Dịch thuật: Lần cải cách tính thị nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc

LẦN CẢI CÁCH TÍNH THỊ NỔI TIẾNG
TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC

          Trung Quốc là một đất nước có nền văn minh cổ với 56 dân tộc, trong quá trình lịch sử 5000 năm, từng có mấy lần dung hợp dân tộc đại quy mô. Việc dung hợp dân tộc đã mang đến sự cải cách và phát triển tính thị. Lần cải cách tính thị có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc chính là sự cải cách tính thị ở phong trào Hán hoá thời Hiếu Văn Đế 孝文帝 triều Bắc Nguỵ.
          Bắc Nguỵ là chính quyền dân tộc thiểu số tộc Tiên Ti 鲜卑do Thác Bạt thị 拓跋氏kiến lập. Tổ tiên của ông ta vốn sinh sống trong một sơn động gọi là Kiết Tiên động 嘎仙洞 phía bắc Nội Mông Cổ, sau dời xuống phía nam đến bên hồ Hô Luân 呼伦 (Hulun) của đại thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ 呼伦贝尔 (Hulun Buir) ở Nội Mông Cổ, đồng thời dần phát triển lên, thế lực không ngừng mở rộng, cùng các tộc phương bắc tranh bá với chính quyền trung nguyên, cuối cùng kiến lập chính quyền Bắc Nguỵ, đồng thời thống nhất phương bắc.
          Bộ Thác Bạt trong quá trình kiến lập chính quyền và làm chủ trung nguyên, vốn theo chế độ nô lệ, so với các dân tộc trung nguyên sớm đã bước vào xã hội phong kiến, nhất là so với dân tộc Hán, thì hãy còn lạc hậu. Để đẩy nhanh tiến trình văn minh, củng cố sự thống trị, triều Bắc Nguỵ đã chiêu nạp đại địa chủ Hán tộc tham gia tập đoàn thống trị của họ, sử dụng những biện pháp của chế độ thống trị phong kiến Hán tộc. Những biện pháp này đã khiến cho triều Bắc Nguỵ phát triển nhanh chóng.
          Bắc Nguỵ Hiếu Văn Đế là vị hoàng đế tộc Tiên Ti rất có kiến thức và thành tích, vào thời kì thống trị của ông, ông đã tiến hành phong trào cải cách lấy “Hán hoá” làm nội dung chủ yếu có ảnh hưởng rất lớn. Trong một loạt những chính sách Hán hoá mà ông chế định ra, ngoài việc dời đô đến Lạc Dương 洛阳, cải cách tập tục cũ của Tiên Ti, thay đổi trang phục theo Hán tộc, học tiếng Hán, đề xướng thông ngoại hôn với Hán tộc ra, còn có một mục rất quan trọng đó là cải cách tính thị. Hiếu Văn Đế cho rằng, cải cách tính thị nếu không thành công thì các mục cải cách khác tất sẽ bị ảnh hưởng, nhân đó ông đặc biệt coi trọng mục cải cách này.
          Để biểu thị quyết tâm đối với việc cải cách tính thị, trước tiên ông đổi “Thác Bạt thị” 拓跋氏 của mình sang họ “Nguyên” , lấy tên là Nguyên Hoành 元宏, đồng thời vào năm Thái Hoà 太和thứ 20, tức năm 496, xuống chiếu cáo tri nhân dân toàn quốc. Trong chiếu thư nói rằng: tổ tiên Thác Bạt thị xuất phát từ Hoàng Đế 黄帝, “hoàng thổ sắc” 黄土色mà tổ tiên dựa vào đó để sinh tồn là đứng đầu muôn vật, cho nên ông ta đổi sang họ “Nguyên”. Đồng thời chiếu lệnh cho các cựu tộc đại thần và người dân Tiên Ti đều phải đổi sáng họ Hán. Hoàng đế đã đi đầu trong việc đổi tính thị, thì người khác ai mà không dám đổi. Thế là, việc cải cách tính thị phát triển toàn diện.
          Họ của tộc Tiên Ti đa phần là 2 chữ hoặc 3 chữ, thậm chí phức tính có nhiều chữ. Khi đổi sang họ Hán, họ dùng cách “thiết âm” hoặc biện pháp lấy âm của 1 chữ trong đó, đem họ có nhiều chữ đổi thành họ 1 chữ, như:
          “Hột Cốt” 纥骨 đổi thành “Hồ”
          “Hột Hề” 纥奚đổi thành “Kê”
          “Độc Cô” 独孤đổi thành “Lưu”
          “Hạ Lâu” 贺楼đổi thành “Lâu”
          “Hạ Cát” 贺葛đổi thành “Cát”
          “Uất Trì” 尉迟 đổi thành “Uất”
          “Hạ Lại” 贺赖 đổi thành “Hạ”
          “Ngốc Phát” 秃发 đổi thành “Nguyên”
          “Khâu Mục Lăng” 丘穆陵đổi thành “Mục”
          “Bộ Lục Cô” 步六孤đổi thành “Lục”
          “Vật Nữu Vu” 勿忸于đổi thành “Vu”
          “Hồ Cổ Khẩu Dẫn” 胡古口引đổi thành “Hầu”
          Còn có “Nhất Na Lâu” 一那篓đổi thành “Nhất” , trở thành họ chữ số rất thú vị trong lịch sử tính thị Trung Quốc. Theo điều tra nhân khẩu toàn quốc lần thứ 3, hiện tại thành phố Phụ Dương 阜阳An Huy 安徽, huyện Gia Tường 嘉祥 Sơn Đông 山东, khu vực Vận Thành 运城 Sơn Tây 山西còn có người mang họ “Nhất” này. Ngoài ra còn có họ “Bạt Bạt” 拔拔đổi thành “Trưởng Tôn” 长孙. Đối với họ này còn có một thuyết khác, nói rằng sau khi Thác Bạt Khuê 拓跋珪làm hoàng đế, nhân vì người chú họ Thác Bạt Tung 拓跋嵩là cháu dòng đích của tằng tổ phụ Thác Bạt Úc Luật 拓跋郁律nên đã ban cho họ “Trưởng Tôn”.
