung nguyên, kiến lập binh chế thường bị và chế độ binh lương. Từ đó binh bát kì trở thành chức nghiệp binh.
          Chế độ bát kì là trụ cột quân sự trọng yếu cho vương triều Thanh thống trị toàn quốc. Để củng cố và phát triển một quốc gia thống nhất đa dân tộc, bảo vệ biên cương và đề phòng ngoại lai xâm lược, chế độ bát kì đã có nhiều cống hiến quan trọng. Nhưng theo sự phát triển của lịch sử, mặt lạc hậu trong chế độ bát kì cũng ngày càng hiện rõ, sức chiến đấu cũng dần suy giảm, hậu kì triều Thanh nhiều lần chiến đấu nhiều lần thất bại, không thể không dựa vào một số vũ trang địa chủ Hán tộc.

                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 18/6/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post