Dịch thuật: Sao gọi là "Ngũ đại thập quốc"

SAO GỌI LÀ “NGŨ ĐẠI THẬP QUỐC”

          Từ niên biểu mà nói, Ngũ đại 五代khởi đầu từ năm Khai Bình 开平thứ nhất (năm 907) sau khi Chu Ôn 朱温kiến lập nhà Hậu Lương 后梁 . Nhưng nói về giai đoạn lịch sử này, không thể không đẩy lùi thêm hơn 20 năm, từ năm Trung Hoà 中和 năm thứ 3 đời Đường Hi Tông 唐僖宗,Chu Ôn làm Tuyên Vũ Tiết độ sứ 宣武节度使, hoặc năm Trung Hoà thứ 4 cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào 黄巢 thất bại. Đó là bởi vì những kẻ cát cứ chủ yếu sơ kì thời Ngũ đại, vào trung kì những năm 80 hoặc sơ kì những năm 90 của thế kỉ thứ 9, mỗi người đã chiếm cứ một phương. Mặc dù họ chưa xưng vương xưng đế, nhưng trên thực tế thiên hạ đã bị qua phân.
          Ngũ đại là sự kế tục và phát triển của cuộc chiến hỗn loạn cát cứ phiên trấn cuối đời Đường, 5 vương triều trung nguyên trước sau nối nhau, thời gian ngắn nhất là Hậu Hán 后汉chỉ tồn tại 4 năm. Khi mỗi triều đại thay nhau, không thời nào là không kinh qua một trận chiến tranh, nỗi thống khổ mà nhân dân trung nguyên chịu đựng là vô cùng nặng nề. Ngoài trung nguyên ra, còn có mười nước, kết thúc thời Ngũ đại, cùng tồn tại với vương triều trung nguyên, thường có 6, 7 hoặc 7, 8 chính quyền, mức độ phân liệt cơ hồ cũng tương đương với thời Chiến Quốc.
          Trong 10 nước có 9 nước từ Tần lĩnh 秦岭Hoài hà 淮河xuống phía nam. Nói chung, men theo Trường giang từ tây sang đông, phân thành 4 khu vực Ba Thục 巴蜀, lưỡng Hồ 两湖, Giang Hoài 江淮, lưỡng Triết 两浙, thêm Phúc Kiến 福建, lưỡng Quảng 两广tổng cộng là 6 khu vực. 9 nước phía nam trước sau lần lượt hoạt động trong mấy khu vực này. Ba Thục trước có Tiền Thục 前蜀, sau có Hậu Thục 后蜀. Lưỡng Hồ thì Kinh Nam 荆南chiếm hữu một vùng nhỏ mà lấy Hồ Bắc 湖北Giang Lăng 江陵làm trung tâm; Sở chiếm hữu vùng Hồ Nam 湖南rộng lớn. Khu vực này trước sau tồn tại 2 quốc gia một lớn một nhỏ. Giang Hoài trước có Ngô , sau có Nam Đường 南唐, bản đồ của họ tây đến Ngạc Đông 鄂东, đông đến Giang Tây 江西, là thế lực cát cứ mạnh nhất ở phương nam. Kì dư Ngô Việt 吴越của lưỡng Triết, Mân của Phúc Kiến, Quảng Đông và một bộ phận Nam Hán 南汉của Quảng Tây, mỗi thế lực đều chiếm một vùng. Quốc gia phương nam cùng tồn tại đồng thời với vương triều trung nguyên đại để có 7 nước.
          Trong 10 nước chỉ có một nước ở phương bắc, tức Bắc Hán 北汉. Bắc Hán là thế lực tàn dư của nhà Hậu Hán 后汉, chiếm hữu đại bộ phận tỉnh Sơn Tây 山西 và một góc đông bắc tỉnh Thiểm Tây 陕西. Từ triều Hậu Chu 后周 trở về trước, nước này không hề tồn tại.
          Ở phương bắc vốn có nhiều phiên trấn của triều Đường để lại, Lí Khắc Dụng 李克用 ở Hà Đông 河东chính là một trong số đó. Cuối thời Đường và thời Hậu Lương, Chu Ôn (Hậu Lương Thái Tổ) luôn đối đầu với cha con Lí Khắc Dụng. Hai nhà Chu Lí cùng với cựu phiên trấn ở Hà Bắc lúc hoà lúc chiến, mấy cựu phiên trấn lúc thì thân với Chu, lúc lại thân với Lí, quan hệ cực kì phức tạp. Khi Chu Ôn xưng đế, đa số cựu phiên trấn bị hai nhà thôn tính, nhưng Yên (cha con Lưu Nhân 刘仁) của U Luân 幽沦  (U Châu 幽州  và Luân Châu 沦州) và Kì (Lí Mậu Trinh 李茂贞) của vùng Phụng Tường 凤翔 Thiểm Tây 陕西 vẫn bảo trì địa vị độc lập. Thực lực của họ so với một số nước ở phương nam mạnh hơn nhiều, nhưng lại không được tính vào thập quốc.
