Dịch thuật: Ngọc tỉ truyền quốc nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc tại sao lại khuyết một góc

NGỌC TỈ TRUYỀN QUỐC NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ TRUNG QUỐC
TẠI SAO LẠI KHUYẾT MỘT GÓC

          Ngọc tỉ truyền quốc của Trung Quốc tương truyền do Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 chế tạo ra. Năm 221 trước công nguyên, sau khi diệt 6 nước thống nhất Trung Quốc, Tần Thuỷ Hoàng đã sai người lấy ngọc Lam Điền 蓝田làm chất liệu để chạm khắc ngọc tỉ truyền quốc. Lại sai Thừa tướng Lí Tư 李斯viết 8 chữ theo kiểu trùng điểu:
Thụ mệnh ư thiên, kí thọ vĩnh xương
受命於天, 既寿永昌
(Nhận mệnh từ trời, được trường thọ và mãi mãi xương thịnh)
do thợ ngọc Tôn Thọ 孙寿khắc lên bề mặt, xem nó là tín vật kế vị của hoàng đế, dự tính sẽ truyền cho con cháu đời sau. Cũng có một thuyết khác cho rằng chất liệu ngọc tỉ truyền quốc này là ngọc bích Hoà Thị和氏. Từ đó, ngọc tỉ truyền quốc 4 tấc này trở thành tiêu chí người thừa kế chính thống của hoàng đế các đời.
          Tần diệt Hán hưng, ngọc tỉ truyền quốc được dâng cho Hán Cao Tổ Lưu Bang 刘邦. Cuối thời Tây Hán, hoàng đế 2 tuổi Lưu Anh 刘婴lên ngôi, ngọc tỉ truyền quốc do cô của Vương Mãng 王莽 là Hiếu Nguyên Thái hậu  孝元太后giữ. Sau khi Vương Mãng soán quyền, lệnh cho đại thần Vương Thuấn 王舜đến đòi ngọc tỉ truyền quốc. Hiếu Nguyên Thái hậu tuy là người của vương gia, nhưng lại trung thành với triều Hán, không chịu giao. Bị ép quá mức, Hiếu Nguyên Thái hậu giận dữ ném ngọc tỉ truyền quốc xuống đất. Theo truyền thuyết, ngọc tỉ bị khuyết mất một góc. Sau, Vương Mãng dùng vàng để bịt lại, mặc dù tay nghề khéo léo, nhưng ngọc tỉ vẫn còn lưu lại vết khuyết.
          Về sau, Quang Vũ Đế Lưu Tú 光武帝刘秀đoạt lấy ngọc tỉ từ tay Vương Mãng. Cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, chư hầu các lộ ở quan đông thảo phạt Đổng Trác 董卓, Tôn Kiên 孙坚dẫn binh vào thành Lạc Dương 洛阳trước tiên, đã vớt thi thể một cung nữ từ giếng nước trong cung, phát hiện một chiếc hộp màu đỏ, vật trong hộp chính là ngọc tỉ truyền quốc. Sau đó con Tôn Kiên là Tôn Sách 孙策vì muốn mượn binh mã ở Viên Thuật 袁术 đã dâng ngọc tỉ cho Viên Thuật. Viên Thuật bại binh, ngọc tỉ lại về tay Tào Tháo 曹操. Sau đó, trải qua các triều Nguỵ, Tây Tấn, Tiền Triệu, Bắc Nguỵ, Đông Tấn, Tống, Nam Tề, Lương, Bắc Tề, Chu, Tuỳ, Đường đến thời Ngũ Đại thì thất lạc. Về việc liên quan đến việc ngọc tỉ thất lạc, hiện có 3 thuyết:
          - Thuyết thứ nhất cho rằng, khi người Khất Đan công phá Lạc Dương, hoàng đế cuối cùng nhà Hậu Đường là Lí Tùng Kha 李从珂đã ôm ngọc tỉ truyền quốc tự thiêu trên lầu Huyền Vũ 玄武, từ đó không rõ ngọc tỉ ở đâu.
          Thuyết thứ hai cho rằng năm 946 xuất đế nhà Hậu Tấn khi bị Liêu Thái Tông bắt, ngọc tỉ cũng bị mất.
          Thuyết thứ ba cho rằng ngọc tỉ truyền quốc truyền cho đến triều Nguyên, và mất vào tay vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyên là Thuận Đế 顺帝.
          Tóm lại, đến nay ngọc tỉ truyền quốc này vẫn chưa tìm thấy được.
         
                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 19/01/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post