Dịch thuật: Dân dĩ thực vi thiên (thành ngữ)

DÂN DĨ THỰC VI THIÊN
民以食为天
DÂN LẤY CÁI ĂN LÀM TRỌNG

Giải thích: bách tính xem lương thực là thứ quan trọng nhất để sinh tồn. Biểu thị tính trọng yếu của lương thực đối với dân chúng.
Xuất xứ: Hán . Ban Cố 班固: Hán thư – Lịch Dị Ki (Cơ) truyện 汉书 - 郦食其传  
          Sau khi triều Tần bị diệt vong, giữa Lưu Bang 刘邦và Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ 西楚霸王项羽lại triển khai chiến tranh để tranh đoạt chính quyền trong cả nước. Trận Bành Thành 彭城, quân đội Lưu Bang tổn thất nghiêm trọng, lui về Huỳnh Dương 荥阳, Thành Cao 成皋lấy thủ làm công. Nhưng quân lương của Hán quân dần không đủ. Trên Ngao sơn 敖山ở phía tây bắc Huỳnh Dương có một toà thành nhỏ xây từ thời Tần, trong thành nhiều kho chứa lương thực, nhân đó gọi là Ngao thương 敖仓. Ngao thương là kho lương thực quan trọng nhất ở quan đông, vì thế chiếm lĩnh được kho lương này là cực kì quan trọng trong chiến trận.
         Sự tấn công dũng mãnh của Hạng Vũ khiến Huỳnh Dương nguy cấp, không biết làm cách nào, Lưu Bang định cắt nhường phía đông Thành Cao cho Hạng Vũ, lui về giữ vùng Củng Lạc, một mặt có thể lấy lại sức, mặt khác có thể tổ chức lại lực lượng để cùng quân Sở quyết chiến.
          Mưu sĩ Lịch Dị Ki (Cơ) 郦食其 (1) biết được chủ ý này, phản đối rằng:
          - Điều mà bậc đế vương dựa vào đó là sự hậu thuẫn của dân, dân lấy cái ăn làm trọng, Ngao thương là yếu địa tàng trữ phong phú lương thực, thế mà Đại vương lại bỏ, kho lương có lợi biết chừng nào này mất đi đối với quân đội mà nói sẽ gây ra bất lợi cực kì to lớn.
          Lưu Bang trầm tư trong chốc lát, cảm thấy lời của Lịch Dị Ki (Cơ) có lí, liền hỏi:
          - Thế thì theo cao kiến của tiên sinh, ta phải làm thế nào?
          Lịch Dị Ki (Cơ) nói rằng:
         - Trong tình hình này, nhất thiết không thể lui binh, Đại vương chỉ có tổ chức lại lực lượng, kiên trì giữ Huỳnh Dương, bảo toàn Ngao thương, phong lương túc thực mới có thể làm phấn chấn tinh thần quân sĩ.
          Lưu Bang làm theo lời Lịch Dị Ki (Cơ), quả nhiên sau đó giành được thắng lợi.

Chú của người dịch
1- Lịch Dị Ki (Cơ) 郦食其 (phồn thể 酈食其):
          酈食其 về âm đọc của 3 chữ này, trong Khang Hi Tự điển 康熙字典chép như sau:
          Chữ bộ (ấp) 19 nét, trang 1266
          1- Quảng vận 廣韻phiên thiết là LỮ CHI 呂支; Tập vận 集韻phiên thiết là LÂN TRI 鄰知, đều có âm là LI.
          Âm “li” là địa danh.
          2- Đường vận 唐韻phiên thiết là LANG KÍCH 郎擊; Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là LANG ĐỊCH 狼狄, đều có âm là LỊCH.
          Âm “lịch” vừa là địa danh vừa là họ người.
          Tiền Hán – Cao Đế kỉ 前漢 - 高帝紀
酈食其 vi Lí giám môn
酈食其為里監門
(酈食其giữ chức Lí giám môn)
Chú rằng: 3 chữ 酈食其  có âm đọc là 歷異基(Lịch Dị Ki / Cơ)

          Chữ bộ (thực) 9 nét, trang 1410.
          1- Đường vận 唐韻  phiên thiết là THỪA LỰC 乘力; Tập vận 集韻,
Vận hội 韻會   phiên thiết là THỰC CHỨC 實職đều có âm là THỰC.
           2- Tập vận 集韻  phiên thiết là TƯỜNG LẠI 祥吏, Chính vận 正韻 phiên thiết là TƯƠNG LẠI 相吏, đều có âm là TỰ.
          3- Quảng vận 廣韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會 đều phiên thiết là DƯƠNG LẠI 羊吏, âm DỊ.
          Trong Quảng vận 廣韻  có ghi là “nhân danh” . Đời Hán có Thẩm Dị Ki (Cơ) 審食其và Lịch Dị Ki (Cơ) 酈食其.

          Chữ bộ (bát) , 6 nét, trang 54, 55.
          1- Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會  phiên thiết là CỪ CHI 渠之, Chính vận 正韻 phiên thiết là CỪ NGHI 渠宜đều có âm là KÌ.
          2- Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會 đều phiên thiết là CƯ CHI 居之, âm KI (CƠ). Nhân danh.
          Trong Sử kí – Lịch Sinh truyện 史記 - 酈生傳có ghi:
酈食其Trần Lưu Cao Dương nhân
酈食其陳留高陽人.
(酈食其 là người ở Cao Dương Trần Lưu)
Chú rằng: trong Chính nghĩa 正義 âm đọc của 3 chữ酈食其  này là 歷異幾Lịch Dị Ki (Cơ)
          Như vậy 3 chữ 酈食其 đọc là LỊCH DỊ KI (CƠ)
                                              (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                             Quy Nhơn 27/01/2018

Nguyên tác Trung văn
DÂN DĨ THỰC VI THIÊN
民以食为天
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004.  
Previous Post Next Post