          Lúc cải cách, có một họ không đổi đó là “Hạ Nhược thị” 贺若氏, đây là họ được quy định đặc biệt trong chiếu lệnh. Nhân vì “Hạ Nhược” trong tiếng Tiên Ti có nghĩa là “trung tâm chính trực”. Theo thống kê, tính thị được đổi lúc bấy giờ tổng cộng có 144 họ, trong đó không chỉ có tộc Tiên Ti, mà còn có những dân tộc thiểu số khác như Hung Nô 匈奴, Nhu Nhiên 柔然, Cao Xa 高车. Như mọi người đều biết trong bài Sắc lặc ca 敕勒歌 có mấy câu:
Thiên thương thương
 Dã mang mang
 Phong xuy thảo đê hiện ngưu dương
天苍苍
野茫茫
风吹草低见牛羊
(Trời xanh xanh
Đồng mênh mông
Gió thổi cỏ rạp thấp bò dê hiện ra)
          Đây là bài dân ca của tộc Sắc Lặc, tộc Sắc Lặc là tộc Cao Xa thời cổ, nhân vì tập tục thích ngồi xe bánh cao cho nên có tên như thế. Sắc Lặc cũng là một họ, thời Hiếu Văn Đế đổi là “Tạ” . Trong Cựu Đường thư – Văn Uyển truyện 旧唐书 - 文苑传có ghi, có một người tên Tạ Yển  谢偃là người tộc Sắc Lặc, tổ tiên vốn tên là Sắc Lặc Hiếu Chính 敕勒孝政, từng giữ chức Tán thị thường thị triều Bắc Tề, sau đổi sang họ Tạ, tên là Tạ Hiếu Chính 谢孝政, thế là con cháu đời sau cũng đổi sang họ Tạ.
          Những họ đổi thời Hiếu Văn Đế, đời sau đa phần được người thời Tống đưa vào trong Bách gia tính 百家姓.
          Khi tiến hành cải cách, Hiếu Văn Đế còn kiến lập chế độ môn phiệt. Chế độ này, ngoài hoàng tộc ra đã đem 8 gia tộc hiển hách, căn cứ vào địa vị chính trị của họ dùng họ Hán sắp xếp theo thứ tự đẳng cấp, tức Mục , Lục , Hạ , Lưu , Lâu , Vu , Kê , Uất .
          Đồng thời với đó, Hiếu Văn Đế còn hạ lệnh dựa vào truyền thống phổ hệ trước đó để bình phẩm định ra các họ lớn của tộc Hán. Định ra được 4 họ lớn Thôi thị 崔氏ở Thanh Hà 清河, Lư thị 卢氏ở Phạm Dương 范阳, Trịnh thị 郑氏ở Huỳnh Dương 荥阳, Vương thị 王氏ở Đại Nguyên 大原. Lí thị 李氏ở Lũng Tây 陇西nghe được tin tức này muộn, sợ bình chọn không được nên đã vội mang lễ vật cưỡi lạc đà đi suốt đêm đến Lạc Dương. Kết quả vẫn muộn một bước, triều đình đã công bố thứ tự sắp xếp. Từ đó Lí thị ở Lũng Tây có xưng hiệu “Đà Lí” 驼李
          Việc cải cách tính thị của Hiếu Văn Đế có ảnh hưởng rất lớn đối với hậu thế, nó phát huy tác dụng quan trọng trong việc thúc đẩy sự dung hoà dân tộc. Thời Tuỳ Đường, nhiều nhân vật quan trọng đều có mối quan hệ với sự dung hợp này. Thê tử của vị hoàng đế khai quốc triều Tuỳ Tuỳ Văn Đế Dương Kiên 杨坚chính là con gái của “Độc Cô thị” tộc Tiên Ti. Cũng nhân vì thông hôn với con gái của quý tộc Tiên Ti mà Dương Kiên có họ Tiên ti là “Phổ Lục Như” 普六如. Mẫu thân của Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民 triều Đường cũng là “Độc Cô thị” và là chị em với thê tử của Dương Kiên. Thê tử Lí Thế Dân Trưởng Tôn hoàng hậu cũng là hậu duệ của Thác Bạt Tung tộc Tiên Ti, anh của bà là Trưởng Tôn Vô Kị 长孙无忌là công thần phò tá Lí Thế Dân trị quốc bình thiên hạ.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 26/5/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post