          Phương bắc còn có một tình hình khác. Đầu thời Ngũ đại, chính là lúc Khất Đan quật khởi. Năm Chu Ôn xưng đế, lãnh tụ Khất Đan là A Luật Da Bảo Cơ 耶律阿保机đăng vị (đương nhiên, A Bảo Cơ xưng đế là sự tình 9 năm sau đó). Phía bắc Hậu Lương có khu vực thống trị của 2 nhà họ Lí và họ Lưu, nên đã tách biệt với Khất Đan, nhưng Đường, Tấn, Hán, Chu đều đối đầu với Khất Đan. Tình hình phức tạp đó, trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc cực kì hiếm thấy. Nhân đó, chiến tranh hưng phế của thời kì Ngũ đại thập quốc, như con sóng dâng lên rồi rút xuống, so với những thời kì khác trong lịch sử càng nhiều hơn.
          Trong một thời kì như thế, khổ nạn mà nhân dân gặp phải là vô cùng nghiêm trọng. Bạo quân hoành hành không kiêng kị, sự bóc lột và áp bức của tham quan khốc lại không gì là không đến cực điểm. Những danh thành đời Đường, như Trường An 长安, Lạc Dương 洛阳, Dương Châu 扬州đều hoá thành hoang phế. Người xưa thường gọi ngũ đại là “ngũ quý” 五季, “quý” tức “quý thế” 季世, cũng chính là “mạt thế” 末世. Âu Dương Tu 欧阳修đời Tống biên soạn bộ Tân Ngũ Đại sử 新五代史, tự sự nghị luận thường mở đầu bằng hai chữ “ô hô” 呜呼
          Nhưng lịch sử Ngũ đại thập quốc cũng có một mặt khác.
          “Ngũ đại thập quốc” trên thực tế là khoảng thời gian hai triều Đường Tống chuyển giao cho nhau. Sử gia quen đem thời Ngũ đại phụ vào sau Tuỳ Đường, gọi là Tuỳ Đường Ngũ đại; hoặc có người chủ trương đem nó vạch thành một giai đoạn với Liêu, Tống, Kim, Nguyên. Ngũ đại là thời kì quá độ từ hỗn loạn phân liệt đi đến thống nhất an định. Từ loạn An Sử 安史 trung diệp đời Đường đến 200 năm khi Bắc Tống khai quốc, là một quá trình tìm tòi thăm dò. Sau khi vương triều thống nhất lấy chế độ quân điền 圴田 làm cơ sở kinh tế bị tan rã, chính phủ không thể trực tiếp nắm giữ một số lượng lớn đất đai, trong điều kiện khống chế vững chắc số lượng lớn nhân đinh, làm sao mới có thể bảo trì sự thống nhất và tập quyền? Vấn đề đó mãi đến đầu thời Tống mới được giải quyết. Hiện tượng hỗn loạn thời Ngũ đại đã cho kẻ thống trị nhiều bài học. Những người thống trị thời Ngũ đại như Quách Uy 郭威, Sài Vinh 柴荣đã tổng kết được bài học kinh nghiệm, tìm con đường ra mới. Không có những bài học này, người triều Tống không thể đề xuất phương án giải quyết.
          Ngũ đại cũng không hoàn toàn là “quý thế”, nó cũng có điểm sáng. Khi Ngũ đại kết thúc, bản đồ so với thịnh Đường nhỏ hơn rất nhiều, số hộ đã khôi phục đến trên một nửa của khoảng thời Thiên Bảo 天宝; kinh tế văn hoá phương nam có sự phát triển; ngoài ra, sự xuất hiện thuốc súng trên chiến trường, sự phát triển của nghề in, thi ca với một thể tài mới – sự hưng khởi của từ, những điều đó đã khiến chúng ta không thể không thừa nhận, Ngũ đại là một thời kì có thành tựu văn hoá.

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 24/3/2018

Nguyên tác Trung văn
HÀ VỊ “NGŨ ĐẠI THẬP QUỐC”
何谓五代十国
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post