Dịch thuật: Thân thế Khổng Tử

THÂN THẾ KHỔNG TỬ

          Khổng Tử 孔子 (năm 551 – 479 trước công nguyên) là tư tưởng gia, giáo dục gia vĩ đại cuối thời Xuân Thu ở Trung Quốc và cũng là người sáng lập học phái Nho gia. Khổng Tử tên Khâu , tự Trọng Ni 仲尼, người nước Lỗ. Có thuyết nói ông sinh vào năm Lỗ Tương Công 鲁襄公thứ 21 (Công Dương truyện 公羊传, Cốc Lương truyện 穀梁传, tức năm 551 trước công nguyên), có thuyết lại nói ông sinh năm Lỗ Tương Công thứ 22 (Sử kí – Khổng Tử thế gia 史记孔子世家), cách nhau một năm, người thời trước đã từng vì vấn đề này mà tốn nhiều bút mực. Khổng Tử mất vào năm Lỗ Ai Công 鲁哀公thứ 16, hưởng niên 72 tuổi.
          Khổng Tử từng nói rằng ông là hậu duệ nhà Ân Thương. Chu Vũ Vương  周武王 diệt Ân Thương, phong Vi tử Khải 微子启nhà Ân Thương ở đất Tống. Từ Vi tử Khải đến Vi Trọng Diễn 微仲衍, Tống Công Kê 宋公稽, Đinh Công Thân 丁公申, đời đời nối nhau đến Mẫn Công Cung 泯公共. Con trưởng của Mẫn Công Cung là Phất Phủ Hà 弗父何đem vương vị nhường cho em trai là Phụ Tự 鲋祀. Phất Phủ Hà tự mình đổi thành Khanh. Do đó tổ tiên Khổng Tử từ chư hầu chuyển sang công khanh. Tằng tôn của Phất Phủ Hà là Chính Khảo Phủ 正考父,  liên tiếp phò tá Tống Đới Công 宋戴公, Vũ Công 武公, Tuyên Công 宣公, quan cao vị hiển, nổi tiếng khiêm cung. Ông tổ đời thứ 6 của Khổng Tử là Khổng Phủ Gia 孔父嘉 kế nhiệm chức Đại Tư Mã nước Tống, con cháu đời sau lấy “Khổng” làm tính thị. Về sau, Thái tể nước Tống là Hoa Phủ Đốc 华父督làm loạn, giết Tống Thương Công 宋殇公, giết Khổng Phủ Gia. Con cháu chạy đến nước Lỗ tị nạn (họ Khổng là người nước Lỗ bắt đầu từ đó), Khanh vị cũng mất, hạ xuống làm Sĩ. Tằng tổ phụ của Khổng Tử là Phòng Thúc 防叔từng đảm nhiệm chức Tể ở ấp Phòng nước Lỗ. Sự tích của Tổ phụ là Bá Hạ 伯夏không khảo tra được. Phụ thân Khổng Tử tên Hột tự Thúc, cũng gọi là Thúc Lương Hột 叔梁纥 là một võ sĩ nổi tiếng về dũng lực. Thúc Lương Hột lần đầu cưới Thi thị 施氏, không có con, người thiếp sinh được một người con trai nhưng bị tật ở chân, bước đi khập khiểng. Vế sau Thúc Lương Hột kết hôn với Nhan Trưng 颜徵, sinh ra Khổng Tử. Trong Sử kí- Khổng Tử thế gia 史记 - 孔子世家có nói:
Hột dữ Nhan thị nữ dã hợp nhi sinh Khổng Tử.
纥与颜氏女野合而生孔子
          Thời cổ cho rằng, tuổi quá 64 mà còn kết hôn là không hợp với lễ nghi. Đương thời, Thúc Lương Hột đã hơn 64 tuổi, còn Nhan thị đang tuổi thanh xuân. “Dã hợp” ý nói sự kết hợp giữa hai người là thô dã, không hợp với lễ nghi. Vì mong muốn có con, cha mẹ Khổng Tử đã từng đến Ni khâu 尼丘cầu đảo, có lẽ đó chính là lai lịch Khổng Tử tên Khâu tự Trọng Ni.
          Về năm sinh của Khổng Tử, nhìn chung theo ghi chép trong Sử kí- Khổng Tử thế gia 史记 - 孔子世家 là năm Lỗ Tương Công thứ 22, còn tháng sinh, ngày sinh thì trong Sử kí không ghi chép, theo Cốc Lương truyện thì “thập nguyệt Canh Tí Khổng Tử sinh” tính theo công lịch là ngày 8 tháng 9 năm 551 trước công nguyên.
          Khổng Tử sinh tại nước Lỗ. Nước Lỗ là đất phong của Bá Cầm 伯禽, con của Chu Công Đán 周公旦, nơi bảo tồn rất tốt điển tịch văn vật đời Chu, vốn được xưng là “lễ nhạc chi bang”. Năm Lỗ Tương Công thứ 29 (năm 544 trước công nguyên), công tử nước Ngô là Quý Trát 季札 xem nhạc ở nước Lỗ, đã vô cùng khen ngợi. Năm Lỗ Chiêu Công 鲁昭公 thứ 2 (năm 540 trước công nguyên), Đại phu nước Tấn là Hàn Tuyên Tử 韩宣子 thăm nước Lỗ, sau khi xem qua sách đã tán thán rằng: “Chu lễ tận tại Lỗ hĩ” 周礼尽在鲁矣 (lễ nhà Chu hết thảy đều ở tại nước Lỗ). Truyền thống văn hoá nước Lỗ cùng với hình thế học thuật đương thời đã có ảnh hưởng to lớn đến việc hình thành tư tưởng của Khổng Tử.
          Khổng Tử từ nhỏ đã mất cha, gia cảnh suy lạc. Ông từng nói qua:
Ngô thiếu dã tiện, cố đa năng bỉ sự.
吾少也贱, 故多能鄙事
(Ta lúc trẻ gia cảnh nghèo khó. Cho nên những việc những việc nhỏ việc tạp gì cũng đều đích thân làm)
          Lúc trẻ từng giữ chức “Uỷ lại” 委吏 (quản lí kho lẫm) và “Thừa điền” 乘田 (quản lí chăn thả bò dê). Tuy cuộc sống nghèo khổ, nhưng từ câu nói của ông “Ngô thập hữu ngũ nhi hữu chí vu học” 吾十有五而有志于学 (Ta 15 tuổi đã để chí vào việc học) có thể thấy sự cần mẫn hiếu học của ông. Khổng Tử giỏi mượn gương học tập của người khác, đồng thời việc học cũng không thường có thấy, ham học không chán, người trong làng khen ông là “bác học”.
          Khổng Tử “tam thập nhi lập”, đồng thời bắt đầu nhận học trò. Khổng Tử dạy học nổi tiếng khắp gần xa. Việc sáng lập tư thục của Khổng tử đã phá vỡ truyền thống “học tại quan phủ”, tiến một bước thúc đẩy văn hoá học thuật truyền xuống lớp dưới.
          Năm 517 trước công nguyên, Khổng Tử tránh nội loạn nước Lỗ đã chạy đến nước Tề, lúc đó ông 33 tuổi. Tề Cảnh Công 齐景公từng hai lần cùng với Khổng tử thảo luận đạo trị nước. Cảnh Công tuy rất tán tưởng tài năng của Khổng Tử nhưng chưa nhậm dụng ông.
          Khổng Tử tại nước Tề bất đắc chí, năm 37 tuổi về lại nước Lỗ, chuyên tâm vào việc tu định các sách Thi Thư Lễ Nhạc, lấy đó làm giáo trình dạy học, đệ tử môn sinh đông vô kể. Năm Lỗ Định Công 鲁定公thứ 9 (năm 501 trước công nguyên), Khổng Tử được Lỗ Vương trọng dụng, nhậm mệnh ông giữ chức Trung đô tể, năm đó Khổng Tử đã 51 tuổi. Chỉ mới một năm, mà việc trị lí địa phương đâu vào đó. Do bởi chính tích to lớn, thế là từ Trung đô tể được thăng đến chức Tư không, rồi lên đến Đại tư khấu. Đó là thời kì huy hoàng nhất về chính trị của Khổng Tử.
          Khổng Tử làm quan tại nước Lỗ, nước Tề sau khi nghe nói rất không yên, sợ sau khi nước Lỗ hùng mạnh sẽ thôn tính nước Tề, thế là đem “nữ nhạc” tặng cho Lỗ Định Công và Quý Hoàn Tử 季桓子. Quý Hoàn Tử tiếp nhận “nữ nhạc” mà nước Tề tặng cho, ba ngày không nghe triều chính. Từ đó hoài bão chính trị của Khổng Tử khó thi triển, thế là ông dẫn hơn 10 đệ tử rời nước mẹ, bắt đầu cuộc sống lưu li vất vả, chu du các nước trong một thời gian dài 14 năm. Năm đó Khổng Tử đã 55 tuổi.
          Năm 484 trước công nguyên, dưới sự giúp đỡ của đệ tử Nhiễm Hữu, Khổng Tử về lại nước Lỗ, lúc này Khổng Tử đã là một ông lão 68 tuổi.
          Sau khi Khổng Tử về lại nước Lỗ, người nước Lỗ tôn ông làm “Quốc lão”, lúc đầu Lỗ Ai Công 鲁哀公 và Quý Khang Tử 季康子thường hỏi Khổng Tử về chính sự, nhưng Khổng Tử không được trọng dụng. Những năm về già, Khổng Tử ra sức chỉnh lí sách vở và tiếp tục việc giáo dục. Năm Lỗ Ai Công thứ 16 (năm 479 trước công nguyên), Khổng Tử qua đời hưởng niên 72 tuổi, được an táng ở bên bờ sông Tứ phía bắc thành của nước Lỗ.
          Do bởi niên đại cách nhau quá xa, ngay cả Tư Mã Thiên 司马迁 khi viết  Sử kí 史记cũng từng tốn nhiều công sức, những tư liệu liên quan đến thân thế Khổng Tử đa phần bị mai một. Tuy trải qua sự khảo chứng của nhiều người ở các đời, vẫn có không ít những kết luận khó khiến người ta tin phục, làm rõ bí ẩn về thân thế Khổng Tử, xem ra vẫn cần nỗ lực khai quật tài liệu thâm nhập nghiên cứu.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 21/01/2018

Nguyên tác Trung văn
KHỔNG TỬ THÂN THẾ CHI MÊ
 孔子身世之谜
Tác giả: Lưu Cật 刘劼
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post